moitruongplus Hàng nghìn lượt xe ben có dấu hiệu quá khổ, quá tải vận chuyển cát xuyên ngày đêm trên đê Tả Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội khiến nhiều điểm mặt đê và nhiều tuyến đường phụ cận bị "băm nát”, xuống cấp nghiêm trọng, gây ô nhiễm khói bụi.

Trong khi đó, lực lượng chức năng địa phương lại viện lý do vì lực lượng "mỏng” nên không xử lý được tận gốc

Liên tiếp trong những ngày cận tết Dương lịch năm 2021, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm về việc gần đây xuất hiện binh đoàn xe "quá tải” lộng hành chạy suốt ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong quá trình di chuyển cát đá từ thùng xe rơi vãi khắp lòng đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Để rộng đường dư luận, nhiều ngày qua, PV đã có mặt tại "điểm nóng” về giao thông ghi nhận thực tế.

Những chiếc xe được cơi thùng, chở cát thành ngọn đang ngày đêm cày nát mặt đường tuyến đê Tả Hồng thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội

Cụ thể, tại khu vực tuyến đường đê Tả Hồng thuộc địa phận xã Đông Dư, huyện Gia Lâm - Hà Nội, hằng ngày có hàng trăm chiếc xe tải ben chở cát di chuyển với tốc độ cao khiến mặt đê bị rạn nứt, lún dài và được cắm biển cảnh báo "khu vực đang theo dõi lún”

Phần lớn những xe này mang nhãn hiệu Howo tải trọng từ 40 – 50 tấn ngang nhiên hoạt động. Cách đó không xa, là hàng loạt bãi tập kết cát có dấu hiệu trái phép "án ngữ” dưới chân cầu Thanh Trì, làm nhiệm vụ cung cấp nguồn cát cho đoàn xe này.

Anh Bùi Văn H – người dân tại địa bàn xã Đông Dư cho hay, mỗi khi xe tải từ các bãi trung chuyển cát gần chân cầu Thanh Trì lên đê, kéo theo cột bụi cát bay mù mịt dài cả chục mét. Khi trời mưa, đường lầy lội khiến việc di chuyển của các phương tiện lưu thông khác gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo anh H, không chỉ mặt đường đê Sông Hồng bị tàn phá mà các tuyến đường phụ cận khác trên địa bàn huyện Gia Lâm như: Đường Lý Thánh Tông, đường Giáp Hải ….cũng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Trong quá trình PV tác nghiệp, không khó để nhận thấy trên mặt ca lăng ở đầu xe của những chiến binh "quá khổ, quá tải” đang oanh tạc trên tuyến đê đều được gắn những logo lạ như một tín hiệu ám chỉ "xe vua”, trong đó, chủ yếu với những logo dễ nhận dạng như: PTH, AB, CƯỜNG LINH…..với màu sắc rực rỡ.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội bị "băm nát”, xuống cấp nghiêm trọng, gây ô nhiễm khói bụi, không đảm bảo ATGT

Trưa ngày 4/12/2021 , bám theo một xe chở cát gắn logo "Cường Linh”, chúng tôi men theo con đường đã được bê tông hóa dài gần 1km ngay dưới chân cầu Thanh Trì, băng qua đê Tả Hồng đến với điểm trung chuyển cát khá lớn ven sông. Tuy là giờ trưa, nhưng hoạt động múc cát diễn ra khá rầm rộ. Chiếc xe cỡ lớn vừa đỗ vào, lập tức chiếc xe khác chở cát quá thùng quay đầu hướng ra phía đê.

Chỉ trong 15 phút có mặt trên tuyến đê này, hàng chục lượt xe tải chở cát với những chiếc thùng hàng được chế thêm chiều cao hàng mét ra vào tấp nập, điển hình như 1 số xe có BKS: 20C – 21303; 29C – 94825…… sau khi ra khỏi bãi trung chuyển, lái xe lập tức rú ga cho xe chạy với tốc độ rất cao trên tuyến đê.

Được biết, sau khi đoàn xe với logo uy quyền này "ăn no cát” tại những bãi trung chuyển, lái xe sẽ cho xe di chuyển qua nhiều tuyến đường nội thị đông đúc của huyện Gia Lâm và trả hàng tại một dự án quy mô lớn tại tỉnh Hưng Yên

Theo Cục Đê điều (Sở NN&PTNT Hà Nội), đối với tuyến đê Tả Hồng đoạn qua quận Long Biên và huyện Gia Lâm, tổng trọng tải với 1 chiếc xe cho phép là 18 tấn. Tuy nhiên, trên thực tế, với 1 chiếc xe tải ben mang nhãn hiệu Howo 4 chân do Trung Quốc sản xuất thì tổng trọng tải toàn bộ là khoảng 30 tấn, thùng xe nguyên bản cho phép là khoảng hơn 12 khối vật liệu. Với mỗi một khối cát sau khi được tính toán sơ bộ, sẽ có khối lượng tương đương 1,6  tấn. Như vậy, với phép tính đơn giản, 1 chiếc xe tải 4 chân như những chiếc xe tải đang tung hoành tại địa bàn Gia Lâm thì tổng trọng tải sẽ lên tới 60 -70 tấn, gấp 3 – 4  lần so với quy định được phép. Điều này rất nguy hiểm đối với thân đê.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg, tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia giao thông.

Chỉ thị nêu rõ: Thời gian gần đây, các vi phạm về tải trọng xe có biểu hiện tái diễn biến phức tạp. Tình trạng lái xe, chủ xe cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng; hiện tượng xe quá tải, quá khổ tham gia giao thông tiếp tục xuất hiện trên một số tuyến đường bộ, nhất là các tuyến đường tỉnh, đường dân sinh và các tuyến đường gần khu vực tập kết hàng hóa, kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu… gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp; làm mất trật tự, an toàn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục trang bị cân tải trọng xách tay để tuần tra, kiểm soát lưu động nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các xe quá tải trên các tuyến giao thông.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông.

Trong một diễn biến khác, tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Đội CSGT huyện Gia Lâm, vị này cho biết:

"Do địa bàn khá rộng, dân số đông, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, hàng ngày lãnh đạo đơn vị sẽ phân công cụ thể nhiệm vụ cho các tổ CSGT tuần tra, xử lý vi phạm theo ca từ 6h đến 24h trên toàn địa bàn, còn quá nửa  đêm thì thi thoảng có vụ việc phức tạp, hay tai nạn giao thông đột xuất chúng tôi mới chỉ đạo anh em ra hiện trường để giải quyết. Việc xuất hiện đoàn xe chở cát chạy xuyên ngày đêm trên địa bàn thời gian qua là có. Tuy nhiên do lực lượng còn "mỏng”, phần nữa là vào ban đêm, lượng xe tải lớn như vậy nên rất nguy hiểm, thậm chí  ảnh hưởng tới tính mạng anh em cán bộ nên không thể xử lý dứt điểm tình trạng trên”.

Nhưng thực tế, trong khung giờ từ 8h sáng đến 6h chiều các ngày từ ngày 1/12 đến 5/12/ 2021, PV có mặt tại đây nhưng không hề thấy bóng dáng lực lượng tuần tra nào đi qua đoạn đường này.

Hàng chục chiếc xe tải đang nằm phơi mình đợi "ăn cát” trong đêm tại 1 trong những bãi trung chuyển có dấu hiệu không phép dọc bờ sông Hồng

Như vậy, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, đồng chí phụ trách Ban An Toàn Giao Thông huyện Gia Lâm, các cơ quan chức năng liên quan có phải chịu trách nhiệm với TP Hà Nội, với người dân địa bàn và sẽ làm gì để xóa sổ tình trạng xe quá tải hoành hành tuyến đê Sông Hồng, đoạn qua địa phận quận Long Biên và huyện Gia Lâm, Hà Nội?

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Ninh Bình: Cắt giảm Dự án Đại học Hoa Lư ,chuyển sang đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có Quyết định 131/UBND-VP4 về phương án sử dụng đất tại khu 7,9ha từ việc rà soát, cắt giảm Dự án xây dựng Đại học Hoa Lư chuyển sang đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất.

Phú Thọ: Đoàn xe quá khổ, quá tải tại Thanh Sơn bị xử phạt hơn 600 triệu đồng

Số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 xe chở quá khổ, quá tải tại huyện Thanh Sơn là 661 triệu đồng.

Hải Phòng: Người dân nộp tiền thuế đất tái định cư, nhưng chẳng thấy đất đâu

Sau khi đăng tải bài viết “Quận Lê Chân có buông lỏng quản lý TTXD trên tuyến phố Hồ Sen”, tòa soạn MT&ĐT Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về đền bù cho người dân có nhà đất bị thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường Hồ Sen – Cầu Rào 2.

Gia Lâm – Hà Nội: Cần dừng ngay việc san lấp trái phép tại xã Đa Tốn

Một diện tích lớn đang được san lấp trái phép ngay ven đường 379 tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội gây ra bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến môi trường. UBND xã Đa Tốn cần phải ngăn chặn kip thời.

TP.Việt Trì: Người dân “tố” chính quyền xã Kim Đức buông lỏng quản lý đất đai?

Tình trạng người dân ngang nhiên xẻ đồi lấy đất đi tiêu thụ, san lấp mặt bằng đất nông nghiệp để xây dựng hàng loạt công trình nhà ở kiên cố không phép, nhưng chính quyền xã Kim Đức, TP Việt Trì không đưa ra bất cứ biện pháp ngăn chặn, xử lý

Bắc Giang : Cần “công tâm” giải quyết đất đai tại ven sông Cầu thuộc xã Yên Lư

Một số cán bộ trong thôn, xã vi phạm xây dựng nghiêm trọng như xây nhà kiên cố trên hành lang đê thoát lũ, xây nhà trên đất nông nghiệp... mà vẫn không bị xử lý, còn người dân chỉ tôn tạo đất phục vụ sản xuất thì ngay lập tức bị chính quyền xử lý.