moitruongplus Sở TN-MT TPHCM vừa kiến nghị Bộ TN-MT bổ sung danh sách các doanh nghiệp (DN) có khả năng tiếp nhận và xử lý rác thải liên quan đến dịch Covid-19.

Trước đó, việc thu gom và xử lý rác thải này do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (viết tắt Công ty Môi trường đô thị) chịu trách nhiệm, nhưng lượng rác phát sinh nhiều trong thời gian qua đã quá khả năng tiếp nhận và xử lý của công ty.

Lượng rác thải liên quan dịch bệnh gây quá tải cho hoạt động thu gom của công nhân Công ty Môi trường đô thị TPHCM

Quá tải với rác thải liên quan dịch Covid-19

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TPHCM, danh sách các DN đủ khả năng tiếp nhận loại rác thải trên bao gồm Công ty Môi trường đô thị, Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc, Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Trước đó, Bộ TN-MT đã đưa ra danh sách nhiều đơn vị có chức năng tiếp nhận và xử lý rác thải nguy hại, có khả năng xử lý rác thải liên quan đến dịch Covid-19 nhưng chỉ duy nhất Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc chịu xử lý loại rác thải trên.

Đánh giá về năng lực của các công ty, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Công ty Môi trường đô thị đang có 3 cơ sở xử lý rác thải nguy hại là công trường Đông Thạnh, Trạm xử lý rác thải nguy hại Bình Hưng Hòa và 1 lò đốt vừa đưa vào vận hành, tổng công suất xử lý đáp ứng khoảng 50 tấn/ngày. Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc đảm nhận khoảng 7 tấn/ngày.

Các DN còn lại đã đầu tư lò đốt rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại nhưng đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã đầu tư 14 lò đốt nhưng dùng xử lý rác thải sinh hoạt. Do vậy, trong bối cảnh lượng rác thải liên quan đến dịch Covid-19 tăng nhanh trên địa bàn TPHCM hiện nay, Sở TN-MT TPHCM đã kiến nghị Bộ TN-MT xem xét, chấp thuận cho thành phố sử dụng lò đốt rác thải hiện hữu của các đơn vị trên để xử lý rác thải liên quan đến dịch Covid-19 trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến…

Trước thực tế này, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, hiện tại, lượng rác thu gom tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến đã gần 100 tấn/ngày, vượt quá công suất xử lý của công ty. Điều này buộc công ty phải tìm kho lưu chứa nhằm đảm bảo nguồn rác thải có nguy cơ gây dịch bệnh không phát tán ra môi trường. Tuy nhiên, về lâu dài, cần huy động thêm các đơn vị có chức năng xử lý cùng góp sức với công ty.

Giảm nguy cơ phát tán dịch bệnh từ khâu thu gom

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết thêm, hiện ngoài việc kiến nghị Bộ TN-MT xem xét cho phép thành phố bổ sung đơn vị xử lý rác thải, sở sẽ phối hợp Sở Y tế, Sở KH-CN nhanh chóng khảo sát, đánh giá khả năng đáp ứng xử lý rác thải liên quan dịch Covid-19 của các đơn vị được đề xuất.

Giải pháp mà Sở TN-MT đưa ra rất cần thiết, nhằm đảm bảo chủ động, an toàn và dài hơi trong công tác phòng chống dịch của thành phố. Tuy nhiên, trong khi chờ các cơ quan chức năng thẩm định, cần có sự "tham chiến” của lực lượng vệ sinh môi trường chuyên nghiệp hơn trong khâu hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn từ hộ gia đình, phòng cách ly trước khi đưa xuống khu vực tập trung và nhà máy xử lý. Ông Huỳnh Minh Nhựt cũng nhấn mạnh, nếu thực hiện tốt khâu này, với công suất xử lý hiện tại của TPHCM, đủ xử lý hết số lượng rác thải liên quan dịch Covid-19.

Phân tích từ các chuyên gia môi trường cũng chỉ rõ, dựa vào thực tế việc thu gom rác thải từ khu vực cách ly, hộ gia đình đến điểm tập trung của nhân viên y tế, dân quân, tình nguyện viên, dân phòng… là đáng quan ngại. Lực lượng này đóng góp rất lớn trong công tác hậu cần, hỗ trợ giảm áp lực cho lực lượng tuyến đầu chống dịch nhưng họ không có chuyên môn, kỹ năng phân loại và thu gom rác thải. Trong khi đó, đây lại là rác thải nguy hại, có khả năng chứa mầm bệnh. Với cách thu gom "vô tư” như thế, không ngoại trừ khả năng phát tán virus trong quá trình thu gom, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Chưa kể, tình trạng rác thải liên quan đến dịch Covid-19 từ khu vực phong tỏa trong các khu dân cư cũng ngày càng gia tăng.

Do vậy, để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh cũng như khả năng phát tán virus trong không khí, giảm áp lực khâu xử lý do đã được phân loại từ nguồn, cần thiết phải huy động sự vào cuộc của nhân viên vệ sinh môi trường từ các công ty dịch vụ công ích quận huyện. Các đơn vị này còn giúp giảm áp lực quá tải trong khâu vận chuyển rác thải đến các khu vực, nhà máy xử lý. Vấn đề quan trọng là các công ty cần được cơ quan chức năng hỗ trợ chi phí, thanh quyết toán tài chính kịp thời để đầu tư đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cần thiết cho nhân viên tham gia.

Theo Ái Vân/SGGP

Các tin khác

vvxd
qdw
cvxcx
gdfgd

Bắc Ninh: Hơn 160 ha rừng bị thiệt hại do bão số 3

Do ảnh hưởng bão số 3 toàn tỉnh Bắc Ninh có 163,31 ha/555,65ha rừng trồng, chiếm 29,3% diện tích rừng bị thiệt hại, trong đó 23ha bị gẫy, đổ từ 70% đến 90% số cây; diện tích còn lại gẫy đổ 30-50%.

Lào Cai: Lũ quét kinh hoàng khiến 15 người chết, nhiều người mất tích

Sáng nay 10/9, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vùi lấp toàn bộ một thôn có 35 hộ dân, với 128 khẩu, khiến 15 người chết, nhiều người mất tích.

Hà Nội phát lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng với mực nước là 10,5 m.

Vỡ đê sông Lô đoạn qua huyện Sơn Dương, Tuyên Quang

Tối 10/9/2024, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thông tin, đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Hiện nay, công tác vá đê đang được gấp rút triển khai.

Hà Nội ban hành lệnh báo động 1 trên sông Hồng

Sáng 10-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh số 53/L-BCH, báo động I trên sông Hồng.

Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh.