moitruongplus Cùng với rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, hàng ngày trên địa bàn TP Hà Nội phát sinh một lượng lớn rác thải cồng kềnh…

Nhiều hệ lụy

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, từ lâu nay, các loại chất thải rắn có kích thước, bề dày lớn, ví dụ như giường, tủ, bàn ghế, hay các tấm thạch cao, gỗ, nhựa… bản lớn được giới chuyên môn gọi chung là rác thải cồng kềnh. Bởi, những loại rác này có kích thức lớn, cồng kềnh nên rất khó xếp lên xe vận chuyển cũng như quá trình cuốn ép, chôn lấp… theo quy định.

Rác thải cồng kềnh tập kết sai quy định trên tuyến đường dẫn vào Đền Mẫu Đầm Sen.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế&Đô thị, không chỉ khó trong việc vận chuyển, xử lý, việc thiếu cơ chế trong việc xử lý rác thải cồng kềnh khiến lượng rác thải này bị tồn đọng từ ngày này sang ngày khác. Đơn cử, tại khu vực đường dẫn vào Đền Mẫu Đầm Sen (Hoàng Mai); khu đô thị Định Công, cầu vượt An Khánh… hàng loạt những điểm tập kết rác thải tự phát với đủ loại, từ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng và rác thải cồng kềnh vẫn tồn tại từ ngày này sang ngày khác gây mất VSMT, mỹ quan đô thị.

Trao đổi về tình trạng rác thải cồng kềnh tập kết sai quy định tại tuyến đường dẫn vào Đền Mẫu Đầm Sen, chị Nguyễn Thị Hương, một người dân sinh sống trên phố Đặng Xuân Bảng (phường Đại Kim) cho biết, thông thường khi lượng rác thải cao ngang người thì lực lượng chức năng sẽ cho người xuống dọn dẹp. Song, tần suất dọn dẹp rất ít nên việc xử lý thông thường chủ yếu bằng phương pháp đốt cháy… do một số người nhặt ve chai thực hiện để lấy lượng sắt vụn còn sót lại trong đống rác thải cồng kềnh. "Mỗi lần như vậy, khói bụi phủ kín cả khu vực, theo gió tràn vào nhà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực” - chị Hương bức xúc.

Rác thải tập kết sai quy định trên phố Nguyễn Cảnh Dị kéo dài.

Tương tự, tại điểm tập kết rác dưới chân cầu vượt An Khánh, theo ông Nguyễn Văn Hưng - khu tái định cư Phú Vinh, xã An Khánh (Hoài Đức), khu vực này tập kết đủ các loại rác thải từ rác thải sinh hoạt, đến đồ gia dụng cũ… nên vào cuối giờ chiều thường xuyên xuất hiện những người nhặt ve chai, đồng nát… tự ý đốt rác lấy sắt vụn, mỗi lần như vậy, khói bụi phủ khắp cả khu, người dân không ai dám mở cửa.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết, ngoài bàn, ghế, gường, tủ… trong rác thải cồng kềnh có không ít các linh kiện điện tử và một số chất nguy hại cho sức khỏe con người. Do đó, khi người dân, đặc biệt là những người nhặt ve chai tổ chức đốt rác lấy sắt vụn ngoài việc phát sinh bụi, khói… một lượng hóa chất không nhỏ sẽ phát sinh vào không khí, đất, nước gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Sớm tháo gỡ những khó khăn

Được biết, hiện nay, TP Hà Nội đã ban hành định mức, đơn giá xử lý rác thải y tế, rác thải sinh hoạt… nhưng chưa có định mức, đơn giá nào đối với rác thải cồng kềnh khiến công tác thu gom, xử lý của các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường gặp rất nhiều khó khăn.

Tại nhiều khu vực, rác thải cồng kềnh được xử lý bằng lửa.

Bà Mai Thanh Hằng – Phó Giám đốc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, do chưa có đơn giá xử lý nên đối với lượng rác thải cồng kềnh phát sinh, đơn vị sẽ dùng xe tải nhỏ tiến hành thu gom rồi nghiền nhỏ và chuyển lên bãi rác Nam Sơn để chôn lấp cùng với rác thải sinh hoạt. "Theo quy định, các loại rác thải cồng kềnh sau khi thu gom sẽ được nghiền nhỏ, ép lại để xử lý và tái chế… nhưng do không có đơn giá xử lý, không có bãi tập kết, xử lý riêng nên hiện nhiều đơn vị phải xử lý lẫn với rác thải sinh hoạt” - bà Mai Thanh Hằng cho biết thêm.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Chi nhánh Urenco Cầu Diễn - đơn vị phụ trách duy trì VSMT quận Nam Từ Liêm cho biết, hiện nay, theo bài thầu duy trì thu gom rác thải giai đoạn 2021 - 2023 thì không có rác thải cồng kềnh. Đối với những loại rác này, người dân khi có nhu cầu di chuyển, xử lý cần liên hệ với đơn vị VSMT để được xử lý theo quy định. Ngoài ra, trong quá trình duy trì VSMT, nếu phát hiện rác thải cồng kềnh bị đổ trộm, đơn vị duy trì VSMT sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức thu dọn… và chuyển về bãi rác Nam Sơn.

Theo nhiều chuyên gia, Hà Nội cần sớm ban hành đơn giá xử lý rác thải cồng kềnh.

Xoay quanh vấn đề trên, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, hiện nay, tại nhiều địa phương rác thải cồng kềnh đang bị đánh đồng với rác thải sinh hoạt. Nhưng thực tế lại khác, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cồng kềnh cao hơn rất nhiều so với rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, đơn giá xử lý rác thải cồng kềnh lại chưa có, chưa có trong bài thầu duy trì VSMT… dẫn đến hiện tượng rác thải cồng kềnh không được xử lý kịp thời, lưu cữu từ ngày này sang ngày khác… gây mất VSMT, mỹ quan đô thị.

"Để khắc phục tình trạng trên, các đơn vị chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức được mối nguy hại của rác thải cồng kềnh, đặc biệt là khi không được xử lý đúng cách. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cần bố trí những điểm tập kết rác thải cồng kềnh để đảm bảo nhu cầu của người dân, tránh tình trạng tùy tiện, bạ đâu vứt bỏ ở đó. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp tập kết, đổ trộm phế thải sai quy định..." - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh./.


"Đối với những rác thải cồng kềnh phát sinh tự phát ở ngoài đường, các nhân viên môi trường buộc phải thực hiện việc thu gom, xử lý chung với rác sinh hoạt nhưng làm phát sinh về nhân công, trang thiết bị và chi phí. Trong khi, TP Hà Nội hiện nay chưa có các quy định cụ thể cũng như đơn giá về xử lý loại rác thải này” - Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.


Vân Nhi/Kinh tế đô thị

Các tin khác

vvxd
qdw
cvxcx
gdfgd

Bắc Ninh: Hơn 160 ha rừng bị thiệt hại do bão số 3

Do ảnh hưởng bão số 3 toàn tỉnh Bắc Ninh có 163,31 ha/555,65ha rừng trồng, chiếm 29,3% diện tích rừng bị thiệt hại, trong đó 23ha bị gẫy, đổ từ 70% đến 90% số cây; diện tích còn lại gẫy đổ 30-50%.

Lào Cai: Lũ quét kinh hoàng khiến 15 người chết, nhiều người mất tích

Sáng nay 10/9, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vùi lấp toàn bộ một thôn có 35 hộ dân, với 128 khẩu, khiến 15 người chết, nhiều người mất tích.

Hà Nội phát lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng với mực nước là 10,5 m.

Vỡ đê sông Lô đoạn qua huyện Sơn Dương, Tuyên Quang

Tối 10/9/2024, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thông tin, đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Hiện nay, công tác vá đê đang được gấp rút triển khai.

Hà Nội ban hành lệnh báo động 1 trên sông Hồng

Sáng 10-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh số 53/L-BCH, báo động I trên sông Hồng.

Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh.