moitruongplus UBND tỉnh An Giang vừa ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ sông Hậu, đoạn qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung,huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Theo quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với 2 đoạn sạt lở bờ sông Hậu, gồm: Đoạn khảo sát sạt lở, với chiều dài 300m, từ Cửa hàng vật liệu xây dựng 195 Long Xuyên đến Nhà máy Xay xát gạo Phương Đông, tiếp giáp với điểm cuối của công trình kè xử lý sạt lở năm 2021 về hạ nguồn; đoạn sạt lở, với chiều dài 500m, từ Trung tâm Y tế huyện Châu Phú đến khu vực Bệnh viện Tư nhân Huỳnh Trung Dũng.

Ngày 23/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Châu Phú đã khảo sát hai đoạn nguy cơ sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung. Kết quả khảo sát cho thấy, có 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh và 104 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng chiều dài hơn 800m.


Khu vực sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung. Ảnh: Thanh Dũng

UBND tỉnh giao các sở, ngành và UBND huyện Châu Phú thực hiện và chỉ đạo các phòng, ban, ngành chuyên môn có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp; thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở.

Các cơ quan trên cũng cần bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; khoanh vùng có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cảnh báo phạm vi sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn và tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh xử lý; thông báo về việc thả phao tiêu cảnh báo, cấm neo đậu tàu thuyền tại khu vực sạt lở; bảo đảm tuyến đường phục vụ việc đi lại của người dân khi qua khu vực sạt lở…

Được biết, từ năm 2010 đến nay, tại Vĩnh Thạnh Trung đã xảy ra 6 vụ sạt lở bờ sông Hậu, với tổng chiều dài 525m, làm ảnh hưởng đến 27 căn nhà, cần di dời khẩn cấp. Trong đó, vụ sạt lở năm 2021, tại tổ 9, ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung đã phải di dời khẩn cấp 25 hộ trong khu vực sạt lở đến nơi an toàn và được UBND tỉnh An Giang công bố tình huống khẩn cấp.

Ngày 27-4 vừa qua, tại tổ 15, 16, khóm Vĩnh Thuận, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung xảy ra sạt lở, dài khoảng 200m, làm sụp 2 sàn bê -tông, mái tole, khung tiền chế và 2 hộ nguy cơ ảnh hưởng cần di dời khẩn cấp.

Thời gian qua, các tỉnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ban bố tình trạng sạt lở khẩn cấp trên địa bàn. Ngày 9/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 1450/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển nghiêm trọng cần khắc phục tại khu vực xã Vân Khánh, huyện An Minh.

Ngày 23/5 do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, làm sóng biển dâng cao đã làm đứt đoạn đê (chiều dài 30m, chiều rộng 25m), đoạn từ Vàm Kim Quy hướng về cống Mương Đào, thuộc địa bàn xã Vân Khánh, huyện An Minh.


Tỉnh Kiên Giang thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở nghiêm trọng

Đê biển bị vỡ làm nước biển tràn vào phía trong đê, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân trong đê thuộc xã Vân Khánh và Vân Khánh Đông, huyện An Minh, với khoảng 500 ha diện tích sản xuất và 150 hộ dân có thể bị ảnh hưởng.

Tại tỉnh Vĩnh Long, ngày 20/6 Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở nguy hiểm Khu vực bờ bao kênh Hai Quí, Ấp Thành Phú, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân. Vị trí sạt lở hoàn toàn 35m bờ bao đã ảnh hưởng trực tiếp đến 04 hộ dân đang sinh sống cạnh tuyến bờ bao, tình hình đi lại qua khu vực này bị chia cắt.

Địa phương này cho biết một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở là do địa chất khu vực là nền đất yếu, lại thường xuyên chịu tác động của sóng và dòng chảy làm cho mái bờ bị xói lở, làm cho độ dốc mái bờ giảm; vào đầu mùa mưa, nước mưa thấm vào đất với đặc tính kết dính kém, làm giảm khả năng chịu tải, kết hợp với điều kiện bất lợi bên ngoài sông khi chân triều xuống thấp làm gia tăng áp lực lên đường bờ, làm cho mái bờ mất ổn định, dẫn đến sạt lở.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, sạt lở bờ sông đang diễn biến ngày càng phức tạp, xu thế sạt lở trên các tuyến kênh, rạch cấp I, cấp II sẽ tăng dần theo thời gian, đặc biệt là đối với các kênh rạch tại 7 huyện, thị xã, thành phố.

Tổng số các đoạn sông cảnh báo sạt lở gồm 56 đoạn, trong đó, có 6 đoạn thuộc sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Châu Đốc được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 36 đoạn ở mức độ nguy hiểm; 14 đoạn ở mức độ bình thường. Theo thống kê, trong năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 43 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 2 km, ảnh hưởng đến 39 căn nhà và gây tổng thiệt hại về nhà và đất hơn 2 tỷ đồng.

Qua kiểm tra rà soát tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh, hiện nay còn 496 đoạn sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên 288 tuyến, tổng chiều dài hơn 10 km. Trong đó sạt lở trên các kênh cấp I, cấp II nối ra sông Hậu, sông Tiền có tổng số là 127 đoạn. Xu thế sạt lở trên các tuyến kênh, rạch cấp I, cấp II sẽ tăng dần theo thời gian, đặc biệt là đối với các kênh rạch ở các huyện, thị, thành gồm An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành và thị xã Tân Châu, thành phố Long Xuyên./.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

èd
sdff
fdsdf
rttr

Bắc Giang: Triển khai các giải pháp cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá về môi trường

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND về việc triển khai các giải pháp cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

EEA: Châu Âu cần hành động nhiều hơn để tránh hậu quả do biến đổi khí hậu

Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) mới đây cảnh báo châu Âu có thể phải gánh chịu hậu quả "thảm khốc” do biến đổi khí hậu.

Bắc Cực trước nguy cơ không còn băng chỉ trong 10 năm tới

Bắc Cực đứng trước nguy cơ chỉ còn nước trong những tháng hè kể từ năm 2035 do khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.

WHO: Ô nhiễm và khủng hoảng khí hậu làm gia tăng gánh nặng bệnh tật

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các tình trạng khẩn cấp về khí hậu cùng với ô nhiễm môi trường đang diễn ra làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là ở Nam bán cầu.

Biến đổi khí hậu: Canada đang trải qua một mùa Đông thất thường

Canada đang trải qua một mùa Đông khác lạ so với các năm trước, khi nền nhiệt ở nhiều vùng trong thời gian qua ấm hơn so với bình thường và một đợt lạnh sâu đã xuất hiện.

Nam Âu và Bắc Phi đang hứng chịu mùa Đông khô hạn

Hạn hán ở Địa Trung Hải không giảm đi trong mùa Đông này, với lượng mưa dưới mức trung bình dẫn đến việc thiếu nước và một số nơi phải ban bố tình trạng khẩn cấp.