moitruongplus Do không nộp thêm tiền tháng 13 và không "bồi dưỡng” thêm tiền Tết nên đơn vị thu gom rác thuộc Hợp tác xã môi trường Liên Hiệp tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) nghĩ đủ cách để "hành” người dân.

"Hành” dân vì không đóng tiền tháng 13

Trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn TP.Thủ Đức phản ánh về việc "lộng hành” của các đơn vị thu gom rác trong việc thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ dân.

Đơn cử như trường hợp của gia đình ông V.V.D, hiện đang sinh sống tại căn nhà STT43, hẻm 156, đường 47, phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Do không "nộp thêm” tiền tháng 13 và không gửi tiền "bồi dưỡng” cho đơn vị thu gom rác nên đơn vị thu gom không lấy rác thải sinh hoạt của gia đình nữa.


Do không đóng thêm tiền tháng13 nên rác thải sinh hoạt của gia đình ông D., bị "ngâm” nhiều ngày.

Cụ thể, ông D., cho biết, đầu tháng 2/2024 (thời điểm cận Tết Nguyên đán), ông Nguyễn Văn Tý, đại diện đơn vị thu gom rác trên đường 47, phường Hiệp Bình Chánh đến nhà để thu tiền rác như thường lệ. Thế nhưng, thay vì thu 50 nghìn đồng/tháng như mọi khi thì ông Tý lại thông báo số tiền mà gia đình phải đóng là 150 nghìn đồng/hộ gia đình, không giải thích gì thêm.

Thấy ngạc nhiên nên gia đình ông D., mới hỏi lại, lúc này ông Tý mới giải thích, tiền rác tháng 1 và tháng 2 là 100 nghìn đồng, cộng thêm 50 nghìn đồng tiền tháng 13 và "bồi dưỡng” thêm tiền Tết cho anh em.

Dù số tiền phải chi thêm tháng 13 là không lớn nhưng do không đồng tình với thái độ và cách nói chuyện của ông Tý, gia đình ông D., chỉ đóng tiền tháng 1 và tháng 2 như bình thường. Không nộp tiền "tháng 13” theo yêu cầu, ông Tý vẫn nhận và không đưa phiếu thu hay bất kỳ giấy tờ gì để xác nhận việc người dân đã đóng tiền.

Những ngày sau đó, rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình ông D., bị đơn vị thu gom "ngâm” khoảng 3-4 ngày mới lấy một lần. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 2/2024 và bước sang tháng 3, đơn vị thu gom rác này không thu tiền và không lấy rác nhà ông D., nữa. Chỉ những gia đình nào nộp thêm tiền tháng 13 thì mới được lấy rác, 2 ngày lấy 1 lần.

Rất bức xúc về sự việc trên, ông D., đã liên lạc và thông báo sự việc với ông Huỳnh Thanh Bình, Phó giám đốc Hợp tác xã môi trường Liên Hiệp (đơn vị quản lý đường dây thu gom rác tại phường Hiệp Bình Chánh), nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết.

Hơn một tuần trôi qua, đống rác thải sinh hoạt của gia đình vẫn chưa được lấy, trong khi đó, đơn vị thu gom rác vẫn đi lấy của các gia đình lân cận,  ông D., đã gửi phản ánh đến UBND TP.Thủ Đức, UBND phường Hiệp Bình Chánh, nhưng sự việc vẫn luôn trong tình trạng "đang xử lý”.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Tý và đơn vị thu gom rác trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức "vòi” tiền của người dân. Thậm chí đã có chỉ đạo của chính quyền địa phương và đại diện đơn vị quản lý, nhưng ông Tý vẫn tái phạm, không thay đổi.

Cụ thể, tại biên bản làm việc ngày 11/4/2023 giữa ông Giảng Phan Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (đại diện chính quyền địa phương); ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Giám đốc Hợp tác xã môi trường Liên Hiệp (đại diện đơn vị quản lý); ông Nguyễn Văn Tý, đại diện đơn vị thu gom rác; và các hộ dân tại hẻm 156 có ý kiến về việc thu thêm tiền tháng 13.


Biên bản làm việc giữa UBND phường Hiệp Bình Chánh và các hộ dân bị đơn vị thu gom rác "hành” từ năm 2023. Đến nay tình trạng vẫn tiếp diễn.

Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Văn Tý thừa nhận về việc đòi thu thêm tiền tháng 13 của các hộ dân và có nói nếu không đóng thì không thu rác.

Sau đó, ông Huỳnh Thanh Bình, đại diện cho Hợp tác xã môi trường Liên Hiệp đã xin lỗi các hộ dân và cho biết, không có quy định nào về việc người dân phải đóng thêm tiền tháng 13 cho đơn vị thu gom rác. Việc ông Tý tự ý thu thêm tiền tháng 13 của người dân là sai. Hợp tác xã sẽ chấn chỉnh anh em làm tốt hơn. Việc thu tiền hàng tháng của nhân viên cũng sẽ có phiếu thu cho người dân.

Đại diện cho chính quyền địa phương, ông Giảng Phan Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND Phường Hiệp Bình Chánh cũng ghi nhận lời xin lỗi của đại diện Hợp tác xã Liên Hiệp. Đồng thời đề nghị đường dây rác thu gom trở lại đối với các hộ dân; Đề nghị hợp tác xã Liên Hiệp thu gom rác đúng thời gian theo quy định là 1 ngày 1 lần. Không để tình trạng "ngâm” rác của người dân 2-3 ngày mới lấy 1 lần nữa.

Thế nhưng, thực tế hoàn toàn trái ngược với những lời cam kết trong buổi làm việc. Ông Nguyễn Văn Tý và đơn vị thu gom rác tại đường 47, phường Hiệp Bình Chánh vẫn "ngựa quen đường cũ”. Thu tiền không xuất phiếu thu hay giấy tờ xác nhận, "vòi” thêm tiền tháng 13 và thường xuyên "ngâm” rác của các hộ dân 2-3 ngày mới lấy. Riêng gia đình nào không đóng tiền tháng 13 thì sẽ không lấy rác nữa.

Chuyện chẳng của riêng ai

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, các đơn vị thu gom rác trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức thường xuyên tập kết và xử lý rác thải ngay trên tuyến đường song hành Kha Vạn Cân (đoạn đối diện chùa Ưu Đàm) mà không hề thấy có sự quản lý của chính quyền địa phương.

Trong khi đó, điểm tập kết và xử lý rác luôn được xem là vấn đề nóng. Bởi rác là nguồn vật chất chính dẫn đến nhiều hệ lụy, gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe của mọi người. Đặc biệt là tại các khu đô thị, tập trung đông dân cư.




Tuyến đường song hành Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh thường xuyên là nơi tập kết, xử lý rác thải "lý tưởng” của các đơn vị thu gom rác.

Chung cảnh ngộ, anh T., hiện đang sinh sống tại đường số 4, phường Tam Phú, TP.Thủ Đức phản ánh, gia đình anh cũng bị đơn vị thu gom rác "hành” bằng việc không lấy rác.

"Tình trạng này diễn ra nhiều lần, sau khi tôi có phản ánh và UBND phường chấn chỉnh thì mấy ngày đầu có lấy rác mỗi ngày. Thế nhưng sau đó lại đâu vào đấy, cứ 2-3 ngày, thậm chí có lần đống rác còn để đến ngày thứ 6 vẫn chưa lấy. Chỉ mong sao chính quyền giải quyết triệt để để người dân yên tâm sinh sống, làm việc”, anh T., chia sẻ.

Hay như trường hợp của gia đình có địa chỉ tại hẻm 37, đường số 2, phường Cát Lái, TP.Thủ Đức. Rác tại hẻm 37 nhiều lần bị đơn vị thu gom rác "ngâm” đến ngày thứ 8 nhưng vẫn chưa chịu lấy. Trong khi đó tiền thì vẫn thu đều nhưng tình trạng này diễn ra thường xuyên, người dân đã phản ánh nhiều lần mà phường vẫn không xử lý./.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

ggfd
fdgfd
fgfdf
êferg

Dùng tro xỉ san lấp Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2213/BTNMT-MT gửi Công ty Cổ phần VSIP Cần Thơ về việc bổ sung vật liệu san lấp Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1).

Thái Bình: Người dân lo lắng sau sự cố rò rỉ khí amoniac tại Công ty Toan Vân

Sự cố rò rỉ khí amoniac từ Công ty Toan Vân ở xã Vũ Lạc (TP Thái Bình) ra môi trường vào ngày 17/4, không chỉ khiến một diện tích lớn lúa bị ảnh hưởng, người dân địa phương đang rất bất an khi hệ luỵ về môi trường sẽ tác động xấu đến sức khỏe sau này.

Thanh Hóa: Lo ngại ô nhiễm người dân dựng lều phản đối xây dựng bãi tập kết rác

Ngày 22/4, người dân tại thôn 1, thôn 3, thôn 5 thuộc xã Bình Hoà và thôn Vinh của xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Thuỷ) dựng lán trại, phản đối việc xây dựng bãi tập kết và xử lý rác thải.

Ra mắt Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh

"Trái tim người lính Việt Nam” phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ VN và CLB "Mãi mãi tuổi 20” tổ chức giới thiệu tác phẩm "Phượng” và Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các Văn nghệ sĩ, Trí thức đã hi sinh.

Thanh Trì: Nguy cơ tai nạn giao thông do mất nắp hố ga

Tình trạng hố ga, miệng cống thiếu nắp, mất nắp tại tuyến đường Đại Thanh tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân lưu thông trên đường. Điều đáng nói, một số miệng cống, hố ga này không được che đậy, cảnh báo, thậm chí, đã lâu không được thay thế, bổ sung

Lãnh đạo tỉnh Nam Định chỉ đạo kiểm tra nội dung phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam

Ngay sau phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về các bãi tập kết VLXD gây ô nhiễm môi trường ở huyện Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xác minh, kiểm tra.