Theo TS Chu Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT, việc xử lý tiêu chuẩn khí thải xe đang lưu thông sẽ ràng buộc chặt chẽ hơn trách nhiệm của chủ xe trong việc đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện giữa 2 kỳ đăng kiểm.
"Cần có sự phối hợp giữa cơ quan kiểm soát về kỹ thuật và cơ quan thực hiện cưỡng chế là CSGT hoặc là Cảnh sát Môi trường, họ sẽ kiểm tra xe ngay trên đường, test rất nhanh, nếu anh vi phạm thì anh phải quay về khắc phục và chịu xử phạt nhất định”.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, cử tri TP.HCM đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm không khí đang rất nghiêm trọng nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Cử tri đề nghị triển khai đề án kiểm soát khí thải các phương tiện cơ giới đang lưu thông; tăng mức xử phạt đối với các xe lưu hành không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, quá hạn bảo hành, bảo dưỡng định kỳ làm tăng lượng khí thải ra môi trường với mức độ độc hại nghiêm trọng; có giải pháp khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng và trồng nhiều cây xanh ven các tuyến đường.
Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi được thể hiện tại điểm c khoản 2 Điều 16 điểm đ khoản 1 Điều 17, và điểm d khoản 1 Điều 19 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn.
Điều 17. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn;
Điều 19. Xử phạt người điều khiển máy kéo (kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên dùng vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
d) Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng; không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn;
Theo Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, Bộ GTVT cần phải có những biện pháp tăng cường kiểm soát phát thải từ ô tô tham gia giao thông như yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm định xe cơ giới; Tổ chức thực hiện nghiệm lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông, xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu; Chủ động nghiên cứu, đề xuất áp dụng giải pháp kiểm soát khí thải có tải và nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô tham gia giao thông…
Bên cạnh đó, "Bộ GTVT cũng cần rà soát bổ sung quy định về kiểm soát khí thải cơ giới trong quá trình sửa đổi Luật GTĐB làm cơ sở để triển khai thực hiện. Đồng thời Bộ cần đánh giá tác động chính sách và đưa vào dự thảo đề cương sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật." Luật sư Hải cho biết thêm.