moitruongplus Tiếp tục tìm hiểu về sai phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển VLXD trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam phát hiện, mỏ khai thác cát tại xã Tiên An hoạt động trái quy định, tác động xấu đến môi trường sống.

Từ phản ánh của người dân về việc có quá nhiều xe tải ben tải trọng lớn, có dấu hiệu quá tải khi vận chuyển cát qua đường ĐH2 gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, phóng viên trực tiếp tác nghiệp hiện trường, nhận thấy những thông tin này là có cơ sở. Điều đáng nói là không chỉ gây mất ATGT, xe tải ben vận chuyển cát từ các mỏ khai thác ở xã Tiên An còn là tác nhân gây hư hỏng nhiều đoạn trên con đường ĐH2 nối liền giữa 2 xã Tiên An và Tiên Hiệp. Hậu quả này khởi nguồn từ việc bãi khai thác cát ở sông Trạm xã Tiên An hoạt động sai quy định pháp luật.  


Xe tải ben chở cát lưu thông qua tuyến đường ĐH2, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. 

 Liên tiếp trong các ngày 1/6, 2/6 và 3/6, phóng viên thực địa hoạt động khai thác, vận chuyển cát tại bờ sông Trạm thuộc địa phận thôn 2 và 3 xã Tiên An. Từ cầu sông Trạm, vượt qua barie bẳng sắt, phóng viên di chuyển dọc theo bờ sông áng chừng 1km là đến điểm khai thác cát. Thoạt nhìn, không ai nghĩ đây là mỏ khai thác cát được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép. Bởi chiếu theo quy định về hoạt động mỏ khai thác, nơi đây tồn tại nhiều không: Không trạm cân, không có nhà chứa rác thải và không có vật dụng phòng cháy chữa cháy.


Hoạt động khai thác tại bãi cát ở xã Tiên An.

Tại hiện trường, phóng viên phát hiện có 4 máy múc đang hoạt động. Một máy múc cát dưới lòng sông cho vào máy sàng để phân loại cát, sỏi, sạn; 1 máy múc cát vừa phân loại xong đổ thành đống; 2 máy múc cát đổ lên các xe tải ben đến "ăn hàng”.  Tại đây, các xe tải ben có tải trọng lớn, loại 3 giò đến 4 giò liên tục vào chở cát, trong đó nhiều nhất là xe gắn logo Thông Đạt. Sau khi "ăn hàng”, các xe này được phủ kín bạt, lưu thông lên cầu sông Trạm, từ đây theo tuyến ĐH2 di chuyển từ xã Tiên An về Tiên Hiệp.


Xe tải trọng lớn vận chuyển cát từ mỏ khai thác tại xã Tiên An.

Để mục sở thị thực trạng xe quá tải lưu thông trên tuyến ĐH2, ngày 1/6, phóng viên bám theo xe tải loại 4 giò, mang BKS  92C-126.67, gắn logo Thông Đạt vào xã Tiên An chở cát. Tầm 12 giờ, sau khi được xúc đầy cát ở bãi sông Trạm, xe BKS  92C-126.67 có dấu hiệu quá tải, lặc lè di chuyển lên tuyến ĐH2.

Thời điểm này là chính ngọ, đường vắng, tài xế cho xe chạy tốc độ khá nhanh, nhiều đoạn bụi bay mịt mù. Chiếc xe tải trọng lớn, lưu thông vào đường bê tông 3m nên gần như choáng hết mặt đường, nếu tránh xe ngược chiều thì chắc chắn sẽ không còn chỗ cho các phương tiện xe thô sơ đi lại.


Xe tải ben BKS 92C-126.67 chở cát từ mỏ ở sông Trạm lưu thông trên tuyến ĐH2, choáng hết lối đi.

Sau khi lưu thông hết tuyến ĐH2 nối từ xã Tiên An ra Tiên Hiệp, xe BKS  92C-126.67 chở cát ra đường ĐT616, thắng tiến về hướng Bắc Trà My và xả hàng tại một điểm đổ thuộc địa bàn xã Trà Tân. Điều đang nói là tại vị trí tiếp giáp giữa tuyến ĐT616 và ĐH2 có cắm biển cấm xe tải trọng 13 tấn đi vào đường ĐH2 đã bị ngã nghiêng vào tường rào bên đường. Cùng thời điểm này, phóng viên còn phát hiện nhiều xe tải mang logo Thông Đạt loại 2 giờ và 3 giò chở cát từ bãi khai thác ở xã Tiên An về đổ tại đây.


Cát từ sông Trạm xã Tiên An được xe tải ben BKS 92C-126.67 vận chuyển lên bãi đổ tại huyện Bắc Trà My.

 Quá trình lưu thông trên tuyến ĐH2 ghi nhận hoạt động xe tải ben chở cát, phóng viên phát hiện mật độ phương tiện xe tải lưu thông khá dày đặc. Tuyến này dài tầm 6km, mặt đường bê tông rộng án chừng 3m, hai bên đường có nhiều nhà dân địa phương sinh sống. Có nhiều vị trí mặt đường bị bong tróc, xuất hiện ổ gà.

Phản ánh với phóng viên, chị Phan Thị Hòa, trú thôn 1 (xã Tiên An) cho biết: "Thời gian gần đây xuất hiện xe tải to, chở nặng, chạy nhanh, gây mất an toàn giao thông trên tuyến ĐH2. Trẻ con ở đây không dám ra đường. Đường xá không an toàn cho học sinh đi học, nhất là mấy khúc cua, xe có hôm chạy sát vô nhà tôi, húc bay cả xe máy dựng trong lề.  Xe chạy liên tục, ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt người dân. Nhất là buổi trưa, xe bóp còi inh ỏi, ảnh hưởng trẻ con ngủ nghỉ. Thứ nữa là bụi bặm nhiều, đường xá hư hết”.


Mặt đường trên tuyến ĐH2 qua địa bàn xã Tiên An bị bong tróc, xuất hiện ổ gà.

Cùng tâm trạng như chị Hòa, ông Phan Văn Tiến trú thôn 2 (xã Tiên An) có nhà sát mặt đường ĐH2 phản ánh: "Xe tải to chạy cả ngày, tầm 6 giờ sáng đã lưu thông rồi. Xe chở cát sỏi dưới sông Trạm xã Tiên An ra hướng về xã Tiên Hiệp để lên huyện Bắc Trà My. Xe chạy từng đoàn 5 đến 6 chiếc khiến trẻ con sợ không dám ra đường. Thêm nữa, các xe chở keo mang đất từ trên núi xuống trây ra đường, nắng lên xe tải chạy qua làm phát bụi, gây ô nhiễm nhà dân. Đặc biệt là các xe tải chở cát chạy ghê quá, đi giữa đường bê tông, ai tránh thì tránh chứ nó không tránh đâu. Dân thấy vậy rất bức xúc nhưng không biết phản ánh với ai.”


Xe tải ben chở cát lưu thông trên tuyến ĐH2 làm phát sinh bụi gây ô nhiễm môi trường.

Mang những băn khoăn, thắc mắc của người dân trao đổi với chính quyền, phóng viên khá bất ngờ khi cả xã lẫn huyện đều chưa nắm được thông tin này. Ông Phan Hồng Phát, Chủ tịch UBND xã Tiên An cho biết, vị trí khai thác cát trên sông Trạm như phóng viên mô tả là mỏ cát của Công ty TNHH Triển khai Công nghệ nước và Môi trường Thiên Long.

Cũng theo ông Phát, khoảng cuối tháng 4/2022, đoàn kiểm tra của huyện Tiên Phước và xã Tiên An đã kiểm tra hoạt động của mỏ này, phát hiện một số sai phạm trong quá trình khai thác. Cụ thể, công ty chưa bố trí lắp đặt trạm cân, về mốc giới khai thác, có một số mốc bị lệnh so với ban đầu. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn nhắc nhở công ty một số vấn đề về môi trường và tải trọng xe vận chuyển cát. Quá trình hoạt động của mỏ này, địa phương chưa nghe phản ánh về việc mất an toàn giao thông do vận chuyển cát qua tuyến ĐH2.

Liên lạc với ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước để nắm thông tin về hoạt động của mỏ này được biết, cuối tháng 12/2021, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã có kết luận về sai phạm của đơn vị khai thác khi chưa lắp đặt trạm cân và Camera khi đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác. Khi phóng viên hỏi thông tin về việc mỏ khai thác cát không lắp đặt trạm cân, để xe quá tải trọng vào lấy cát, vận chuyển ra đường ĐH2 gây mất ATGT và ô nhiễm môi trường, Phó Chủ tịch huyện Tiên Phước tỏ ra bất ngờ và cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin, có hướng xử lý ngay.


Biển báo cấm xe tải trọng 13 tấn được đặt tại khu vực vào đường ĐH2  đoạn qua xã Tiên Hiệp. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 26/2/2021, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 496/UBND-KTN chỉ đạo về việc lắp đặt trạm cân tại các bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh phải lắp đặt trạm cân, có kết nối Wife, Camera theo dõi và cung cấp cho Cục thuế, Chi cục thuế khu vực giám sát quản lý khối lượng cát, sỏi mua bán tại bến bãi; cung cấp cho UBND huyện, thị xã, thành phố, Thanh tra Sở giao thông vận tải để quản lý tải trọng xe và các nội dung liên quan khác.

Cũng theo công văn này, đối với các bến, bãi đã được cấp phép hoạt động và còn thời hạn phải hoàn thành lắp đặt, đi vào hoạt động trước ngày 30/3/2021. Sau thời gian này, nếu các bến, bãi nào không hoàn thành việc lắp đặt trạm cân đi vào hoạt động thì sẽ thu hồi giấy phép hoạt động bến.

Theo tài liệu phóng viên, ngày 2/7/2021, UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1836/GP-UBND cho Công ty TNHH Triển khai Công nghệ nước và Môi trường Thiên Long được khai thác cát, sỏi, cuội làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực bãi Thác Ngấn thuộc thôn 2 và 3 xã Tiên An. Mặc dù đã hoạt động khai thác gần 1 năm nhưng Công ty TNHH Triển khai Công nghệ nước và Môi trường Thiên Long không lắp đặt trạm cân vào bãi khai thác theo quy định.


Toàn cảnh bãi khai thác cát do Công ty TNHH Triển khai Công nghệ nước và Môi trường Thiên Long quản lý tại xã Tiên An.

Câu hỏi đặt ra là có hay không việc Công ty TNHH Triển khai Công nghệ nước và Môi trường Thiên Long phớt lờ văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam về việc lắp đặt trạm cân, mặc dù mỏ cát của Cty này đã từng bị Thanh tra tỉnh Quảng Nam công bố sai phạm?  Tại sao sai phạm kéo dài như vậy mà doanh nghiệp này vẫn không bị thu hồi giấy phép hoạt động khai thác? Và trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi sai phạm xảy ra thời gian dài mà không được xử lý theo quy định?   

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

sfdsf
gfghf
vcxvcx
sdfd

Quảng Bình: Ngang nhiên băm nát đồi núi lấy đất đá trái phép

Một quả đồi lớn tại thôn Xuân Trường, xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch đã bị băm nát trong thời gian dài để lấy đất đá trái phép, tuy nhiên chính quyền địa phương lại không hay biết gì…

Khánh Hòa: Rừng bị “xẻ thịt”, trách nhiệm thuộc về ai? (Bài 3)

Những hình ảnh mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi nhận được, tại khu vực rừng thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cây rừng bị chặt hạ ngổn ngang, khối lượng gỗ đã được mổ xẻ nằm la liệt...

Hà Nội báo cáo Thủ tướng vụ 3 mỏ cát đấu giá cao bất thường

UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng và Bộ TN&MT về vụ việc ba mỏ cát trúng đấu giá cao gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm.

Huyện Lắk - Đắk Lắk: Cần kiểm tra nguồn đất thi công các dự án bờ kè

Việc khai thác một lượng đất lớn tại xã Ea R’Bin (thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) để thi công dự án bờ kè sông Krông Nô khi chưa được cấp phép liệu có truy thu được nguồn thuế, việc quyết toán công trình sẽ như thế nào?

Bù Đăng- Bình Phước: Cần siết chặt hoạt động khai thác, san gạt đất trái phép

Những quả đồi biến dạng, đất bị đào bới nham nhở, đổ đất lấn lòng hồ thủy điện,... là những gì đã và đang diễn ra tại xã Đức Liễu (Bù Đăng). Thế nhưng, việc ngăn chặn tình trạng này đối với UBND xã Đức Liễu vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải?

Mai Sơn, Sơn La: Ngang nhiên khoét núi khai thác tài nguyên trái phép

Mặc dù không được phép khai thác tài nguyên nhưng tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, Mai Sơn hàng ngày người dân nơi đây đưa máy móc, xe cộ vào khoét núi, khai thác tài nguyên một cách công khai…