moitruongplus Những năm qua, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên) xảy ra liên tục ở nhiều nơi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch, mục đích sử dụng đất nông nghiệp gây bức xúc trong nhân dân. Thực trạng xây dựng chuồng trại trên đất chuyên trồng lúa nước diễn ra tràn lan tại xã Dương Thành là một ví dụ điển hình.


Một khu chuồng trại ở xóm Phẩm 1, Dương Thành, Phú Bình được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích 1.362m2.

Phản ánh tới Báo điện tử Xây dựng, một số người dân tại xã Dương Thành, huyện Phú Bình cho biết: Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tự ý san gạt, cải tạo rồi xây dựng các công trình quy mô, kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp nhưng không bị chính quyền xử lý, giải tỏa, trong khi hàng chục công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của người dân ở các địa phương khác trong tỉnh lại bị phá, dỡ, gây bức xúc trong dư luận.

Có mặt tại địa phương này, phóng viên không khó để có thể tìm ra những công trình sai phép lớn, nhỏ "mọc” lên trên những những thửa đất chuyên trồng lúa nước. Theo quan sát của phóng viên, lợi dụng có nhà ở liền kề các cánh đồng lúa, nhiều hộ dân đã xây dựng các công trình chuồng trại chăn nuôi quy mô, kiên cố trên những diện tích đất trồng lúa rộng tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn m2.

Điển hình như trường hợp của gia đình ông Phạm Văn Trường ở xóm Tiến Bộ, sau khi mua đất trồng lúa của 4 hộ gia đình với tổng diện tích gần 1.000m2, thay vì việc trồng lúa, gia đình ông Trường đã tự ý xây dựng đổ bê tông kiên cố chuồng trại 3 sàn để nuôi gà đẻ trứng. Cũng tương tự, gia đình ông Đào Văn Khánh ở xóm Phẩm 1 sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa hơn nghìn m2 đất nông nghiệp với các hộ dân trong xóm, gia đình anh cũng không gieo trồng mà tiến hành san lấp xây dựng thành một khu chăn nuôi quy mô lớn hay gia đình ông Dương Văn Tư ở xóm Giàng cũng xây dựng cả một trang trại quy mô trên nghìn m2 ngay trên đất vườn tạp của nhà…

Trao đổi với phóng viên, hầu hết các hộ gia đình này đều thừa nhận quá trình xây dựng là tự ý, không xin phép, báo cáo chính quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, biết rõ việc xây dựng như vậy là vi phạm pháp luật về đất đai cũng như hậu quả của nó cho môi trường, xã hội địa phương, tuy nhiên vì nhu cầu phát triển kinh tế nên họ đã bất chấp, cố tình xây dựng, phớt lờ sự nhắc nhở của chính quyền địa phương, kể cả bị phạt tiền nhiều lần họ vẫn chấp nhận…

Mặc dù bị chính quyền xã Dương Thành xử phạt vi phạm hành chính do xây dựng trái phép trên đất trồng lúa nước, song các công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Liên quan đến vấn đề này, xác nhận với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND khẳng định: Những năm gần đây, trên địa bàn xã đúng là có tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để gây bức xúc trong dư luận, nhất là tình trạng người dân thu mua các thửa ruộng gần nhau, hoặc đồn điền, đổi thửa, rồi san gạt tạo thành những khu đất tập trung bằng phẳng, rộng lớn, rồi xây dựng trái phép hệ thống các hạ tầng chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn để phát triển chăn nuôi. Sau khi có thông tin của báo chí, xã sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật, không để phát sinh các trường hợp mới.

Ông Thành cũng cho biết thêm: Trong năm 2020, qua kiểm tra, tố giác của người dân, địa phương cũng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng chuồng trại trên đất chuyên trồng lúa nước. Cụ thể như các hộ ông Phạm Văn Trường với tổng diện tích là 800m2, hộ ông Đào Văn Khánh với tổng diện tích 1.361m2, hộ ông Dương Văn Sơn với tổng diện tích là 500m2… Tuy nhiên, các hộ này vẫn cố tình vi phạm, đến nay vẫn không chấp hành việc tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng đất nông nghiệp theo quy định.

Công trình xây dựng trái phép gần 1.000m2 tại xóm Tiến Bộ, xã Dương Thành làm ứ đọng nước, khiến các hộ dân có ruộng giáp ranh công trình bỏ hoang, không thể canh tác được nhiều năm nay.

Với vị trí địa lý thuận lợi, hiện nay, Phú Bình đang là một trong số ít các địa phương trên địa bàn được tỉnh Thái Nguyên tập trung mọi nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư với mục tiêu xây dựng huyện sớm trở thành đô thị thị xã vào năm 2025. Chính vì vậy, tình trạng các hộ dân thu mua đất nông nghiệp rồi tự ý chuyển đổi mục đích, xây dựng tràn lan các công trình quy mô, kiên cố trái phép như ở xã Dương Thành và một số xã khác không được xử lý kịp thời, dứt điểm đã và đang âm thầm tạo ra những hậu quả khôn lường trong công tác quản lý đất đai.

Việc san lấp, xây dựng trái phép tràn lan trên đất nông nghiệp không những làm thay đổi toàn bộ hiện trạng đất trồng lúa cũng như làm hỏng những ruộng lúa của người dân xung quanh, mà còn tạo ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống cho các cụm dân cư, phá vỡ các quy luật tự nhiên cho các vùng chuyên trồng lúa nước cũng như quy hoạch tổng thể đất đai. Đặc biệt, do việc xử lý của chính quyền không quyết liệt, triệt để ngay từ đầu còn tạo ra những tiền lệ xấu, người dân đua nhau gom đất nông nghiệp tự ý san lấp, xây dựng các công trình sai phép, về lâu dài còn gây cản trở khó khăn cho công tác quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước đầu tư, phát triển các hạ tầng xã hội, các dự án tập trung ở địa phương.

Để chấm dứt tình trạng này, đã đến lúc các cơ quan chức năng huyện Phú Bình, Thái Nguyên cần phải rà soát, kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả yêu cầu tháo dỡ công trình để trả lại hiện trạng đất.

Theo Báo Xây dựng

Các tin khác

vvxd
qdw
cvxcx
gdfgd

Bắc Ninh: Hơn 160 ha rừng bị thiệt hại do bão số 3

Do ảnh hưởng bão số 3 toàn tỉnh Bắc Ninh có 163,31 ha/555,65ha rừng trồng, chiếm 29,3% diện tích rừng bị thiệt hại, trong đó 23ha bị gẫy, đổ từ 70% đến 90% số cây; diện tích còn lại gẫy đổ 30-50%.

Lào Cai: Lũ quét kinh hoàng khiến 15 người chết, nhiều người mất tích

Sáng nay 10/9, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vùi lấp toàn bộ một thôn có 35 hộ dân, với 128 khẩu, khiến 15 người chết, nhiều người mất tích.

Hà Nội phát lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng với mực nước là 10,5 m.

Vỡ đê sông Lô đoạn qua huyện Sơn Dương, Tuyên Quang

Tối 10/9/2024, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thông tin, đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Hiện nay, công tác vá đê đang được gấp rút triển khai.

Hà Nội ban hành lệnh báo động 1 trên sông Hồng

Sáng 10-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh số 53/L-BCH, báo động I trên sông Hồng.

Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh.