moitruongplus Tháng 5/2022 là thời điểm dừng khai thác tại mỏ cát Trang Đức (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), do vậy hoạt động tận thu tại mỏ cát này đang diễn ra ồ ạt, không chỉ cày xới bên trong, nhiều khu vực lân cận bị xới tung để lấy cát đưa đi tiêu thụ.

Đào đất hay khai thác cát trái phép?

Mới đây, từ nguồn tin cung cấp của người dân và theo dõi của chính quyền địa phương, UBND huyện Mang Yang đã nhanh chóng chỉ đạo các lực lượng phối hợp xử lý vụ khai thác khoáng sản trái phép xảy ra tại làng Bông Pim, xã Đak Jơ Ta.

Cụ thể, chiều 16/4, một số người dân phát hiện, tại khu vực đất ruộng cạnh bờ sông Ayun, thuộc làng Bông Pim, có người đưa phương tiện vận tải và xe máy đào tự ý đào xới sau đó vận chuyển khoáng sản trái phép đi nơi khác, vị trí tập kết là khu vực mỏ cát thuộc Công ty TNHH MTV Trang Đức.


Hoạt động khai thác đất trái phép tại làng Bông Pim được phát hiện.

Sau khi xác định thông tin trên, Phòng TNMT huyện Mang Yang phối hợp cùng Công an huyện, UBND xã Đak Jơ Ta tiến hành kiểm tra, tại hiện trường Đoàn kiểm tra phát hiện 1 xe máy đào đang đỗ tại hiện trường bãi đất bị đào bới.

Qua xác minh, chủ khu đất đang khai thác trái phép là ông Đê (trú làng Bông Pim); ông Nguyễn Hữu Liên (trú tại thôn 2, xã Ayun, Mang Yang) là người đứng ra chỉ đạo người vận hành máy đào và 4 xe chở khoáng sản từ làng Bông Pim đi đổ ở khu vực mỏ cát. Diện tích đào bới được xác định khoảng 70m2, khối lượng đất chở đi khoảng 30m3. Khoáng sản chở đến đổ ở khu vực mỏ cát được cho là lấp vào chỗ trũng của hộ ông Liên.


Đất sau khai thác được đổ xuống sông trong khu vực mỏ cát Trang Đức.

Với hành vi trên, sau khi thống nhất, Phòng TNMT xác nhận, đề nghị ông Đê và ông Liên chấm dứt ngay hành vi cải tạo đất, chở đất đi nơi khác, nghiêm cấm hành vi lợi dụng cải tạo đất để khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời giao UBND xã Đak Jơ Ta kiểm tra, xử lý vi phạm và tiếp tục tăng cường kiểm tra, truy quét khai thác khoáng sản trái phép. Toàn bộ hành vi khai thác, vận chuyển nêu trên bị chính quyền kiểm tra và phạt hành chính 3-5 triệu đồng, các phương tiện được trả về cho chủ sở hữu sau khi nộp phạt.

Việc sai phạm trong khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép được người dân cung cấp thông tin, hình ảnh cụ thể và cho rằng cơ quan chuyên môn và chính quyền xử lý "nhẹ tay” khiến cho việc sai phạm trong khai thác, vận chuyển tài nguyên trên địa bàn liên tục tiếp diễn?


Đất sau tập kết sẽ nhanh chóng được bơm ngược trở lại bờ sông thành cát xây dựng chờ đưa đi tiêu thụ.

Hành vi được cho là khai thác đất rồi đổ vào chỗ trũng được xác minh nêu trên là dựa vào lời khai của chủ đất và người vận hành thiết bị. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, sau khi vận chuyển số đất tại rẫy ông Đê về mỏ cát, thì toàn bộ số đất này nhanh chóng được bơm ngược trở lại bờ sông để biến thành khoáng sản chờ đưa đi tiêu thụ.

Việc cày xới đất cạnh mỏ cát sau đó đổ trở lại dòng sông để bơm rửa biến đất thành cát xây dựng đã nhiều lần được chính quyền địa phương, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử phản ánh liên tục trong thời gian qua. Chính tại mỏ cát Trang Đức, các hoạt động đặt máy vượt công suất, từ 4 máy bơm lên đến gần 20 máy hoạt động liên tục đã được Phòng TNMT xác nhận, lập biên bản xử lý sai phạm. Tuy nhiên, với nhiều lý do và lợi ích kinh tế trong khai thác, buôn bán khoáng sản nên tình trạng sai phạm tại mỏ cát này không dừng mà tiếp tục gia tăng khi thời hạn đóng mỏ đã cận kề.

Tiếp tục sai phạm… Chính quyền ở đâu?

Chiều 19/4, sau khi làm việc tại Phòng TNMT đồng thời PV có thông tin về việc đang xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trá hình diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Mang Yang, được biết Huyện sẽ tăng cường kiểm tra, truy quét không để tình trạng khai thác khoáng sản xảy ra trên địa bàn.


Các bờ đất cạnh mỏ cát bị phá hoại nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Cùng thời điểm trên, PV nhận được thông tin có phương tiện cơ giới đang đào đất đổ lên xe ben vận chuyển về mỏ cát Trang Đức. Ghi nhận tại hiện trường, cạnh khu vực ruộng lúa có 1 máy đào màu vàng, liên tục đào bới các bờ đất xung quanh, sau đó đổ lên thùng xe tải ben (loại chuyên dụng, có bộ lưới sắt để lọc bỏ đá, sỏi cho cát rơi xuống thùng xe-PV) sau đó xe vận chuyển đổ xuống khu vực sông Ayun trong mỏ cát Trang Đức để tiếp tục thực hiện bơm, rửa cho trôi đất rồi bơm ngược cát trở lại bờ sông.

Hành vi lợi dụng cải tạo đất để khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn xã Ayun và Đak Jơ Ta đã diễn ra từ nhiều năm qua để phục vụ cho việc kinh doanh cát xây dựng tại mỏ cát Trang Đức được báo chí liên tục phản ánh, cũng như cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phát hiện xử phạt.

Ngoài hành vi trên, việc khai thác vượt công suất, mỏ vận hành không lắp đặt trạm cân, camera giám sát… nhưng mỏ cát Trang Đức vẫn luôn tồn tại và mặc sức tung hoành, phá nát khu vực đất ruộng, đất sản xuất chỉ để phục vụ sản xuất, kinh doanh cát xây dựng?


Đất đồi, đất ruộng, đất sản xuất hoa màu cạnh mỏ cát bị khai thác làm khoáng sản mà không có sự can thiệp nào của chính quyền địa phương?

Trong Quyết định số 690/GP-UBND, do UBND tỉnh Gia Lai ký ngày 1/12/2014 về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH MTV Trang Đức khai thác khoáng sản cát xây dựng, trong đó nêu rõ mức sâu khai thác 2m; trữ lượng 104.884m3, thời gian khai thác 7,5 năm kể từ ngày Giấy phép có hiệu lực. Ngoài ra, UBND tỉnh nêu rõ, trong quá trình khai thác, phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ; thường xuyên kiểm soát các khu vực khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác…

Thời gian khai thác tại mỏ cát Trang Đức còn tính bằng ngày, do vậy các hoạt động khai thác trái phép tại đây đang được đẩy nhanh bằng mọi cách, kể cả việc làm trái pháp luật, chấp nhận xử phạt hành chính…?


Hiện trường khai thác đất chuyển về mỏ cát Trang Đức tại huyện Mang Yang.

Chiều 20/4, trong lúc thực hiện bài viết, một nguồn tin cho biết, việc khai thác đất đổ lên xe chuyên dụng sau đó chở đi đổ xuống sông Ayun vẫn đang diễn ra ồ ạt và không hề có sự kiểm tra nào từ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của huyện Mang Yang?  

Nhận được thông tin về sự việc trên, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang khẳng định: Huyện sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm và sớm thông tin đến báo chí.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

sfdsf
gfghf
vcxvcx
sdfd

Quảng Bình: Ngang nhiên băm nát đồi núi lấy đất đá trái phép

Một quả đồi lớn tại thôn Xuân Trường, xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch đã bị băm nát trong thời gian dài để lấy đất đá trái phép, tuy nhiên chính quyền địa phương lại không hay biết gì…

Khánh Hòa: Rừng bị “xẻ thịt”, trách nhiệm thuộc về ai? (Bài 3)

Những hình ảnh mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi nhận được, tại khu vực rừng thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cây rừng bị chặt hạ ngổn ngang, khối lượng gỗ đã được mổ xẻ nằm la liệt...

Hà Nội báo cáo Thủ tướng vụ 3 mỏ cát đấu giá cao bất thường

UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng và Bộ TN&MT về vụ việc ba mỏ cát trúng đấu giá cao gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm.

Huyện Lắk - Đắk Lắk: Cần kiểm tra nguồn đất thi công các dự án bờ kè

Việc khai thác một lượng đất lớn tại xã Ea R’Bin (thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) để thi công dự án bờ kè sông Krông Nô khi chưa được cấp phép liệu có truy thu được nguồn thuế, việc quyết toán công trình sẽ như thế nào?

Bù Đăng- Bình Phước: Cần siết chặt hoạt động khai thác, san gạt đất trái phép

Những quả đồi biến dạng, đất bị đào bới nham nhở, đổ đất lấn lòng hồ thủy điện,... là những gì đã và đang diễn ra tại xã Đức Liễu (Bù Đăng). Thế nhưng, việc ngăn chặn tình trạng này đối với UBND xã Đức Liễu vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải?

Mai Sơn, Sơn La: Ngang nhiên khoét núi khai thác tài nguyên trái phép

Mặc dù không được phép khai thác tài nguyên nhưng tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, Mai Sơn hàng ngày người dân nơi đây đưa máy móc, xe cộ vào khoét núi, khai thác tài nguyên một cách công khai…