moitruongplus Vi phạm về môi trường, đất đai, bị xử phạt cả trăm triệu đồng nhưng một công ty sản xuất bột cao lanh tại phường Khánh Bình, TP Tân Uyên nhiều năm qua vẫn không khắc phục hậu quả.
Nhiều vi phạm về môi trường, đất đai
Doanh nghiệp tư nhân Nhựt Nam được thành lập vào tháng 07/2008, có địa chỉ tại khu phố Khánh Lộc, phường Khánh Bình, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Công ty chuyên sản xuất bột cao lanh, người đại diện pháp luật công ty lúc này là bà Mai Thị Bé, Sn 1954, ngụ tỉnh Bình Dương.
Năm 2017 công ty chuyển đổi loại hình từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty TNHH một thành viên với tên gọi Công ty TNHH sản xuất bột cao lanh Nhựt Nam (gọi tắt Công ty Nhựt Nam-PV) do bà Mai Thị Bé làm đại diện pháp luật.
Doanh nghiệp tư nhân Nhựt Nam được thành lập vào tháng 07/2008, có địa chỉ tại khu phố Khánh Lộc, phường Khánh Bình, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Vào tháng 7/2023, Công ty Nhựt Nam chuyển đổi người đại diện pháp luật từ bà Mai Thị Bé sang ông Nguyễn Tường Duy (SN 1998, ngụ phường Khánh Bình, TP Tân Uyên, Bình Dương).
Ngày 19/03/2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND thị xã Tân Uyên (nay là thành phố Tân Uyên) có biên bản kiểm tra số 01/BB-PTNMT về thi hành pháp luật bảo vệ môi trường- đất đai đối với công ty Nhựt Nam.
Theo đó, về hồ sơ pháp lý, công ty Nhựt Nam có giấy chứng nhận đăng ký DN số 3700943485 đăng ký lần đầu ngày 04/7/2008; đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 23/6/2017 do Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp cho công ty TNHH sản xuất bột cao lanh Nhựt Nam (chuyển đổi từ DNTN Nhựt Nam lên Công ty TNHH Sản xuất bột cao lanh Nhựt Nam).
Về đất đai, có giấy thoả thuận cho thuê mặt bằng ngày 15/4/2017 giữa bà Châu Thị Thanh Long và bà Mai Thị Bé với diện tích thuê là 13.388m2 (thuộc thửa đất số 9, tờ bản đồ số 39 phường Khánh Bình, loại đất CLN -đất trồng cây lâu năm).
Thửa đất số 9, tờ bản đồ số 39 phường Khánh Bình, loại đất đất trồng cây lâu năm với diện tích hơn 1,3 ha được bà Mai Thị Bé thuê lại của bà Châu Thị Long rồi xây dựng nhà xưởng không phép trên đất nông nghiệp.
Giấy thoả thuận cho thuê mặt bằng ngày 9/11/2018 giữa bà Châu Thị Thanh Long và bà Mai Thị Bé với diện tích thuê 12.551m2 (thuộc thửa đất 590, tờ bản đồ số 39 phường Khánh Bình, loại đất CLN -đất trồng cây lâu năm).
Công ty Nhựt Nam có công suất sản xuất khoảng 400 tấn sản phẩm bột cao lanh/tháng. Công ty hiện bố trí 20 phòng trọ cho công nhân (nhà tạm, vách tôn, lợp mái) với tổng số khoảng 70 người.
Trong quá trình hoạt động của công ty, có phát sinh các nguồn ô nhiễm và có biện pháp khắc phục như sau:
Chất thải rắn sinh hoạt được công ty thu gom và đốt tiêu huỷ trong khuôn viên công ty. Chất thải rắn sản xuất (bao bì) được công ty thu gom và bán phế liệu.
Tương tự, thửa đất 590 tờ 39 phường Khánh Bình thuộc đất nông nghiệp, diện tích hơn 1,2 ha được bà Bé thuê của bà Châu Thị Long để làm sân phơi bột cao lanh sai mục đích sử dụng.
Bụi phát sinh từ công đoạn xay cho phát tán tự nhiên. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn ghi nhận phía trước khuôn viên công ty, công ty có bố trí bãi phơi đất giáp đường ĐH418.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn ghi nhận có bụi phát sinh từ quá trình vận chuyển đất ra vào công ty. Mặc dù hoạt động đã nhiều năm nay nhưng Công ty Nhựt Nam chưa lập hồ sơ môi trường đối với dự án đang hoạt động theo quy định.
Bị xử phạt cả trăm triệu đồng nhưng không khắc phục hậu quả
Căn cứ biên bản vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và xét đề nghị của trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, ngày 26/03/2019, ông Đoàn Hồng Tươi- Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên (nay là TP Tân Uyên-PV) đã ban hành QĐ xử phạt số 850/QĐ-XPVPHC đối với Cty Nhựt Nam.
Theo đó, công ty Nhựt Nam đã thực hiện hành vi VPHC: Không có bản Kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định. Vi phạm Điểm d Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.
Bị xử phạt về môi trường nhưng đã 5 năm trôi qua, Công ty Nhựt Nam không khắc phục hậu quả trong sự "im lặng" khó hiểu của cơ quan chức năng TP Tân Uyên?
Công ty Nhựt Nam bị áp dụng các hình thức xử phạt sau: Hình thức xử phạt chính – phạt tiền với mức phạt là 70 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động đối với công ty Nhựt Nam trong thời gian 09 tháng.
Quyết định xử phạt do ông Đoàn Hồng Tươi- chủ tịch UBND TP Tân Uyên ban hành là vậy nhưng công ty Nhựt Nam chỉ chấp hành… nửa vời. Đó là công ty này chỉ đóng tiền xử phạt, còn hình thức xử phạt bổ sung là "đình chỉ hoạt động trong thời gian 09 tháng” đã không được thực hiện. Đồng nghĩa với đó là các vấn đề về bảo vệ môi trường, giấy phép môi trường vẫn không được xử lý, bổ sung.
Trao đổi với chúng tôi, bà Mai Thị Bé – chủ doanh nghiệp Nhựt Nam xác nhận: Sau khi bị xử phạt, chúng tôi đã đóng tiền xử phạt. Tuy nhiên nhà máy sản xuất bột cao lanh vẫn hoạt động bình thường từ đó đến nay chứ không đình chỉ. Nhiều năm rồi vẫn không thấy ai có ý kiến gì (?!).
Nhà xưởng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, bị xử phạt về đất đai nhưng đến nay cũng không khắc phục hậu quả.
Ngoài vấn đề xử phạt về môi trường, ngày 26/003/2019, ông Đoàn Hồng Tươi – Chủ tịch UBND TX Tân Uyên (nay là TP Tân Uyên) cũng ban hành QĐ số 849/QĐ-XPVPHC về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai đối với công ty Nhựt Nam.
Theo đó, công ty Nhựt Nam đã thực hiện hành vi VPHC: Thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hành vi của công ty Nhựt Nam đã vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ. Địa điểm vi phạm: Tại thửa đất số 9 và 590 tờ bản đồ số 39 tại phường Khánh Bình với diện tích hơn 2,5 ha.
Công ty Nhựt Nam có công suất sản xuất khoảng 400 tấn sản phẩm bột cao lanh/tháng.
Công ty Nhựt Nam bị áp dụng hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 30 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi bị xử phạt, công ty này cũng chỉ đóng tiền xử phạt mà không có các bước như xin phép các cơ quan chức năng để được chấp thuận cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hai thửa đất nông nghiệp với diện tích hơn 2,5 ha do bà Mai Thị Bé thuê lại của bà Châu Thị Long (SN 1973, ngụ khu phố Khánh Hoà, phường Tân Phước Khánh) vẫn bị sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, theo hợp đồng thuê đất, mỗi năm chủ đất thu về số tiền cả tỉ đồng, nhưng vấn đề thuế phí đóng cho nhà nước vẫn chưa được làm rõ?
Để làm rõ các vấn đề sai phạm về môi trường, đất đai tại Công ty TNHH sản xuất bột cao lanh Nhựt Nam, chúng tôi đã đã trực tiếp liên hệ làm việc cũng như gửi công văn cho UBND TP Tân Uyên, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm (?!).
Các vi phạm về môi trường, đất đai của Công ty Nhựt Nam cần được UBND TP Tân Uyên xử lý dứt điểm chứ không chỉ xử phạt rồi để đó. Trong ảnh: Công nhân lao động trong môi trường bụi bặm nhưng không bảo hộ.
Mới đây, trả lời PV về các vấn đề sai phạm tại Công ty TNHH sản xuất bột cao lanh Nhựt Nam, ông Nguyễn Tấn Lập – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Tân Uyên cho biết: Sau khi nhận được công văn chúng tôi đã trình thành lập đoàn kiểm tra và đi kiểm tra rồi. Hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Trong 2 tháng qua, hàng nghìn người dân ở xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn luôn bị "tra tấn” bởi mùi hôi thối phát tán từ trại nuôi lợn của Công ty Cổ phần chăn nuôi Rutech.