moitruongplus Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký công điện ngày 2/7 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Ảnh minh hoạ
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ chiều tối ngày 2 đến ngày 4/7, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40 - 80 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa trên 80 mm; thượng lưu sông Đà, Thao, Lô khả năng xuất hiện một đợt nước lên. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hiện nay đã là thời kỳ cao điểm mưa lũ ở Bắc Bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với mưa lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, tập trung một số nhiệm vụ sau:
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân: chỉ đạo cơ quan truyền thông ở địa phương tăng cường truyền thông, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời người và phương tiện, tài sản ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Các tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Các địa phương phối hợp với cơ quan có liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo quy định, hạn chế tối đa thiệt hại; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống; chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó mưa lũ theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp với địa phương chỉ đạo vận hành hiệu quả, bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo phối hợp với địa phương chỉ đạo bảo đảm an toàn giao thông, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo quy định.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Do ảnh hưởng bão số 3 toàn tỉnh Bắc Ninh có 163,31 ha/555,65ha rừng trồng, chiếm 29,3% diện tích rừng bị thiệt hại, trong đó 23ha bị gẫy, đổ từ 70% đến 90% số cây; diện tích còn lại gẫy đổ 30-50%.
Sáng nay 10/9, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vùi lấp toàn bộ một thôn có 35 hộ dân, với 128 khẩu, khiến 15 người chết, nhiều người mất tích.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng với mực nước là 10,5 m.
Tối 10/9/2024, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thông tin, đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Hiện nay, công tác vá đê đang được gấp rút triển khai.
Sáng 10-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh số 53/L-BCH, báo động I trên sông Hồng.
Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh.