moitruongplus Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cần làm rõ nguồn gốc, khối lượng đất, cát Công ty Thẩm Gia dùng san lấp dự án bến xe điện xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn.

Đất "tặc" lộng hành

Theo phản ánh của người dân xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, thời gian gần đây trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng khai thác đất trộm với khối lượng rất lớn. Khu vực bị khai thác trộm là mỏ đất ở thôn Yên Hải, gần đền Cao Sơn.

"Tầm từ khoảng 20h cho đến đêm, từng đoàn xe tải vào mỏ đất thôn Yên Hải lấy đất rồi chạy ra ngoài khu vực dự án bến xe điện của Công ty Thẩm Gia đổ xuống đây để san nền cho dự án", anh Hưng, một người dân địa phương thông tin.


Mỏ đất thôn Yên Hải, xã Quan Lạn bị khai thác tanh bành

"Chướng mắt" trước việc đất "tặc" lộng hành về đêm, người dân còn quay lại video, phản ánh cho nhiều cơ quan báo chí.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ xã Quan Lạn xác nhận có sự việc trên. Vị cán bộ cho hay, cách đây khoảng chục ngày, công an xã đã bắt được 3 chiếc xe tải của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng du lịch và thương mại Thẩm Gia (Công ty Thẩm Gia) đang chở đất "trộm" từ mỏ đất thôn Yên Hải.


Máy xúc đang tập trung trong mỏ đất để khai thác đất trái phép

Cũng theo vị này, trên địa bàn xã Quan Lạn có mấy mỏ đất nhưng đã dừng khai thác từ lâu. Mỏ đất thôn Yên Hải mà Công ty Thẩm Gia "trộm đất" trước kia dùng để lấy đất làm dự án tuyến đê Quan Lạn. Năm 2019, khi dự án đê Quan Lạn hoàn thành, mỏ đất cũng đóng cửa, song cho đến nay tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa bàn giao lại mỏ đất cho địa phương.

"Mỏ đất nằm trên địa bàn xã nhưng lại của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, việc này gây khó khăn cho công tác quản lý. Xã cũng đã có văn bản gửi đến cấp trên để sớm có phương án giải quyết, bảo vệ tài nguyên của địa phương", cán bộ xã Quan Lạn cho hay.

Ngựa quen đường cũ?

Theo tìm hiểu, tháng 7/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định thu hồi 24.699 m2 đất bãi triều của xã Quan Lạn, cho Công ty Thẩm Gia thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng bến xe khách, xe điện tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn.

Ghi nhận của phóng viên tại dự án, đoạn đối diện trụ sở Công an xã Quan Lạn, một lượng đất và cát ước tính hàng vạn khối không rõ lấy từ đâu được chủ đầu tư dùng để kè bờ, san lấp mặt bằng cho dự án.


Công ty Thẩm Gia khai thác đất trái phép để làm kè, san lấp cho dự án bến xe điện xã Quan Lạn



Theo người dân địa phương phán đoán, khối lượng đất, cát để làm kè, san nền cho dự án này phải hàng vạn khối, không rõ Công ty Thẩm Gia lấy ở đâu?

Còn trong khu vực mỏ đất thôn Yên Hải (xã Quan Lạn) là cảnh tượng đất đai bị đào bới tan hoang, nham nhở.

Trao đổi với phóng viên, người dân địa phương còn nghi ngờ Công ty Thẩm Gia ngoài khai thác đất trái phép còn lấy cát từ dự án nhà máy xử lý nước trên địa bàn xã Minh Châu, sau đó vận chuyển về khu vực dự án bến xe điện Quan Lạn để san lấp mặt bằng.

Nhà máy cấp nước và hệ thống phân phối nước sạch sinh hoạt tại đảo Minh Châu, Quan Lạn cũng do Công ty Thẩm Gia làm chủ đầu tư. Đây là dự án có tính chất đặc biệt nhằm sản xuất, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn 2 xã Quan Lạn, Minh Châu; đồng thời khắc phục được tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hiện nay, nhất là vào những ngày hè nắng nóng và mùa khô hạn hàng năm.

Theo tính toán, đến cuối năm 2017 nhà máy sẽ đi vào hoạt động nhưng đã bị chậm tiến độ cho đến giờ vẫn chưa hoàn thành. Điều đáng nói, dự án thì chậm tiến độ nhưng xung quanh nhà máy là những bãi cát rộng lớn có dấu hiệu đã bị khai thác tanh bành.


Nhà máy nước sạch Công ty Thẩm Gia làm chủ đầu tư đã chậm tiến độ nhiều năm. Xung quanh dự án là những bãi cát khổng lồ đã bị đào bới. Ảnh chụp hôm 19/9/2021

Cũng xin nhắc lại, vào năm 2017, trong quá trình triển khai dự án bến xe điện Quan Lạn, theo phản ánh của báo chí, Công ty Thẩm Gia đã hút cát trái phép ngày đêm tại bãi Trước - một trong hai bãi sá sùng lớn của Quan Lạn khiến dân địa phương bức xúc phải kéo lên UBND xã Quan Lạn, yêu cầu có biện pháp bảo vệ bãi sá sùng.


Toàn cảnh dự án nhà máy nước sạch Công ty Thẩm Gia đang triển khai, xung quanh là những bãi cát lớn có dấu hiệu bị khai thác trộm. Video quay ngày 19/9/2021

Với những việc làm "vô pháp" của Công ty Thẩm Gia tại huyện Vân Đồn, đề nghị Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an địa phương và chính quyền cần sớm vào cuộc xác minh, làm rõ nguồn gốc, khối lượng đất, cát mà đơn vị này đang dùng để kè bờ, san nền cho dự án bến xe điện xã Quan Lạn.

Nếu sai phạm, cần xử lý nghiêm giống như vụ Công ty CP Đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông đổ đất ra ngoài ranh giới dự án Khu đô thị Phương Đông Vân Đồn.

Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...


Mới đây, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện Dự án cải tạo, chỉnh trang, mở rộng, khắc phục ô nhiễm môi trường đường bao biển Trần Quốc Nghiễn - đoạn từ cầu Bài Thơ đến điểm đấu nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả do UBND TP Hạ Long làm chủ đầu tư có dấu hiệu sử dụng khoáng sản không rõ nguồn gốc.

Tiến hành làm việc, xác minh với các đơn vị liên quan, Công an tỉnh Quảng Ninh xác định, khối lượng cát sử dụng cho dự án khoảng 160.000 m3 được các doanh nghiệp kê khai thuộc 04 mỏ cát tại 3 tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định. Trong đó có căn cứ xác định 01 mỏ cát tại Phú Thọ là không có thật. Xác định vụ việc trên có dấu hiệu tội phạm nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra, đã xác định nguồn gốc 8.126m3 cát cấp vào dự án không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, được thu gom trái phép sau đó mua hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH TMXD VT Thành Trung HD đưa vào hồ sơ quyết toán.

Ngày 14/1 và 26/5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Văn Tuyền, chủ sở hữu Công ty TNHH TMXD VT Thành Trung HD về tội "Mua bán trái phép hóa đơn" quy định tại khoản 2, Điều 203 Bộ luật hình sự.




Theo Nông nghiệp Việt Nam

Các tin khác


Ninh Bình: Cắt giảm Dự án Đại học Hoa Lư ,chuyển sang đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có Quyết định 131/UBND-VP4 về phương án sử dụng đất tại khu 7,9ha từ việc rà soát, cắt giảm Dự án xây dựng Đại học Hoa Lư chuyển sang đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất.

Phú Thọ: Đoàn xe quá khổ, quá tải tại Thanh Sơn bị xử phạt hơn 600 triệu đồng

Số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 xe chở quá khổ, quá tải tại huyện Thanh Sơn là 661 triệu đồng.

Hải Phòng: Người dân nộp tiền thuế đất tái định cư, nhưng chẳng thấy đất đâu

Sau khi đăng tải bài viết “Quận Lê Chân có buông lỏng quản lý TTXD trên tuyến phố Hồ Sen”, tòa soạn MT&ĐT Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về đền bù cho người dân có nhà đất bị thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường Hồ Sen – Cầu Rào 2.

Gia Lâm – Hà Nội: Cần dừng ngay việc san lấp trái phép tại xã Đa Tốn

Một diện tích lớn đang được san lấp trái phép ngay ven đường 379 tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội gây ra bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến môi trường. UBND xã Đa Tốn cần phải ngăn chặn kip thời.

TP.Việt Trì: Người dân “tố” chính quyền xã Kim Đức buông lỏng quản lý đất đai?

Tình trạng người dân ngang nhiên xẻ đồi lấy đất đi tiêu thụ, san lấp mặt bằng đất nông nghiệp để xây dựng hàng loạt công trình nhà ở kiên cố không phép, nhưng chính quyền xã Kim Đức, TP Việt Trì không đưa ra bất cứ biện pháp ngăn chặn, xử lý

Bắc Giang : Cần “công tâm” giải quyết đất đai tại ven sông Cầu thuộc xã Yên Lư

Một số cán bộ trong thôn, xã vi phạm xây dựng nghiêm trọng như xây nhà kiên cố trên hành lang đê thoát lũ, xây nhà trên đất nông nghiệp... mà vẫn không bị xử lý, còn người dân chỉ tôn tạo đất phục vụ sản xuất thì ngay lập tức bị chính quyền xử lý.