moitruongplus Trái đất có thể bị "nấu chín" nếu thiết bị điều hòa vẫn sử dụng công nghệ làm mát cũ, trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng tăng.

Dù mới bước sang mùa hè nhưng nhiều nơi ở châu Á đã phải trải qua những đợt nắng nóng khủng khiếp. Thời tiết nắng nóng cực đoan khiến các chuyên gia quốc tế mới đây đã cảnh báo về tình trạng sóng nhiệt ghi nhận ở nhiều nơi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Ấn Độ, Bangladesh, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam... Nhiều nơi ở châu Á ghi nhận nhiệt độ "phá vỡ kỷ lục mọi thời đại” hay "xô đổ mọi kỷ lục nắng nóng”.

Do nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ ở châu Á tăng vọt. Nhu cầu về máy điều nhiệt độ, hay còn gọi là máy điều hòa không khí (AC), đang tăng cao ở những thị trường mà cả thu nhập của người dân và nhiệt độ không khí đều tăng, đồng thời cũng là các khu vực đông dân cư như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Philippines… 

Theo dự báo của cơ quan năng lượng quốc tế IEA, thế giới năm 2023 có hơn hai tỷ điều hòa không khí, tăng lên ba tỷ vào 2030 và hơn bốn tỷ trong 2040. Sự phổ biến của máy điều hòa được đánh giá giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng năng lượng để phục vụ cho loại thiết bị này, cùng các chất làm mát trong công nghệ điều hòa hiện tại lại gây hại nhiều hơn cho khí hậu.

"Nếu các tiêu chuẩn về hiệu quả không được cải thiện, hành tinh này sẽ bị nấu chín theo đúng nghĩa đen", Abhas Jha, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới về biến đổi khí hậu tại Singapore, nhận định.


Máy làm mát và điều hòa không khí được bán tại một khu chợ ở Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Nhu cầu làm mát ngày càng tăng

Theo Bloomberg, một số khu vực nghèo nhất thế giới cũng là những nơi nóng nhất. Nhưng tại đó, thu nhập của người dân đang tăng lên và máy điều hòa trở thành mặt hàng trong tầm tay của hàng triệu người.

Đây cũng là lý do đằng sau sự bùng nổ về doanh số điều hòa thời gian qua và dự báo kéo dài trong những năm tới. Trang này dẫn lời các chuyên gia kinh tế rằng mức thu nhập hàng năm của mỗi hộ gia đình vào khoảng 10.000 USD có thể là "điểm bùng phát" cho nhu cầu về máy điều hòa. Một số nước như Indonesia, Philippines đã vượt qua ngưỡng này trong vài năm. Tại Ấn Độ, nơi 80% dân số chưa sử dụng điều hòa nhiệt độ, con số cũng có thể đạt 9.000 USD trong năm nay.

Kanwaljeet Jawa, đứng đầu chi nhánh Ấn Độ của hãng điều hòa Daikin, cho biết doanh số bán hàng của chi nhánh đã tăng hơn 15 lần vài năm qua. Những nước như Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán là thị trường lớn nhất của thiết bị điện tử này trong tương lai gần.

Theo giới phân tích, ở nơi có khí hậu nóng, người dân thường có giấc ngủ kém hơn, khả năng nhận thức bị suy giảm, kéo theo giảm năng suất lao động. Trong bối cảnh đó, việc trang bị máy điều hòa là vấn đề sống còn. Trong một nghiên cứu được thực hiện tại hàng nghìn nhà máy ở Ấn Độ, khi điều hòa tăng lên một độ C, năng suất giảm 2%.

Tuy nhiên, máy điều hòa nhiệt độ lại là một tác nhân khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên và dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão hay nắng nóng kỷ lục. Trước hết, để vận hành máy điều hòa, phải cần có một lượng lớn năng lượng điện. Điều này gây áp lực rất lớn lên ngành điện. Đối với những nơi sử dụng nguồn điện từ các nhà máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch như than hoặc khí đốt thì đây là cả một vấn đề lớn. Những nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch này thải ra một lượng lớn khí thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khi thải gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide (CO2).

Máy điều hòa nhiệt độ hiện nay làm mát không khí dựa trên nguyên lý hoạt động khiến khí gas của điều hòa bị nén lại rất nóng. Gas nóng này khi đi qua cục nóng để làm mát sau đó được giảm áp. Như vậy trong suốt quá trình làm mát, máy điều hòa nhiệt độ tỏa rất nhiều nhiệt nóng ra môi trường xung quanh, góp phần làm nhiệt độ bên ngoài vốn đã nóng lại càng nóng hơn.

Ngoài ra, một trong những chất làm mát phổ biến hiện nay là hydrofluorocarbons (HFC), có khả năng làm ấm Trái đất lên gấp 1.000 lần so với carbon dioxide. Các nhà nghiên cứu ước tính nếu không giảm sự phụ thuộc vào HFC có thể dẫn đến sự nóng lên nửa độ C vào cuối thế kỷ, từ đó gây ra hàng loạt hệ lụy như những cơn bão, hạn hán và nhiều đợt nắng nóng hơn.

Các cơ quan khí hậu quốc tế đang gây áp lực buộc các nước đang phát triển phải giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên phản hồi về vấn đề này, Ấn Độ cho rằng việc sử dụng điều hòa của họ vẫn ít ảnh hưởng hơn những quốc gia như Mỹ, nơi cứ 10 người thì có 9 người được tiếp cận với điều hòa không khí.

"Chúng ta đang đối mặt với một tình huống mà các điều kiện cực kỳ khắc nghiệt áp đặt lên các nền kinh tế đang phát triển", José Guillermo Cedeño Laurent, phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Rutgers ở New Jersey, nói.

Tìm kiếm chất làm mát thân thiện với môi trường

Sự gia tăng máy điều hòa sử dụng HFC có thể gây hệ quả xoay vòng, khi thiết bị làm mát sẽ khiến trái đất nóng lên. Bên cạnh đó, ở các quốc gia có nhu cầu đang tăng nhanh vẫn phụ thuộc vào năng lượng cũ như nhiệt điện, và phần lớn người dùng chỉ có thể mua thiết bị giá rẻ nhất và kém hiệu quả về năng lượng.

Năm 2016, hơn 170 quốc gia đã thỏa thuận bắt đầu loại bỏ dần HFC từ 2019. Thay thế HFC hiện nay có các chất làm mát ít gây hại cho môi trường được sản xuất bởi Chemours và Honeywell. Daikin và Mitsubishi cũng đang nghiên cứu các sản phẩm mới của riêng mình.

"Nếu không có chất làm lạnh xanh, bạn sẽ là người thua cuộc" Jawa, Giám đốc điều hành của Daikin Ấn Độ, nói.

Hiện nay, trên thị trường đã có các chất làm mát ít gây hại cho môi trường hơn so với HFC, do một số công ty lớn như Chemours và Honeywell sản xuất. Daikin và Mitsubishi cũng đã và đang nghiên cứu sản phẩm của riêng mình nhưng chưa được như mong muốn. Trong đó, chất R-32 của Daikin chỉ giảm được khoảng 1/3 khả năng gây nóng lên toàn cầu so với các chất làm lạnh thông thường và nó vẫn gây ô nhiễm, đồng thời cũng dễ cháy hơn dù rẻ hơn một số chất làm mát khác.

Hiện các hãng chế tạo chất làm mát trên thế giới vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các chất làm lạnh "xanh” hơn, thân thiện với môi trường hơn. Việc giảm sản xuất và sử dụng các loại khí lạnh làm khí hậu nóng lên HFC có thể giúp giảm nhiệt độ toàn cầu được khoảng 0,5 độ C. Tuy nhiên, đến nay các chất lựa chọn thay thế HFC vẫn còn khá đắt đỏ.

Dù vậy, thế giới vẫn phải nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm chất làm mát thân thiện với môi trường, đồng thời tăng hiệu suất làm của máy điều hòa nhiệt độ.

Liên hợp quốc hồi năm 2022 từng kêu gọi tất cả các nước chuyển sang sử dụng máy điều hòa tiết kiệm năng lượng và thân thiện với khí hậu trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo Báo cáo tổng hợp chính sách về phát thải từ thiết bị làm mát không khí của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hành động phối hợp quốc tế này sẽ giúp cắt giảm 460 tỷ tấn khí nhà kính trên toàn thế giới trong 40 năm, tức là 8 năm phát thải dựa trên mức năm 2018.

IEA cũng ước tính, việc tăng gấp đôi hiệu suất năng lượng của điều hòa không khí vào năm 2050 sẽ giúp giảm 1.300 gigawatt công suất phát điện, tương đương với tất cả công suất phát điện đốt than ở Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2018. Trên toàn thế giới, tăng gấp đôi hiệu quả năng lượng của máy điều hòa không khí có thể tiết kiệm tới 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2050 trong việc giảm chi phí sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Tuy nhiên, thách thức tại thị trường điều hòa mới nổi là làm sao triển khai công nghệ sạch hơn trước khi hàng triệu người tiêu dùng mua những chiếc điều hòa công nghệ cũ. Người dùng tại đó không quan tâm đến những thỏa thuận quốc tế. Điều họ cần là một chiếc điều hòa.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

vvxd
qdw
cvxcx
gdfgd

Bắc Ninh: Hơn 160 ha rừng bị thiệt hại do bão số 3

Do ảnh hưởng bão số 3 toàn tỉnh Bắc Ninh có 163,31 ha/555,65ha rừng trồng, chiếm 29,3% diện tích rừng bị thiệt hại, trong đó 23ha bị gẫy, đổ từ 70% đến 90% số cây; diện tích còn lại gẫy đổ 30-50%.

Lào Cai: Lũ quét kinh hoàng khiến 15 người chết, nhiều người mất tích

Sáng nay 10/9, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vùi lấp toàn bộ một thôn có 35 hộ dân, với 128 khẩu, khiến 15 người chết, nhiều người mất tích.

Hà Nội phát lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng với mực nước là 10,5 m.

Vỡ đê sông Lô đoạn qua huyện Sơn Dương, Tuyên Quang

Tối 10/9/2024, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thông tin, đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Hiện nay, công tác vá đê đang được gấp rút triển khai.

Hà Nội ban hành lệnh báo động 1 trên sông Hồng

Sáng 10-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh số 53/L-BCH, báo động I trên sông Hồng.

Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh.