moitruongplus Bến bãi tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng không phép của gia đình ông Nguyễn Thành Đạt ngang nhiên hoạt động phá hủy hàng lang an toàn đê Hữu Hồng, nhưng chính quyền xã Chu Minh không hề xử lý.

Huyện chỉ đạo quyết liệt, xã bình chân như vại trước sai phạm!  

Sau tuyến bài viết về văn minh, trật tự đô thị trên địa bàn huyện Ba Vì, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo của UBND huyện Ba Vì, nhằm loại bỏ, chấn chỉnh các bến bãi vật liệu xây dựng không phép.

Cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng đã liên tục có những chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý, loại bỏ các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn huyện Ba Vì như: Công văn số 1734UBND-TNMT ngày 15/7/2021; Thông báo số 1572/TB-UBND ngày 5/11/2021...

Gần đây, ngày 7/1/2022, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng đã họp trực tiếp với Chủ tịch các xã: Chu Minh, Phú Cường, Minh Quang... và trưởng các phòng, ngành: Quản lý đô thị, TN&MT, Đội Quản lý trật tự xây dựng và đô thị, Trung tâm phát triển quỹ đất, Kinh tế, Thanh tra giao thông, Công an huyện, Hạt quản lý đê điều Ba Vì. Cuộc họp nhằm kiểm điểm tiến độ xử lý vi phạm bến bãi vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện.

Bằng những cuộc họp và ra văn bản thông báo, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng đã liên tục có những chỉ đạo để xử lý vi phạm tại các bến bãi VLXD trên địa bàn huyện.

Đây có thể được xem là những việc làm, những chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu chính quyền huyện Ba Vì trong công tác quản lý địa phương, nhằm loại bỏ những hành vi trái pháp luật đã tồn tại hàng bao năm nay trên địa bàn huyện.

Chính quyền xã Chu Minh có đang "tiếp tay" cho  bến bãi không phép phá hủy đê Hữu Hồng?

Tưởng rằng qua bài viết (https://www.moitruongvadothi.vn/chu-minh-ba-vi-ha-noi-ai-dap-duong-cho-xe-qua-kho-qua-tai-di-qua-a82063.html), đăng tải trên Môi trường và Đô thị ngày 23/04/2021, và qua các chỉ đạo gắt gao từ Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, thì hoạt động của các bến bãi không phép trên địa bàn huyện sẽ được chấn chỉnh, loại bỏ. Nhưng không, ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam dọc tuyến đê Hữu Hồng, đoạn chạy qua xã Chu Minh ngày 11/1/2022 lại khác.

Tại đây, xuất hiện đoàn xe ô tô tải chở đất có dấu hiệu quá khổ, quá tải  vô tư tung hoành trên đường đê, chở đất khai thác tại nơi khác xuống đổ tại một bãi tập kết lớn ngay tại chân đê. Ở đó, máy múc cỡ lớn đang chờ sẵn để múc đất đổ lên tàu mang số hiệu HN-2190 vận chuyển đi nơi khác.

Theo tìm hiểu của PV, chủ bến bãi không phép rộng hàng nghìn m2 này là của ông Nguyễn Thành Đạt. Ông Đạt có địa chỉ cư trú tại thô Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì.

Hoạt động tập kết, chuyên chở đất, vật liệu xây dựng không phép tại bến bãi không phép của ông Nguyễn Thành Đạt đang gây nguy cơ phá huỷ kết cấu đê Hữu Hồng.

Nghiêm trọng hơn, hộ ông Đạt đã tự ý múc đất đắp tạo thành đường đi cho xe ô tô xuống tận sát mặt nước.

Không chỉ "hô biến” chân đê thành bãi trung chuyển đất, ông Nguyễn Thành Đạt còn xây dựng nhà kiên cố và biến cả một khu đất rộng nơi đây thành điểm tập kết số lượng lớn cát, sỏi...

Nhận thấy  tính chất nghiêm trọng của sự việc có thể gây sạt lở, phá hủy tuyến đê mà Thành phố Hà Nội đã và đang phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thực hiện dự án kè đê cấp bách, chống sạt lở trước mùa mưa bão, PV đã liên hệ trực tiếp cung cấp thông tin đến lãnh đạo UBND xã Chu Minh. Qua đó để có biện pháp kịp thời ngăn chặn, kiểm tra xử lý vi phạm. Đặc biệt là thực hiện tốt và nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Ba Vì.

Ít phút sau, đại diện tổ công tác của UBND xã Chu Minh có mặt tại bến bãi không phép của ông Nguyễn Thành Đạt gồm: ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch xã; ông Mạch và bà Bích – cán bộ địa chính xã.

Tại hiện trường, tổ công tác của xã Chu Minh đã chứng kiến, ghi nhận toàn bộ hình ảnh các tàu, máy xúc, ô tô thực hiện trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép. Đồng thời, ông Dương cho rằng: Về phía địa phương sẽ tiếp thu ý kiến. Cái liên quan đến trái phép và vi phạm pháp luật sẽ cho kiểm tra, rà soát lại và xử lý nghiêm.

Ông Dương và cán bộ địa chính xã Chu Minh cũng cho biết sẽ lập biên bản buổi làm việc, sau đó có hình thức xử phạt và sẽ cung cấp đến PV sau.

Nhiều ngày sau đó dù liên hệ, nhưng PV vẫn không nhận được bất cứ kết quả xử lý vi phạm nào từ UBND xã Chu Minh. Cực chẳng đã, PV phải về trực tiếp để gặp ông Nguyễn Danh Quân – Chủ tịch UBND xã ngày 27/1/2022.

Ông Quân không cung cấp được bất cứ văn bản xử lý nào với vi phạm tại bến bãi không phép của ông Nguyễn Thành Đạt. Sau đó, ông Quân bảo PV sang gặp ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch xã để tiếp nhận thông tin.

Tuy nhiên, ông Dương cũng không cung cấp được văn bản xử phạt nào, mà thay vào đó yêu cầu cán bộ địa chính cung cấp cho PV thông báo số 109/TB-UBND ngày 27/7/2021 của Chủ tịch xã Chu Minh  gửi ông Nguyễn Thành Đạt.

Thông báo nêu rõ: Ông Nguyễn Thành Đạt phải tạm dừng hoạt động tập kết, trung chuyển hạ tải, có biện pháp tiêu thoát nước mặt đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và tự di chuyển toàn bộ khối lượng vật liệu xây dựng ra khỏi bãi sông, phạm vi bảo vệ đê điều tuyến đê Hữu Hồng thuộc địa phận xã Chu Minh để trả lại hiện trạng như ban đầu.

Thời gian hoàn thành việc di dời xong trước 16 giờ 30 phút ngày 10/8/2021. Sau thời gian trên gia đình ông Nguyễn Thành Đạt không thực hiện thì UBND xã Chu Minh phối hợp với Hạt quản lý đê Ba Vì hoàn thiện thủ tục xử lý, cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Chiếu theo nội dung thông báo ngày 27/7/2021 của UBND xã Chu Minh, với những ghi nhận của PV ngày 11/1/2022 về hoạt động tấp nập của bến bãi ông Nguyễn Thành Đạt, thì phải chăng, UBND xã Chu Minh chỉ ra thông báo cho có rồi để đấy? Và có hay không sự phớt lờ thông tin cung cấp từ báo chí của UBND xã Chu Minh để cố tình bao che không xử lý vi phạm?

Đặc biệt, dư  luận có quyền hoài nghi về việc lãnh đạo xã Chu Minh có đang cố tình "chống  lệnh" của Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng nhằm tạo điều kiện cho vi phạm ngang nhiên tồn tại?

Để sự việc được làm sáng tỏ, kính đề nghị UBND huyện Ba Vì; Công an huyện Ba Vì; Cảnh sát Môi trường Hà Nội; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm tại bến bãi ông Nguyễn Thành Đạt. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Chu Minh và Hạt quản lý đê điều Ba Vì khi đã, đang để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng tại đê Hữu Hồng, thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

sfdsf
gfghf
vcxvcx
sdfd

Quảng Bình: Ngang nhiên băm nát đồi núi lấy đất đá trái phép

Một quả đồi lớn tại thôn Xuân Trường, xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch đã bị băm nát trong thời gian dài để lấy đất đá trái phép, tuy nhiên chính quyền địa phương lại không hay biết gì…

Khánh Hòa: Rừng bị “xẻ thịt”, trách nhiệm thuộc về ai? (Bài 3)

Những hình ảnh mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi nhận được, tại khu vực rừng thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cây rừng bị chặt hạ ngổn ngang, khối lượng gỗ đã được mổ xẻ nằm la liệt...

Hà Nội báo cáo Thủ tướng vụ 3 mỏ cát đấu giá cao bất thường

UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng và Bộ TN&MT về vụ việc ba mỏ cát trúng đấu giá cao gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm.

Huyện Lắk - Đắk Lắk: Cần kiểm tra nguồn đất thi công các dự án bờ kè

Việc khai thác một lượng đất lớn tại xã Ea R’Bin (thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) để thi công dự án bờ kè sông Krông Nô khi chưa được cấp phép liệu có truy thu được nguồn thuế, việc quyết toán công trình sẽ như thế nào?

Bù Đăng- Bình Phước: Cần siết chặt hoạt động khai thác, san gạt đất trái phép

Những quả đồi biến dạng, đất bị đào bới nham nhở, đổ đất lấn lòng hồ thủy điện,... là những gì đã và đang diễn ra tại xã Đức Liễu (Bù Đăng). Thế nhưng, việc ngăn chặn tình trạng này đối với UBND xã Đức Liễu vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải?

Mai Sơn, Sơn La: Ngang nhiên khoét núi khai thác tài nguyên trái phép

Mặc dù không được phép khai thác tài nguyên nhưng tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, Mai Sơn hàng ngày người dân nơi đây đưa máy móc, xe cộ vào khoét núi, khai thác tài nguyên một cách công khai…