moitruongplus Việc khai thác đất phục vụ thi công các dự án tại một số xã thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.

Những năm gần đây, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ được thay da đổi thịt nhờ những dự án, công trình lớn, tuy nhiên nó cũng tạo nhiều hệ lụy về môi trường, gây bức xúc cho người dân. Phản ánh tới tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam, người dân các xã Đồng Lương, Tạ Xá, Phú Lạc, Yên Tập thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ cho biết, họ đang "ngạt thở” bởi môi trường bị ô nhiễm bởi khói, bụi và tiếng ồn. Các xe tải chở đất chạy rầm rập suốt ngày, phá nát đường đi ở các thôn xóm. Đất đỏ, đất đen rơi vãi khắp đường làng ngõ xóm, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù mịt.

Tại xã Đồng Lương, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã từng có bài phản ánh "Phú Thọ: Người dân tố chính quyền xã buông lỏng quản lý đất đai?", ghi nhận nhiều quả đồi tại khu Si Hen, xã Đồng Lương đã bị khai thác nham nhở. Dưới chân các sườn đồi có hàng loạt phương tiện máy xúc, xe tải trọng lớn, nhỏ hoạt động liên tục đã tạo ra âm thanh chát chúa phá vỡ sự yên bình vốn có của vùng quê.

Nhiều xe tải lớn nhỏ đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê

Người dân ở đây cho hay: "Sau khi bài báo đăng tải, mọi hoạt động khai thác được tạm dừng, chúng tôi ổn định cuộc sống được một thời gian, nhưng tới nay các điểm múc đất lại hoạt động rầm rộ trở lại. Các vị trí bị khai thác bung bét ngày càng nhiều”.

Liên quan đến vấn đề mà người dân phản ánh, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt ở huyện Cẩm Khê để tìm hiểu sự việc. Qua ghi nhận tại xã Đồng Lương, hoạt động khai thác ở đây như đang "tăng tốc", số vị trí khai thác và phương tiện vận chuyển đều tăng lên.

Những quả đồi có cả vỉa đất đen giống như than bị "xẻ thịt”  không thương tiếc

Theo quan sát, các phương tiện chở đất đều mang logo "Vận tải Tự Lập" ở phía trước. Người dân ở đây cho biết, những chiếc xe có gắn logo đều là các phương tiện phục vụ cho các công trình xây dựng của Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập - một "ông lớn" về xây dựng có trụ sở đóng tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bên cạnh phương tiện gắn logo Tự Lập, PV cũng thấy nhiều xe mang BKS có màu vàng không gắn logo chở đất màu đen giống như than ra phía khu Đồn Ngựa, phía Quốc lộ 2.

Người dân Đồng Lương than thở: "Các phương tiện vận tải này chạy nườm nượp suốt ngày không chỉ khiến chúng tôi phải hít khói, bụi, tiếng ồn, mà đất đen rơi vãi ra khắp mặt đường khiến hoạt động đi lại của người dân hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, các xe chạy qua khu vực ngã ba có chợ họp cả ngày nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao”.

Biển cấm vẫn treo, xe vẫn cứ chạy ngày đêm mặc cho người dân khổ sở lên tiếng

Cũng tình trạng tương tự tại xã Tạ Xá và Yên Tập, nơi có dự án "Cải tạo, nâng cấp, gia cố đê ngòi Me, ngòi Cỏ - huyện Cẩm khê, tỉnh Phú Thọ (giai đoạn I). Được biết, dự án trên do UBND huyện Cẩm Khê làm chủ đầu tư, có giá trị khoảng 110 tỷ đồng, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Đạt Hưng.

Từ khi dự án đi vào thực hiện, đời sống của người dân bị đảo lộn. Để thi công công trình, nhà thầu đã phải nạo vét bùn từ các kênh, ngòi lên bờ để vận chuyển đi nơi khác. Sau khi bùn đất được đưa lên các xe tải và đổ trên trục nối giữa Quốc lộ 32 chạy qua các xã Phú Lạc, Yên Tập, Tạ Xá, Hương Lung. Đây là trục đường thiết yếu, hàng ngày số lượng người tham gia giao thông rất cao. Đặc biệt, công nhân của các Khu Công nghiệp Cẩm Khê và Cụm Công nghiệp thị trấn Cẩm Khê qua đây khá nhiều. Chị M.K.L - công nhân tại Cụm Công nghiệp Cẩm Khê than thở: "Tôi hàng ngày hai lượt qua đây thấy sợ quá, có những hôm trời mưa, đường đi lầy lội như đi dưới ruộng. Trời nắng, để tránh bụi, đội thi công phun nước khiến đường trơn như đổ dầu, nhiều người bị trượt bánh mà tự ngã. Mong sao các cấp chính quyền nhắc nhở đơn vị thi công có ý thức hơn để người dân bớt khổ”.

Tại địa bàn xã Tạ Xá nơi thi công dự án cải tạo ngòi Me làm đất rơi vãi khiến tuyến đường luôn trong tình trạng trơn trượt

Theo phản ánh của người dân, có nhiều xe trọng tải lớn vận chuyển đất đi ra phía quốc lộ 2 rồi toả đi nhiều ngả khác nhau. Nếu đúng thực trạng nêu trên thì đơn vị thi công đang có dấu hiệu chở đất ra ngoài và sử dụng sai mục đích (!?)

Sau khi đã mục sở thị tại các xã trên để nắm bắt tình hình, PV có gửi nội dung làm việc đến Văn phòng UBND huyện Cẩm Khê, đến nay đã nhiều ngày trôi qua vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan này.

Còn ông Vi Tiến Cường, Chủ tịch UBND xã Đồng Lương cho hay: "Việc các phương tiện vận chuyển đất trên địa bàn là có thật, các phương tiện này đang lấy đất để phục vụ cho dự án đường kết nối vùng cho Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập thi công”. Khi được hỏi về nguồn gốc vị trí khai thác đất, vị chủ tịch này cho biết: "Có 3 hoặc 4 hộ gia đình được cấp phép hạ cốt nền, tôi cũng không nhớ rõ lắm".

Nhiều người và phương tiện bị trượt ngã khiến dân chỉ biết kêu trời

Khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ cấp phép của các hộ dân thì ông Cường cho biết: "Các hồ sơ giấy tờ trên do cán bộ địa chính nắm giữ, hiện nay đồng chí ấy đang đi lên huyện, khi nào có sẽ cung cấp cho anh em".

Việc thực hiện các dự án để thúc đẩy kinh tế xã hội tại địa phương là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng kinh tế để nâng cao đời sống người dân cũng cần đặt vấn đề môi trường và đời sống dân sinh lên hàng đầu. Nhiều dự án mới bắt đầu thi công đã nhận được những phản ánh thiếu tích cực của người dân cũng là một vấn đề đặt ra cho lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ, chính quyền huyện Cẩm Khê.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Phú Thọ: Đoàn xe quá khổ, quá tải tại Thanh Sơn bị xử phạt hơn 600 triệu đồng

Số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 xe chở quá khổ, quá tải tại huyện Thanh Sơn là 661 triệu đồng.

Hải Phòng: Người dân nộp tiền thuế đất tái định cư, nhưng chẳng thấy đất đâu

Sau khi đăng tải bài viết “Quận Lê Chân có buông lỏng quản lý TTXD trên tuyến phố Hồ Sen”, tòa soạn MT&ĐT Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về đền bù cho người dân có nhà đất bị thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường Hồ Sen – Cầu Rào 2.

Gia Lâm – Hà Nội: Cần dừng ngay việc san lấp trái phép tại xã Đa Tốn

Một diện tích lớn đang được san lấp trái phép ngay ven đường 379 tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội gây ra bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến môi trường. UBND xã Đa Tốn cần phải ngăn chặn kip thời.

TP.Việt Trì: Người dân “tố” chính quyền xã Kim Đức buông lỏng quản lý đất đai?

Tình trạng người dân ngang nhiên xẻ đồi lấy đất đi tiêu thụ, san lấp mặt bằng đất nông nghiệp để xây dựng hàng loạt công trình nhà ở kiên cố không phép, nhưng chính quyền xã Kim Đức, TP Việt Trì không đưa ra bất cứ biện pháp ngăn chặn, xử lý

Bắc Giang : Cần “công tâm” giải quyết đất đai tại ven sông Cầu thuộc xã Yên Lư

Một số cán bộ trong thôn, xã vi phạm xây dựng nghiêm trọng như xây nhà kiên cố trên hành lang đê thoát lũ, xây nhà trên đất nông nghiệp... mà vẫn không bị xử lý, còn người dân chỉ tôn tạo đất phục vụ sản xuất thì ngay lập tức bị chính quyền xử lý.

Phú Thị, Gia Lâm: Dùng chất thải xây dựng để san lấp 20.126 m2 đất nông nghiệp.

Xin đổ thêm đất mầu để sản xuất nông nghiệp trên diện tích 20.126 m2 tại khu Lầy Ân, xã Phú Thị, nhưng hộ ông Bùi Tố Minh lại dùng chất thải xây dựng bỏ đi từ các công trình thi công để san lấp, gây ô nhiễm môi trường, phá hủy kết cấu đất.