moitruongplus Vật liệu xây dựng để ngổn ngang, chất lượng thi công không đạt chuẩn, tuyến đường dân sinh bị hư hỏng… đó là những gì đã và đang diễn ra trong quá trình thi công một dự án do Ban QLDA xây dựng cơ sở hạ tầng huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư.

Vừa qua, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được phản ánh về việc Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Phan Quỳnh (Công ty Phan Quỳnh, có địa chỉ tại 155d, khu 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình) trong quá trình thi công Dự án xử lý nạo vét và gia cố mái bờ sông N2, huyện Thái Thụy (sau đây viết tắt là sự án, đoạn từ cầu An Bái xã Thụy Quỳnh đến cầu Hồ xã Thụy Trường với chiều dài theo tim sông là 4.680m) với tổng giá trị hơn 12,4 tỷ đồng xảy ra nhiều vấn đề bất cập. Đặc biệt, khi dự án đang tạm dừng thi công nhưng vật liệu chưa sử dụng bị doanh nghiệp này để bừa bãi mặc cho mưa nắng bào mòn. 

Được biết, dự án đang trong quá trình tạm dừng thi công đến hết ngày 31/10/2022 theo Quyết định số 772/UBND-CTXDGT ngày 15/03/2022 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn ký. Đến ngày 01/11/2022, dự án sẽ tiếp tục triển khai đến hết ngày 31/12/2022. Lý do tạm dừng là đến mùa ải phải lấy nước thường xuyên để phục vụ nông nghiệp nên không thuận lợi cho quá trình thi công. 


Vật liệu xây dựng để ngổn ngang cả trên mặt kè và phía dưới bờ kè không được bảo quản dù chưa đưa vào sử dụng

Có mặt tại dự án, PV không khỏi bất ngờ trước thực trạng hiện tại. Cả 2 phía bờ sông N2 vật liệu xây dựng để ngổn ngang cả trên bờ lẫn phía dưới mặt kè mà không có bất kỳ biện pháp che phủ nào. Phía dưới bờ kè, những lỗ hổng lớn lộ ra dưới những tấm lát đã được thi công xong trông như "hở hàm ếch”. Các thanh sắt thừa ra giữa các tấm lát không được móc nối với nhau nên thò thụt trông rất phản cảm. Nhiều đoạn tấm bê tông đã bị bung lên khỏi mặt kè, có tấm còn rơi xuống ngay sát mặt nước khiến cho màu sắc bị thay đổi giống như đã qua sử dụng một thời gian dài. Những tấm lát đã bị nứt vỡ nhưng vẫn được Công ty Phan Quỳnh đưa vào thì công. Ngoài ra, tình trạng sụt lún dày đặc xuất hiện với những vết dài dọc theo bờ kè.

Theo ông V.V.B – một người dân sống gần dự án cho biết, dự án này đang trong quá trình thi công nhưng người dân có nhiều bức xúc với đơn vị thi công.  Đặc biệt là việc làm hư hỏng đường sá đi lại của người dân, nhiều đoạn đường bị nứt kéo dài do xe chở vật liệu gây ra. Trước khi tạm dừng, quá trình thi công gây ô nhiễm môi trường,  làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân nhưng đơn vị thi công không có biện pháp khắc phục khiến gây bức xúc trong nhân dân.

Còn theo bà H.T.C, vật liệu lúc đang thi công và sau khi tạm dừng đều không được đơn vị thi công có biện pháp bảo quản nào cả. Ngay như hiện tại,  dù đã tạm dừng nhưng rất nhiều tấm bê tông cứ bị bỏ mặc không được che chắn khiến mọi người lo ngại về chất lượng. Nhiều chỗ, những tấm lát đã bị nứt vỡ nhưng vẫn được sử dụng. Những đoạn nối giữa tấm lát không được móc nối các thanh sắt với nhau mà cứ để chĩa thẳng lên, trông rất mất an toàn, người dân lo lắng mỗi khi có trẻ nhỏ ra chơi tại khu vực này rất dễ gặp nguy hiểm.

Để thông tin chính xác, khách quan, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án xây dựng Cơ sở hạ tầng huyện Thái Thụy. Tại buổi làm việc, ông Bùi Thế Dân - Giám đốc Ban này cho biết, hiện dự án đang tạm dừng thi công theo quyết định của UBND tỉnh. Sau tết, người dân có  phản ánh việc đất cát để bừa bãi, nhưng do lịch đổ ải nên huyện yêu cầu ép làm cả đêm, làm toàn đến 21h00 và 21h30. Việc nạo vét lòng sông đổ lên trên đường gây ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay bùn đất đã được chở đi xong, mất khoảng nửa tháng bà con đi lại khó khăn. 


Rất nhiều đoạn kè đã bị sụt lún, những vết dài chưa được khắc phục

Cũng theo ông Dân giải thích, đoạn nối giữa các tấm lát không phải buộc vào nhau, mà sau này sẽ cho đổ bê tông vào chỗ điểm nối đó. Còn về những tấm lát bị nứt vỡ vẫn đưa vào sử dụng, ông Dân cho biết, chắc là những tấm phía trên cùng nên để đấy, sau này cũng tránh sạt lở. 

Còn việc các thanh sắt bị han gỉ, theo ông Dân lý giải rằng: Sau này khi tiếp tục thi công chúng tôi sẽ cho vệ sinh, còn thanh nào gỉ quá thì sẽ yêu cầu cắt để thay bằng sắt mới. 

Trước câu trả lời trên của ông Dân khiến nhiều ý kiến băn khoăn đặt câu hỏi, việc phải cắt bỏ các thanh sắt bị hoen gỉ để thay mới (nếu có) sẽ gây thất thoát nguồn vốn đầu tư, vậy tại sao chủ đầu tư và đơn vị thi công lại không tìm ra giải pháp để bảo quản các thanh sắt này không bị hoen gỉ ?!  

Tiếp đến, việc công trình bị sụt lún, phải sử dụng đất đắp, là do mưa nên nước từ trên chảy xuống dẫn đến xói lở là không thể tránh khỏi. Sau này những chỗ này sẽ phải sửa lại hết, hiện tại công trình còn đang dở dang – ông Dân cho biết. 

Ngoài ra, ông Dân còn khẳng định, việc giám sát công trình này rất sát sao, lúc nào cũng có 2 người của Ban thay nhau trực ở đó. Về chất lượng đất đắp vào dự án đảm bảo đúng quy định vì nếu không sau này sẽ phải trả giá khi bơm nước lên. Toàn bộ đất đắp đều tận dụng từ việc đào chân móng kè, nếu thừa thì mới đem đi đổ, còn bùn thì không sử dụng được để đắp. 


Nhiều tấm lát bị nứt vỡ vẫn được Công ty Phan Quỳnh đưa vào sử dụng khiến chất lượng không được đảm bảo

Về tuyến đường bị xuống cấp do quá trình thi công dự án, phía Công ty Phan Quỳnh sau này sẽ phải đền đường cho người dân vì làm hỏng, và công ty cũng đã có cam kết về việc này với chính quyền địa phương – ông Dân cho biết.

 Rõ ràng trong quá trình thi công dự án đã có rất nhiều vấn đề bất cập xảy ra, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại việc khắc phục những vấn đề này vẫn còn là một dấu hỏi. Từ nay đến hết tháng 10/2022 còn hơn 6 tháng nữa, ai dám đảm bảo những tấm lát, những thanh sắt sẽ còn nguyên vẹn và đảm bảo chất lượng khi chủ đầu tư và đơn vị thi công đang để tình trạng "sống chết mặc bay" như vậy. Rất mong các cơ quan chức năng huyện Thái Thụy và tỉnh Thái Bình sớm vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý dứt điểm những "vấn đề” đã và đang tồn tại ở dự án hơn 12 tỷ đồng này. 

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc. 

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

sfdsf
gfghf
vcxvcx
sdfd

Quảng Bình: Ngang nhiên băm nát đồi núi lấy đất đá trái phép

Một quả đồi lớn tại thôn Xuân Trường, xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch đã bị băm nát trong thời gian dài để lấy đất đá trái phép, tuy nhiên chính quyền địa phương lại không hay biết gì…

Khánh Hòa: Rừng bị “xẻ thịt”, trách nhiệm thuộc về ai? (Bài 3)

Những hình ảnh mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi nhận được, tại khu vực rừng thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cây rừng bị chặt hạ ngổn ngang, khối lượng gỗ đã được mổ xẻ nằm la liệt...

Hà Nội báo cáo Thủ tướng vụ 3 mỏ cát đấu giá cao bất thường

UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng và Bộ TN&MT về vụ việc ba mỏ cát trúng đấu giá cao gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm.

Huyện Lắk - Đắk Lắk: Cần kiểm tra nguồn đất thi công các dự án bờ kè

Việc khai thác một lượng đất lớn tại xã Ea R’Bin (thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) để thi công dự án bờ kè sông Krông Nô khi chưa được cấp phép liệu có truy thu được nguồn thuế, việc quyết toán công trình sẽ như thế nào?

Bù Đăng- Bình Phước: Cần siết chặt hoạt động khai thác, san gạt đất trái phép

Những quả đồi biến dạng, đất bị đào bới nham nhở, đổ đất lấn lòng hồ thủy điện,... là những gì đã và đang diễn ra tại xã Đức Liễu (Bù Đăng). Thế nhưng, việc ngăn chặn tình trạng này đối với UBND xã Đức Liễu vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải?

Mai Sơn, Sơn La: Ngang nhiên khoét núi khai thác tài nguyên trái phép

Mặc dù không được phép khai thác tài nguyên nhưng tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, Mai Sơn hàng ngày người dân nơi đây đưa máy móc, xe cộ vào khoét núi, khai thác tài nguyên một cách công khai…