moitruongplus Trước thực trạng việc xử lý rác thải sinh hoạt gặp không ít khó khăn, được hỗ trợ của tỉnh, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã xây mới 2 lò đốt rác hiện đại tại thị trấn Nhã Nam và xã Ngọc Vân.
Kết quả bước đầu cho thấy 2 lò này hoạt động hiệu quả, tạo cơ sở để nhân rộng.
Công nghệ hiện đại
Huyện Tân Yên có 24 xã, thị trấn, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn từ 80-90 tấn/ngày. Trước đây, huyện có 3 lò đốt rác thải tại thị trấn Nhã Nam, xã Việt Lập và Ngọc Lý (các xã còn lại chỉ có lò đốt rác thủ công, công suất nhỏ). Công suất xử lý của cả 3 lò này chỉ đạt vài tấn/ngày, lại xuống cấp, lượng rác còn lại chủ yếu phải chôn lấp.
Khu xử lý rác thải sinh hoạt thị trấn Nhã Nam mới được đầu tư xây dựng.
Do không có lò đốt và bãi tập kết, xử lý tập trung quy mô lớn nên trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều điểm tồn ứ rác, nhất là tại các xã: Cao Xá, Ngọc Vân, Tân Trung và thị trấn Cao Thượng. Ngoài ra còn hàng trăm bãi rác ven các tuyến giao thông, bãi đất trống, ao hồ, kênh mương… do người dân thiếu ý thức vứt ra.
Để hạn chế tình trạng này, UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác thải không đúng nơi quy định. Thị trấn Cao Thượng còn lắp đặt camera giám sát, thành lập các tổ xử lý vi phạm, phối hợp với các xã giáp ranh xử lý vấn đề môi trường liên quan... Tuy nhiên, do lượng rác thải lớn, việc thu gom, xử lý còn hạn chế, ý thức một bộ phận người dân chưa cao nên tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.
Được sự hỗ trợ của tỉnh, tháng 10/2021, UBND huyện Tân Yên thực hiện dự án "Nhà xưởng, lò rác và hạ tầng, phụ kiện xử lý rác thải” xã Ngọc Vân và thị trấn Nhã Nam, công nghệ BD-Anpha (hoạt động ở áp suất âm, không sử dụng dầu và các nhiên liệu đốt bổ sung), công suất 700 kg rác/giờ, tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng.
Bà Đàm Thị Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường Bách khoa Hà Nội (đơn vị chế tạo, cung ứng 2 lò đốt rác trên) cho biết, khi đốt, nồng độ các chất khí phát thải đều đạt dưới mức cho phép. Tro xỉ cháy kiệt còn dưới 8%, có thể dùng làm phân bón, phụ gia sản xuất gạch không nung, rải đường hoặc chôn lấp.
Lò hoạt động ở áp suất âm nên các chất thải độc hại giảm hàng trăm lần so với lò đốt trong điều kiện áp suất dương. Ngoài ra, lò được tích hợp thêm các thiết bị cơ giới hóa như băng tải, xe xúc rác… nên giảm lao động thủ công.
Nhân rộng mô hình
Để các lò đốt rác thải hoạt động hiệu quả, UBND thị trấn Nhã Nam và xã Ngọc Vân đã chủ động lập phương án, giao Hợp tác xã (HTX) Vệ sinh môi trường xanh (thị trấn Nhã Nam) và HTX Vệ sinh môi trường xã Ngọc Vân tổ chức quản lý, duy tu bảo dưỡng hạ tầng, thiết bị đốt rác dưới sự điều hành của chính quyền 2 địa phương này.
Vận hành lò đốt rác thải thị trấn Nhã Nam.
Trong quá trình lắp đặt thiết bị, vận hành, UBND thị trấn Nhã Nam và xã Ngọc Vân đã phối hợp với đơn vị thi công, bố trí nhân lực theo sát để học hỏi và nhận chuyển giao công nghệ. Đến nay, cơ bản nhân lực bố trí vận hành lò đốt của các HTX đã nắm vững quy trình hoạt động, khai thác hiệu quả các lò đốt.
Đại diện UBND thị trấn Nhã Nam cho biết, trước đây cơ bản rác thải sinh hoạt trên địa bàn đều được đốt bằng lò thủ công hoặc chôn lấp nên không bảo đảm vệ sinh môi trường. Dù đang trong quá trình vận hành thử nhưng lò đốt rác mới đã phát huy hiệu quả. Lượng rác rác thải tồn lưu trong thị trấn được giải quyết triệt để.
Bà Nguyễn Thị Dinh, tổ dân phố Tiến Phan 2 - một trong những chủ hộ có đất bị thu hồi để xây dựng khu xử lý rác thải thị trấn Nhã Nam chia sẻ: "Khi địa phương thu hồi đất thực hiện dự án, nhiều hộ dân tại tổ dân phố Tiến Phan 2 và Tiến Điều không đồng thuận vì sợ khói, bụi lò đốt sẽ gây ô nhiễm, nhưng với công nghệ hiện đại, các chất độc hại đã được xử lý triệt để nên chúng tôi khá yên tâm”.
Năm 2022, huyện Tân Yên tiếp tục đầu tư xây dựng 5 lò đốt rác thải tại các xã: Quế Nham, Cao Xá, Ngọc Thiện, Việt Ngọc và thị trấn Cao Thượng. Các lò đốt có quy mô, công suất tương tự 2 lò đốt rác tại thị trấn Nhã Nam và Ngọc Vân”.
Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên
|
Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên thông tin, để phát huy hiệu quả các lò đốt rác này, thời gian tới, UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phân loại và tập kết rác thải ngay tại nguồn.
"Năm 2022, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng 5 lò đốt rác thải tại các xã: Quế Nham, Cao Xá, Ngọc Thiện, Việt Ngọc và thị trấn Cao Thượng. Các lò đốt có quy mô, công suất tương tự 2 lò đốt rác tại thị trấn Nhã Nam và Ngọc Vân” - ông Toàn nói.
Thực tế cho thấy việc xây dựng và vận hành lò đốt rác công nghệ cao mới của huyện Tân Yên bước đầu đã mang lại hiệu quả. Đây là giải pháp phù hợp, mang tính bền vững, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho các làng quê, đường phố của Tân Yên luôn sạch đẹp.
Do ảnh hưởng bão số 3 toàn tỉnh Bắc Ninh có 163,31 ha/555,65ha rừng trồng, chiếm 29,3% diện tích rừng bị thiệt hại, trong đó 23ha bị gẫy, đổ từ 70% đến 90% số cây; diện tích còn lại gẫy đổ 30-50%.
Sáng nay 10/9, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vùi lấp toàn bộ một thôn có 35 hộ dân, với 128 khẩu, khiến 15 người chết, nhiều người mất tích.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng với mực nước là 10,5 m.
Tối 10/9/2024, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thông tin, đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Hiện nay, công tác vá đê đang được gấp rút triển khai.
Sáng 10-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh số 53/L-BCH, báo động I trên sông Hồng.
Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh.