moitruongplus Thống đốc vùng Emilia-Romagna, miền Bắc Italy, cho biết, lũ lụt đã giết chết ít nhất 13 người ở vùng này, gây thiệt hại hàng tỷ Euro và ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp.
Theo thông báo chiều 18/5 của Bộ Bảo vệ Dân sự Italy, phần lớn vùng Emilia-Romagna vẫn là khu vực "báo động đỏ”, với một phần của nhiều khu vực khác - từ Lombardy ở miền Bắc đến Basilicata ở miền Nam - nằm trong khu vực cảnh báo "màu cam" hoặc "màu vàng" (hai cấp độ khẩn cấp thấp hơn). Có 280 vụ lở đất được ghi nhận, 23 con sông nước tràn bờ, 400 con đường bị hư hỏng hoặc phá hủy và 42 thành phố bị ngập lụt.
Theo Hiệp hội Nông nghiệp Coldiretti, hơn 5.000 trang trại bị ngập nước trong khu vực, bao gồm "Thung lũng trái cây", cũng như các cánh đồng ngô và ngũ cốc.
"Chúng tôi ước tính, thiệt hại lên tới gần 1 tỷ Euro (do những trận lũ lụt trước đó), vì vậy hãy tưởng tượng con số này sẽ tăng lên bao nhiêu" với thảm họa mới này, Thống đốc Bonaccini nói và nhận định, còn quá sớm để đưa ra con số thiệt hại chính xác.
Cảnh ngập lụt do mưa lớn kéo dài tại Cesena, Italy ngày 18/5/2023. Ảnh: AFP
Theo truyền thông địa phương, hơn 10.000 người trong khu vực đã phải rời bỏ nhà cửa và hàng chục nghìn người không có điện. Trong một tuyên bố, công ty điện lực Enel cho biết khoảng 700 kỹ thuật viên đã được cử đến vùng này để giúp khôi phục nguồn điện.
Cùng ngày, ông Stefano Bonaccini, Chủ tịch vùng Emilia-Romagna, ước tính thiệt hại của vùng này lên tới "vài tỷ euro". Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường và An ninh năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin cho biết chính phủ nước này sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) cấp quyền tiếp cận Quỹ Đoàn kết Liên minh châu Âu để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ và tái thiết trong vùng.
Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cũng triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp vào ngày 23/5 tới và dự kiến sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở vùng Emilia-Romagna để cho phép chính phủ sử dụng các khoản ngân sách và trao thêm thẩm quyền cho các quan chức địa phương trong việc thực hiện biện pháp khẩn cấp.
Chính phủ Italy cam kết sẽ viện trợ khẩn cấp thêm 20 triệu Euro (22 triệu USD), ngoài khoản 10 triệu Euro được phân bổ để ứng phó với trận lũ lụt vào hai tuần trước đó, khiến ít nhất hai người thiệt mạng.
Nhà sản xuất xe thể thao hạng sang Ferrari có trụ sở tại vùng Emilia-Romagna đã công bố khoản quyên góp trị giá 1 triệu Euro.
Lũ lụt là sự kiện mới nhất trong một loạt các thảm họa thời tiết khắc nghiệt đã tàn phá Italy trong năm qua.
Đây là lần thứ 2 trong tháng này vùng Emilia-Romagna hứng chịu thiên tai. Hồi đầu tháng, mưa bão tại đây cũng đã cướp đi sinh mạng của 2 người. Các nhà khí tượng học cho biết đất đai khô cằn sau nhiều tháng hạn hán đã làm giảm khả năng hấp thụ nước, qua đó khiến tình trạng lũ lụt trầm trọng hơn.
Khu vực miền Bắc và miền Trung Italy, bao gồm các thành phố Bologna và Modena, đã hứng chịu các trận mưa lớn trong hai ngày 16-17/5, gây ra lũ quét và lở đất. Lực lượng cứu hộ đã giúp sơ tán người dân khỏi các mái nhà và tầng trên của những tòa nhà cao hơn.
Do ảnh hưởng bão số 3 toàn tỉnh Bắc Ninh có 163,31 ha/555,65ha rừng trồng, chiếm 29,3% diện tích rừng bị thiệt hại, trong đó 23ha bị gẫy, đổ từ 70% đến 90% số cây; diện tích còn lại gẫy đổ 30-50%.
Sáng nay 10/9, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vùi lấp toàn bộ một thôn có 35 hộ dân, với 128 khẩu, khiến 15 người chết, nhiều người mất tích.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng với mực nước là 10,5 m.
Tối 10/9/2024, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thông tin, đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Hiện nay, công tác vá đê đang được gấp rút triển khai.
Sáng 10-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh số 53/L-BCH, báo động I trên sông Hồng.
Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh.