moitruongplus

Ô nhiễm bụi bẩn, bùn thải đổ bừa bãi không đúng quy định, thi công ẩu gây sụt lún và làm nứt nhiều công trình, nhà ở … đó là những gì đã và đang diễn tại dự án có giá trị gần 20 tỷ đồng do Cty TNHH MTV khai thác công trình Thuỷ Lợi Hà Nam làm chủ đầu tư.

Phản ánh đến Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam, nhiều người dân ở thôn Tràng, xã Trịnh Xá, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết: Kể từ khi Công ty Cổ phần Thành Đạt huy động máy móc và công nhân đến thi công kè kênh dẫn trạm bơm Đình Xá, đã khiến đời sống người dân trên địa bàn xã và những hộ dân sống cạnh khu vực thi công dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề do hoạt động vận chuyển vật tư san lấp, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ việc nạo vét bùn thải từ lòng sông mang đi đổ bừa bãi. Đặc biệt, nhiều công trình xây dựng, nhà ở của 8 hộ dân sống cạnh công trình thi công bị sụt lún, nứt vỡ nhưng không được đơn vị thi công quan tâm hỗ trợ và đền bù thoả đáng gây bức xúc dư luận tại địa phương.

Đơn vị thi công dự án sử dụng đất, bùn thải để đắp taluy đê liệu có đảm bảo chất lượng và vật tư thi công theo quy định?

Qủa thực khi PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có mặt để ghi nhận sự việc mới thấy được sự thống khổ của người dân nơi đây, việc họ phải cam chịu sống trong cảnh ô nhiễm và nguy cơ mất an toàn giao thông khi lưu thông qua tuyến đường này trong khoảng thời gian dài vừa qua đúng là điều không tưởng.

Theo ghi nhận, cả một tuyến đường dài bị phủ kín một lớp cát, đất, bùn thải nhưng đơn vị thi công không có bất cứ biện pháp nào (như phun nước, quét dọn…) để khắc phục, hạn chế nạn ô nhiễm quanh khu vực. Do đó, mỗi khi có người và phương tiện lưu thông qua đây, đặc biệt là các phương tiện vận chuyển vật tư thi công dự án chạy qua làm bụi bẩn bay mù mịt, trắng xoá một vùng.

Bùn thải rơi vãi khắp mặt đường gây mùi hôi thối, trơn trượt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân

Tiếp đó, các phương tiện công nông tự chế (hiện đang bị cấm lưu hành) ngang nhiên chở bùn thải đi đổ quanh khu vực, có thể nói cứ "hở chỗ nào đổ chỗ đó”, đổ cả sang khu vực thi công một dự án lớn nằm ngay sát bên. Đoàn xe này đi đến đâu bùn thải chảy ra khắp mặt đường, việc này không chỉ gây hôi thối mà còn tạo trơn trượt khiến người dân thường xuyên bị trượt ngã, rất nguy hiểm.

Ngoài ra, theo quan sát thực tế của PV, mặc dù dự án có mức đầu tư lên đến gần 20 tỷ đồng nhưng không hề có biển bảng thông tin về dự án, hệ thống biển phân luồng, cảnh báo giao thông cũng không được đơn vị thi công lắp đặt, khiến nhiều người nghĩ đây như thể là một dự án "ma”.

Theo tìm hiểu, dự án trên là Gói thầu thi công số 3 - Thi công xây dựng (bao gồm cả hạng mục chung) tại Dự án nạo vét, gia cố kênh dẫn trạm bơm Định Xá. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18 tỷ đồng do Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hà Nam (Cty Thuỷ lợi Hà Nam) làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu thi công dự án là Công ty Cổ phần Thành Đạt.

Một hạng mục công trình của dự án chưa được bàn giao đưa vào sử dụng đã nứt, vỡ be bét.

Để làm rõ phản ánh về những "vấn đề” tại dự án, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện chính quyền xã Trịnh Xá. Tại buổi làm việc, ông Đỗ Đức Thành - Chủ tịch UBND xã thừa nhận sự việc: Việc thi công dự án gây ô nhiễm môi trường đã được cử tri kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Hội đồng nhân dân xã.

Công văn của UBND xã Trịnh Xá gửi Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hà Nam về việc gây ảnh hưởng đến các hộ dân trong quá trình thi công dự án.

Cũng theo ông Thành: Liên quan đến sự việc này chúng tôi cũng đã  làm việc trực tiếp và ra văn bản đề nghị gửi chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công dự án đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm. Sau đó, phía đơn vị thi công đã cam kết và đưa ra biện phạm khắc phục nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến nhân dân.

Tuy nhiên, khi PV trao đổi và cung cấp hình ảnh ghi lại tình trạng không chỉ có bụi bẩn, mà còn xuất hiện đoàn xe công nông tự chế chở bùi thải đi đổ bừa bãi quanh khu vực, làm rơi vãi khắp mặt đường gây mùi hôi thối và mất an toàn giao thông cho người dân. Ông Thành thừa nhận sự việc và xin rút kinh nghiệm khi để tình trạng trên xảy ra và hứa sẽ yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục sự việc.

Ngoài việc bị "tố” thi công ẩu gây hệ luỵ về môi trường, làm hư hỏng công trình và nhà dân như đã nêu trên, đơn vị thi công còn bị phản ánh sử dụng vật tư thi công đắp taluy đê không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn của dự án.

Công nông tự chế là phương tiện chính dùng để chở bùn thải đi đổ không đúng quy định sang một dự án khác đang thi công

Để làm rõ sự việc, PV đã trực tiếp đến liên hệ đặt lịch làm việc với chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hà Nam. Sau khi tiếp nhận thông tin, vị đại diện văn phòng công ty này hứa sẽ báo cáo lãnh đạo để bố trí lịch làm việc với PV, tuy nhiên đến này đã nhiều ngày trôi qua PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này, và ngay cả khi chủ động liên hệ qua số điện thoại được cho là của ông Lê Văn Hoà – Giám đốc công ty này nhưng PV cũng không nhận được hồi âm.

Đây được cho là một dự án lớn, sau khi đưa vào sử dụng sẽ mang lại nhiều thuận lợi về giao thông và đặc biệt là phục vụ cho việc tưới tiêu trong khu vực, thế  nhưng dù mới đang giai đoạn đầu triển khai thi công thì dự án đã bộc lộ nhiều "vấn đề” khiến dư luận phải băn khoăn, hoài nghi về chất lượng thi công dự án.

Đối với người dân địa phương, họ mong muốn và kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam và đặc biệt là chủ đầu tư dự án cần vào cuộc thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thi công đối với nhà thầu là Công ty Cổ phần Thành Đạt. Buộc doanh nghiệp này phải bồi thường thoả đáng cho 8 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do hoạt động thi công dự án, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể lơ là trong việc giám sát thi công tại công trường trong thời gian qua (nếu có).

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

dsad
scdsfds
èd
sdff

New Zealand: Sông băng bị thu hẹp, đứng trước nguy cơ biến mất

Viện Nghiên cứu Khí quyển và Nước quốc gia New Zealand (NIWA) ngày 25/3 công bố báo cáo cho thấy các sông băng ở nước này đang "tiếp tục co lại" và đứng trước nguy cơ tan biến do mất băng kéo dài.

Động đất tại Hà Nội, nhiều khu vực cảm nhận rung lắc

Sáng 25/3, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, vào hồi 8h5 tại vị trí khu vực huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã xảy ra một trận động đất mạnh 4 độ richter.

Bắc Giang: Triển khai các giải pháp cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá về môi trường

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND về việc triển khai các giải pháp cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

EEA: Châu Âu cần hành động nhiều hơn để tránh hậu quả do biến đổi khí hậu

Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) mới đây cảnh báo châu Âu có thể phải gánh chịu hậu quả "thảm khốc” do biến đổi khí hậu.

Bắc Cực trước nguy cơ không còn băng chỉ trong 10 năm tới

Bắc Cực đứng trước nguy cơ chỉ còn nước trong những tháng hè kể từ năm 2035 do khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.

WHO: Ô nhiễm và khủng hoảng khí hậu làm gia tăng gánh nặng bệnh tật

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các tình trạng khẩn cấp về khí hậu cùng với ô nhiễm môi trường đang diễn ra làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là ở Nam bán cầu.