moitruongplus Trong khi người dân tại một số xã ở huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội) ngày ngày sống trong cảnh nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề thì Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức) vẫn nằm “đắp chiếu” nhiều năm qua khiến dư luận và nhân dân bức xúc.
Khối tài sản trăm tỷ nằm "đắp chiếu”
Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức) được TP. Hà Nội phê duyệt từ tháng 8/2013 với công suất 8.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư là 231 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 5.000m2, được kỳ vọng giải quyết vấn đề nước thải cho 5 xã của huyện Hoài Đức gồm: Sơn Đồng, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Đức Giang và thị trấn Trạm Trôi.
Dự án đã được tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công các gói thầu xây lắp từ quý IV/2015 và chủ đầu tư hiện là Ban Quản lý dự án cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố. Tuy nhiên sau nhiều lần phê duyệt điều chỉnh, bổ sung (vào năm 2019, 2020, 2021) dự án này vẫn dang dở và chưa biết ngày nào mới hoàn thiện, đưa vào khai thác.
Toàn cảnh dự án nằm "đắp chiếu” nhiều năm qua
Ghi nhận thực tế, phóng viên thấy rằng, nhiều hạng mục của nhà máy vẫn chưa hoàn thiện, một số thiết bị đã có dấu hiệu rỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Lối vào nhà máy được quây tôn kín mít, cỏ mọc um tùm và không có bất cứ hoạt động thi công nào.
Báo cáo của UBND TP. Hà Nội ngày 16/9/2021 trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố khóa XVI cũng thừa nhận việc dự án chậm tiến độ nhiều lần. Theo báo cáo trên, 3/4 gói thầu xây lắp chính của dự án đã cơ bản hoàn thành. Riêng gói thầu 3 đã hoàn thành 95% khối lượng công việc, phần còn lại do vướng mặt bằng thi công và phải điều chỉnh thiết kế để triển khai.
Cụ thể hơn, dự án còn 120m chiều dài tuyến thu gom chưa triển khai thi công được do vướng vào đất của người dân, không có mặt bằng thi công các hạng mục: tuyến ống thu gom nước thải vào nhà máy và tuyến ống xả nước sau xử lý ra môi trường. Việc này đang chờ Công ty Tây Hà Nội hoàn thiện các công tác giải phóng mặt bằng khu đất để phối hợp triển khai thi công đồng thời các hạng mục trong năm 2021.
UBND TP. Hà Nội cho rằng việc dự án bị chậm tiến độ hoàn thành, nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ dự án, trách nhiệm chính thuộc về công tác quản lý dự án của chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội. Thành phố cũng đặt mục tiêu "hoàn thành toàn bộ dự án và đưa vào vận hành chính thức trong năm 2021”. Tuy nhiên với thực tế đang diễn ra thì có vẻ mục tiêu này đang rất xa vời và khó khả thi.
Báo cáo có "vênh” với thực tế?
Nhằm làm rõ thêm thông tin về tiến độ cũng như khó khăn khi triển khai dự án này tại địa phương, phóng viên báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng.
Tại buổi làm việc, ông Hùng cho biết dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng được khởi công xây dựng từ năm 2015 đến năm 2017. Từ năm 2017 đến nay, cơ bản dự án không triển khai tiếp được dù nhân dân rất mong mỏi. "Quan sát bằng mắt thường cho thấy dự án hiện mới chỉ xong phần khung chứ hệ thống máy móc để vận hành vẫn chưa lắp đặt đầy đủ. Đặc biệt hệ thống đấu nối, thu gom nước thải mới triển khai được khối lượng công việc rất ít. Hiện chủ đầu tư mới xây dựng xong trục thu gom nước thải chính chạy dọc từ thị trấn Trạm Trôi về gần đến nhà máy. Thế nhưng hệ thống thu gom, đấu nối nước thải từ các khu vực dân cư vào hệ thống chính thì vẫn chưa thấy xây dựng” - ông Hùng chia sẻ.
Chính vì chưa xây dựng được hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư nên hiện nay, nước thải sinh hoạt của người dân ở một số xã như Sơn Đồng, Yên Sở, Đắc Sở… vẫn xả thải trực tiếp vào kênh tiêu nội đồng dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn tới quá trình canh tác nông nghiệp.
Không chỉ vậy, dự án này được cho là đang vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, không có mặt bằng thi công nhưng Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng khẳng định: "Tôi không rõ dự án vướng giải phóng mặt bằng ở đâu chứ trên địa bàn xã tôi thì không có chuyện đó. Khu vực xây dựng nhà máy vốn là đất nông nghiệp nên người dân rất chấp hành. Tôi dám khẳng định dự án không vướng giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã Sơn Đồng”.
Dưới góc độ là người quản lý địa phương có dự án, vị chủ tịch xã này cho biết thêm: "Đối với các kết cấu, hạng mục, hệ thống thu gom, đấu nối nước thải... tôi thấy vẫn thiếu nhiều lắm. Nếu với tiến độ triển khai dự án ì ạch như mấy năm vừa qua, tôi cũng không rõ bao giờ dự án này mới có thể đi vào hoạt động. Trong khi đó, nhân dân quanh khu vực thật sự rất mong mỏi vì phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm nặng nề suốt bao nhiêu năm qua”.
Như vậy có thể thấy, Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng rất được nhân dân kỳ vọng nhưng năng lực quản lý của chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu đã khiến dự án chậm tiến độ, gây lãng phí, thiệt hại tiền ngân sách Nhà nước.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm có những giải pháp giải quyết dứt điểm những vướng mắc để đưa dự án sớm đi vào hoạt động.
Do ảnh hưởng bão số 3 toàn tỉnh Bắc Ninh có 163,31 ha/555,65ha rừng trồng, chiếm 29,3% diện tích rừng bị thiệt hại, trong đó 23ha bị gẫy, đổ từ 70% đến 90% số cây; diện tích còn lại gẫy đổ 30-50%.
Sáng nay 10/9, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vùi lấp toàn bộ một thôn có 35 hộ dân, với 128 khẩu, khiến 15 người chết, nhiều người mất tích.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng với mực nước là 10,5 m.
Tối 10/9/2024, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thông tin, đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Hiện nay, công tác vá đê đang được gấp rút triển khai.
Sáng 10-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh số 53/L-BCH, báo động I trên sông Hồng.
Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh.