moitruongplus Mỗi ngày có hàng chục tấn rác thải nhựa (ống hút nhựa, chai nhựa, ly nhựa...) bị thải ra trong quá trình sinh hoạt, gây nguy hại rất lớn cho hệ sinh thái và môi trường.
Trước thực trạng này, nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong việc tham gia giảm thải loại rác thải nhựa đang được triển khai.
Phân loại rác tại nguồn giúp tiết kiệm chi phí trong công tác xử lý, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Tại buổi họp báo trực tuyến phát động chiến dịch "Nói không với ống hút nhựa” do Bộ TN-MT tổ chức mới đây, đại diện Bộ TN-M cho biết, ở Việt Nam, mỗi năm thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Chỉ riêng tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 70-80 tấn nhựa (ống hút nhựa, chai hộp nhựa, ly nhựa, túi ni lông,...). Với chiến dịch lần này, Bộ TN-MT kêu gọi mỗi người hãy bắt đầu với hành động nhỏ là lựa chọn ống hút giấy thay vì ống hút nhựa và dần dần thay thế hoàn toàn những thìa, đũa, hộp nhựa dùng một lần. Trên hành trình giữ môi trường xanh, chống lại rác thải nhựa, Bộ TN-MT cũng luôn khuyến khích và ghi nhận nỗ lực của các tổ chức, cá nhân có những sáng kiến thiết thực, góp phần làm thay đổi ý thức, thói quen của người dân và toàn xã hội.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết, Nestlé là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện lộ trình đưa ống hút giấy vào thay thế dần cho ống hút nhựa và hướng đến thay thế hoàn toàn ống hút nhựa. Những thách thức ban đầu vô cùng quan trọng trong việc khuyến khích các thói quen tiêu dùng mới và truyền cảm hứng để người tiêu dùng quan tâm hơn đến môi trường, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Mặc dù vậy, đây vẫn là những bước đi cần thiết để góp phần thay đổi những hiện trạng đáng quan ngại về môi trường tại Việt Nam hiện nay.
Cũng phải nói thêm rằng, giảm rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa dùng một lần là một hành trình đầy thách thức đối với mọi quốc gia và cần đến sự nỗ lực chung tay của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Hiện các doanh nghiệp nói chung đã và đang đi từng bước nhỏ trong việc chuyển đổi ống hút nhựa, bao bì nhựa sang sản phẩm thân thiện với môi trường. Những nỗ lực này đóng vai trò quan trọng để hiện thực hóa cam kết của các doanh nghiệp trong việc hướng đến mục tiêu giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa và tăng cường khả năng tái chế hoặc tái sử dụng nhựa.
Đẩy mạnh công tác tái chế
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, trong đó mục tiêu đến năm 2025, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch không còn sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Thay vào đó, các đơn vị này sẽ sử dụng 100% sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong lĩnh vực sản xuất, cả nước giảm 50% mức sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có quy định rõ về giảm thiểu chất thải nhựa, khuyến khích tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Đồng thời, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Cũng trong quy định này, cơ quan chức năng sẽ khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới. Quan trọng hơn, mục tiêu này cũng thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Trước đó, để chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm rác thải nhựa, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, TPHCM phấn đấu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt để thay thế túi ni lông khó phân hủy. Riêng tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói sản phẩm.
Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả hơn công tác giảm thiểu rác thải nhựa, UBND TPHCM chỉ đạo các sở ban ngành, đơn vị có liên quan chung tay xây dựng kế hoạch hành động thực hiện. Trong đó, chú trọng đến công tác kiểm soát chất thải tại nguồn. Hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động hàng ngày của các cơ quan nhà nước, nhà máy, trường học, trong sinh hoạt người của người dân. Vận động nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh du lịch, ăn uống… có kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa, chuyển dần sang sử dụng sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý.
Song song với giải pháp kiểm soát tại nguồn, TPHCM cũng khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa thông qua các hoạt động phát triển, triển khai sử dụng mô hình 3T (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế), khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức có chức năng, đủ điều kiện thực hiện dịch vụ thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trên địa bàn thành phố.
|
Theo SGGP
Do ảnh hưởng bão số 3 toàn tỉnh Bắc Ninh có 163,31 ha/555,65ha rừng trồng, chiếm 29,3% diện tích rừng bị thiệt hại, trong đó 23ha bị gẫy, đổ từ 70% đến 90% số cây; diện tích còn lại gẫy đổ 30-50%.
Sáng nay 10/9, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vùi lấp toàn bộ một thôn có 35 hộ dân, với 128 khẩu, khiến 15 người chết, nhiều người mất tích.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng với mực nước là 10,5 m.
Tối 10/9/2024, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thông tin, đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Hiện nay, công tác vá đê đang được gấp rút triển khai.
Sáng 10-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh số 53/L-BCH, báo động I trên sông Hồng.
Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh.