moitruongplus Phân bổ nguồn lực đất đai đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn tới cần tạo động lực để phát triển.
Thời gian qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, tính liên thông, liên kết trong quy hoạch sử dụng đất chưa cao, dự báo nhu cầu sử dụng đất chưa sát thực tiễn. Việc quản lý quy hoạch chưa nghiêm, chưa kịp thời; còn tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân còn mang tính hình thức, chưa bảo đảm quyền giám sát của nhân dân…
Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Ảnh: Tư liệu
Theo ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa), tính dự báo trong một số nội dung quy hoạch chưa thực sự sát thực tiễn, dẫn đến tình trạng quy hoạch "treo”, việc thực hiện một số chính sách về đất đai còn bất cập, làm phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Các ý kiến, kiến nghị của người dân, hay việc công khai, minh bạch quy hoạch để người dân tiếp cận được vấn đề này cũng còn những hạn chế… ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề nghị, cần tổng kết sâu sắc, đánh giá chính xác tổng thể thực trạng và lý giải nguyên nhân hạn chế của việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Điều 6, Luật Quy hoạch nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, nhưng hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt. Các địa phương chưa lập xong quy hoạch của địa phương, quy hoạch của một số ngành chưa rõ. Một số quy hoạch như quy hoạch nông thôn, quy hoạch hạ tầng thường xuyên thay đổi, không đồng bộ với quy hoạch đất quốc gia, dẫn đến sử dụng nguồn lực đất không hiệu quả. ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị, các bộ, ngành liên quan cần cập nhật đầy đủ nhu cầu của các ngành, địa phương, tránh sự thiếu thống nhất về nhu cầu sử dụng đất của địa phương. Việc dự báo sử dụng đất cần sát với nhu cầu của vùng, địa phương để việc phân bổ chỉ tiêu không làm ảnh hưởng đến phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng trong phát triển kinh tế.
Bất cứ sự điều chỉnh nào cũng có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ hệ thống. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị, cần giảm thiểu việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn dễ dàng như thời gian qua. "Phương án tốt nhất là đã công bố quy hoạch thì không thể có sự điều chỉnh hoặc nếu có thì bị ràng buộc bởi hệ thống các điều kiện và trách nhiệm pháp lý chặt chẽ và minh bạch”, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề xuất.
Đồng thời, theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, cần kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng giữa các loại đất, bảo đảm xác định được chủ sử dụng đất đối với từng diện tích đất cụ thể và có thể truy cứu trách nhiệm cụ thể cho chủ sử dụng đất khi sử dụng đất trái pháp luật; xây dựng hệ thống chế tài xử lý mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để tránh lãng phí đất đai trong quá trình sử dụng, qua đó, nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng đất đối với đất được giao.
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2020, nhu cầu đất khu công nghiệp có xu hướng tăng nhanh do làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam và hệ thống hạ tầng giao thông được hoàn thiện. Mặt khác, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đặt ra mục tiêu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp đạt trên 40% GDP cả nước vào năm 2030. Đồng thời, phát triển công nghiệp sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và quá trình đô thị hóa.
Trên cơ sở đó, dựa trên các phương pháp tính toán của kinh tế lượng, xác định diện tích đất khu công nghiệp đến năm 2030 là 210,93 nghìn héc ta, tăng 120,10 nghìn héc ta so với năm 2020, tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm, các trục kinh tế ven biển, gắn kết với hạ tầng giao thông. Quy hoạch phát triển khu công nghiệp cùng với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp.
Đồng tình với chỉ tiêu quy hoạch đất công nghiệp, khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, việc tăng quỹ đất để phát triển khu công nghiệp sẽ giúp cho các địa phương thu hút và giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ - họ có thể sống và làm việc, sinh hoạt tại quê hương, thu nhập ổn định nhưng tiết kiệm được chi phí sinh hoạt. Đồng thời, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp sẽ có đủ quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho chuyên gia, cho công nhân và các thiết chế văn hóa - thể thao. Điều này sẽ góp phần hạn chế di cư ồ ạt, giãn dân ra vùng ven, tỉnh lẻ, giảm tải áp lực cho các thành phố lớn. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng đề nghị, Chính phủ cần đánh giá tác động kinh tế - xã hội, cân nhắc giảm tối đa tỷ lệ chuyển đổi đất trồng lúa chuyên canh đang đem lại hiệu quả kinh tế cao sang đất khu công nghiệp, vì trên thực tế, diện tích đất trồng lúa một khi đã quy hoạch phát triển thành khu công nghiệp thì không thể phục hồi hiện trạng được.
ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, khi tính toán phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp cho các địa phương trong quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, cần xem xét đến tốc độ tăng trưởng sử dụng đất của giai đoạn trước, đồng thời cần chú trọng các yếu tố về thực trạng sử dụng đất, nhu cầu thực tế, tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên cho những tỉnh có diện tích đất khu công nghiệp còn ở mức thấp nhưng tỷ lệ lấp đầy cao (đạt trên 60%), cơ sở hạ tầng thuận lợi, có lợi thế vùng nguyên liệu, có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành các khu công nghiệp. Đối với những địa phương này, chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp có thể tăng cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng của kỳ trước. Do vậy, đại biểu cho rằng, nếu chỉ xem xét tốc độ tăng trưởng sử dụng đất của giai đoạn trước sẽ không đáp ứng được nhu cầu của các địa phương.
Quy hoạch sử dụng đất phân bổ nguồn lực đất đai phải phù hợp cho từng thời kỳ, bảo đảm nhu cầu sử dụng đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của đất nước. Chính vì vậy, việc phân bổ chỉ tiêu cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội cần bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tạo nền tảng để thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có Quyết định 131/UBND-VP4 về phương án sử dụng đất tại khu 7,9ha từ việc rà soát, cắt giảm Dự án xây dựng Đại học Hoa Lư chuyển sang đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất.
Số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 xe chở quá khổ, quá tải tại huyện Thanh Sơn là 661 triệu đồng.
Sau khi đăng tải bài viết “Quận Lê Chân có buông lỏng quản lý TTXD trên tuyến phố Hồ Sen”, tòa soạn MT&ĐT Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về đền bù cho người dân có nhà đất bị thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường Hồ Sen – Cầu Rào 2.
Một diện tích lớn đang được san lấp trái phép ngay ven đường 379 tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội gây ra bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến môi trường. UBND xã Đa Tốn cần phải ngăn chặn kip thời.
Tình trạng người dân ngang nhiên xẻ đồi lấy đất đi tiêu thụ, san lấp mặt bằng đất nông nghiệp để xây dựng hàng loạt công trình nhà ở kiên cố không phép, nhưng chính quyền xã Kim Đức, TP Việt Trì không đưa ra bất cứ biện pháp ngăn chặn, xử lý
Một số cán bộ trong thôn, xã vi phạm xây dựng nghiêm trọng như xây nhà kiên cố trên hành lang đê thoát lũ, xây nhà trên đất nông nghiệp... mà vẫn không bị xử lý, còn người dân chỉ tôn tạo đất phục vụ sản xuất thì ngay lập tức bị chính quyền xử lý.