moitruongplus Xin đổ thêm đất mầu để sản xuất nông nghiệp trên diện tích 20.126 m2 tại khu Lầy Ân, xã Phú Thị, nhưng hộ ông Bùi Tố Minh lại dùng chất thải xây dựng bỏ đi từ các công trình thi công để san lấp, gây ô nhiễm môi trường, phá hủy kết cấu đất.

Dấu hiệu phá hủy đất nông nghiệp.

Theo tài liệu cung cấp của UBND xã Phú Thị, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam được biết: Tháng 2 năm 2004, UBND xã Phú Thị đã ký hợp đồng cho thuê đất với Công ty TNHH Tú Phương, có địa chỉ tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Giám đốc Công ty là ông Bùi Tố Hùng.

Theo đó, tại  hợp đồng số 03/2004/HĐKT, UBND xã Phú Thị đã cho Công ty TNHH Tú Phương thuê 20.126 m2 tại khu Lầy Ân để sản xuất nông nghiệp. Sau đó, để hợp thức hóa về điều kiện thuê đất theo luật đất đai, chủ sở hữu khu đất thuê này được chuyển lại cho cá nhân ông Bùi Tố Minh đứng tên.

Đến tháng 11/2021, ông Bùi Tố Minh đã có đơn gửi Đội quản lý trật tự xây dựng huyện Gia Lâm và UBND xã Phú Thị xin được xây dựng hệ thống tường rào; đổ thêm đất mầu để phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, nội dung thực hiện sau đó lại không được ông Bùi Tố Minh thực hiện như đơn xin.


Theo ghi nhận của Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, thay vì đổ đất màu, 20.126 m2 đất đang thuê của ông Minh lại được đổ bằng các loại đất thải thừa từ công trình để san lấp, gây ô nhiễm môi trường, phá hủy kết cấu đất.

Cụ thể, chỉ qua ít thời gian theo dõi, PV đã chứng kiến các xe ô tô mang BKS 15C 269.61 và 29H 326.76, nối đuôi nhau chở chất thải công trình từ cổng sau Dự án Eurowindow Twin Parks Trâu Quỳ, Gia Lâm về để san lấp.

Xe ô tô mang BKS 15C 269.61 vào lấy đất thải từ cổng sau Dự án Eurowindow Twin Parks Trâu Quỳ, rồi mang về san lấp vào khu đất đang thuê của ông Bùi Tố Minh.

Đây là vi phạm nghiêm trọng. Bởi việc san gạt, đổ thải làm biến dạng địa hình là hành vi hủy hoại đất, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là vi phạm Luật Đất đai, bị nghiêm cấm.

Cụ thể, tại Khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng đất. Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

Chính quyền xã Phú Thị ở đâu khi để vi phạm xảy ra?

Để làm rõ dấu "?” trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát khi để tình trạng đất nông nghiệp bị san lấp bằng chất thải xây dựng?, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND xã Phú Thị, huyện Gia Lâm. Tại buổi làm việc với PV ngày 13/1/2022 có ông Nguyễn Đức Chấn – Chủ tịch và ông Nguyễn Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thị.

Ông Đông cho biết: Ở đây là họ đổ đất màu… Họ có đơn đề nghị đổ đất vào để nâng cao, cải tạo lại mặt bằng cho sản xuất nông nghiệp.

Còn ông Chấn cho rằng: Người ta đổ đất màu thì được. Chứ còn đổ cái này, cái khác là không được.

Ông Chấn cũng thể hiện sự cương quyết để ngăn chặn nạn dùng chất thải xây dựng san lấp đất nông nghiệp trên địa bàn: "Vừa chiều hôm qua tôi ngồi với ba đồng chí công an kinh tế của huyện. Tôi yêu cầu các anh phải tăng cường kiểm tra cho tôi. Xã anh em chỉ làm đến buổi chiều. Nhưng đêm các anh phải có lực lượng trực để tuần tra…”.

Sau đó, ông Nguyễn Đức Chấn chỉ đạo ông Nguyễn Văn Đông gọi cho một người tên Giang (người quản lý công trình đổ đất san lấp) – là cháu của ông Bùi Tố Minh lên để làm rõ sự việc trên.

Theo ông Giang, việc chuyển đất từ Dự án khác về san lấp công trình là sai. "Bên mình có dự án ngay cạnh Bệnh viện đa khoa. Bên mình đang đào móng, đào cống. Dự án cũng là của anh Minh. Bên này là đất nông nghiệp bị trũng, nên bổi đất màu đó vào để bổ sung sau này trồng cây, chứ không phải là chất thải mua ở đâu”.

Tuy nhiên, khi được PV cung cấp toàn bộ hình ảnh, video các xe ô tô đường đường, chính chính giữa ban ngày tự do đi lấy đất thải xây dựng để về san lấp công trình, thì ông Giang mới nhận sai, cho biết sẽ kiểm tra lại và mong được bỏ qua.

Ông Nguyễn Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thị cũng nói rằng: Ông Giang phải rút kinh nghiệm…

Qua những chia sẻ từ lãnh đạo xã Phú Thị và đại diện đơn vị thuê đất, thì phải chăng, công tác quản lý địa bàn của cán bộ UBND xã Phú Thị đang có vấn đề? Bởi dù có tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nghiêm đến đâu, nhưng chỉ đến khi được PV cung cấp video, hình ảnh các xe ô tô vô tư tung hoành ngang dọc giữa ban ngày chở đất thải xây dựng mang đi san lấp, thì lãnh đạo xã và đơn vị thuê đất mới nhận ra!?

Để sự việc được làm sáng tỏ, tránh những hệ lụy về công tác quản lý đất đai sau này, rất cần UBND huyện Gia Lâm và UBND Thành phố Hà Nội sớm vào cuộc điều tra,  làm rõ vai trò, trách nhiệm quản lý địa phương và xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016, hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 2 triệu - 5 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000 kg.

Trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg: phạt tiền 5 triệu - 10 triệu đồng. Từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg: phạt tiền từ 10 triệu - 15 triệu đồng. Từ 100.000 kg trở lên: phạt tiền từ 200 triệu - 250 triệu đồng...





Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Ninh Bình: Cắt giảm Dự án Đại học Hoa Lư ,chuyển sang đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có Quyết định 131/UBND-VP4 về phương án sử dụng đất tại khu 7,9ha từ việc rà soát, cắt giảm Dự án xây dựng Đại học Hoa Lư chuyển sang đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất.

Phú Thọ: Đoàn xe quá khổ, quá tải tại Thanh Sơn bị xử phạt hơn 600 triệu đồng

Số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 xe chở quá khổ, quá tải tại huyện Thanh Sơn là 661 triệu đồng.

Hải Phòng: Người dân nộp tiền thuế đất tái định cư, nhưng chẳng thấy đất đâu

Sau khi đăng tải bài viết “Quận Lê Chân có buông lỏng quản lý TTXD trên tuyến phố Hồ Sen”, tòa soạn MT&ĐT Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về đền bù cho người dân có nhà đất bị thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường Hồ Sen – Cầu Rào 2.

Gia Lâm – Hà Nội: Cần dừng ngay việc san lấp trái phép tại xã Đa Tốn

Một diện tích lớn đang được san lấp trái phép ngay ven đường 379 tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội gây ra bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến môi trường. UBND xã Đa Tốn cần phải ngăn chặn kip thời.

TP.Việt Trì: Người dân “tố” chính quyền xã Kim Đức buông lỏng quản lý đất đai?

Tình trạng người dân ngang nhiên xẻ đồi lấy đất đi tiêu thụ, san lấp mặt bằng đất nông nghiệp để xây dựng hàng loạt công trình nhà ở kiên cố không phép, nhưng chính quyền xã Kim Đức, TP Việt Trì không đưa ra bất cứ biện pháp ngăn chặn, xử lý

Bắc Giang : Cần “công tâm” giải quyết đất đai tại ven sông Cầu thuộc xã Yên Lư

Một số cán bộ trong thôn, xã vi phạm xây dựng nghiêm trọng như xây nhà kiên cố trên hành lang đê thoát lũ, xây nhà trên đất nông nghiệp... mà vẫn không bị xử lý, còn người dân chỉ tôn tạo đất phục vụ sản xuất thì ngay lập tức bị chính quyền xử lý.