moitruongplus Được đầu tư hơn 450 tỷ đồng để khôi phục, tái thiết hệ thống đường xá, cầu cống bị hư hỏng nặng sau bão số 9 năm 2020, song đến nay đã hơn 2 năm, các tuyến ĐH1, ĐH2, ĐH5 vào các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc và Phước Công vẫn đang thi công ì ạch,

Dân lo lắng bất an, nhà thầu bất động (?)



Phương tiện, máy móc nhà thầu thi công nằm in trên tuyến ĐH1 (ảnh chụp sáng 24/5).

Từ phản ánh về việc chậm khắc phục, sửa chữa các tuyến ĐH về vùng sâu, vùng xa các xã Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim, Phước Công… ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh của hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, cuối tháng 5/2023, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam có chuyến thực địa về huyện Phước Sơn, ghi nhận thực tế thông tin này là có cơ sở.

Trong 2 ngày 24 và 25/5, sử dụng xe máy di chuyển hầu khắp các tuyến này, phóng viên ghi nhận các nhà thầu đa phần "án binh bất động”, chỉ thi công cầm chừng ở một số đoạn, tuyến trọng yếu mặc dù thời điểm này đang thuận lợi cho việc thi công.


Phương tiện cơ giới nhà thầu thi công tập kết trên tuyến ĐH1 (ảnh chụp sáng 24/5).

Trên tuyến ĐH1 (đoạn từ địa phận xã Phước Chánh đi Phước Kim), phóng viên nhận thấy cung đường này đã được nâng cấp, sửa chữa lại các cầu cống bị hư hỏng do thiên tai, riêng mặt đường vẫn còn nhiều đoạn lồi lõm, khó đi.

Trao đổi nhanh với ông Hoàng Đình Ba, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Phước Kim được biết, tuyến ĐH1 qua địa bàn Phước Kim, các đơn vị thi công đã cơ bản xử lý xong phần cầu cống, đảm bảo lưu thông thông suốt. Chỉ còn đoạn từ Phước Kim đi Phước Thành, vẫn còn nhiều điểm nhà thầu chưa hoàn thành việc thảm nhựa mặt đường, gây khó khăn cho người dân đi lại.


Tuyến đường ĐH1 từ xã Phước Kim qua xã Phước Thành còn nhiều điểm sạt lở, khó đi.

Nơi đây đang triển khai thi công dự án "Khôi phục tái thiết tuyến ĐH1 Phước Kim – Phước Thành” có tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng do liên danh nhà thầu là Công ty TNHH Dịch vụ Xây dựng Minh Khang – Cty TNHH Xây dựng Thái Dương đảm nhận thi công. Có nhiều đoạn đất, đá sạt lở tràn ra mặt đường, đơn vị thi công san gạt tạm để các phương tiện tham gia lưu thông, có điểm chưa thi công bờ kè, nhà thầu đặt biển cảnh báo nguy cơ cao sạt lở. 


Tại tuyến ĐH1, tính đến ngày 10/4/2023,  nhà thầu Cty TNHH Xây dựng Thái Dương thi công chậm, mới chỉ đạt gần 22% giá trị được giao.

Trên đường di chuyển hơn 10km từ xã Phước Kim qua Phước Thành trong sáng 24/5, phóng viên ghi nhận chỉ có 3 xe cơ giới (2 xe múc, 1 xe ủi) đang thi công san ủi mặt đường và ta luy tuyến ĐH1.


Trong sáng 24/5, trên tuyến ĐH1 chỉ có 2 xe múc và 1 xe ủi thi công san gạt mặt đường.

Trên tuyến ĐH2 từ xã Phước Thành qua xã Phước Lộc, phóng viên nhận thấy hầu như đơn vị thi công đều dừng hoạt động, dù máy móc tập trung khá nhiều trên toàn tuyến.

Tuyến này có tổng vốn đầu tư 152 tỷ đồng, do 4 nhà thầu thi công là liên danh Cty TNHH Thành Trí – Cty TNHH MTV Nguyên Khang – Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trung Trung Bộ - Công ty Cổ phần phát triển Quảng Nam. Trong chiều 24/5, phóng viên thấy chỉ có 1 xe tải ben và 1 xe múc thi công nền đường.


Toàn tuyến ĐH2 trong chiều 24/5 chỉ có 1 xe múc và 1 xe ben hoạt động san gạt mặt bằng. 

Trao đổi với phóng viên về những khó khăn, vất vả khi sinh sống ở tuyến này, anh Nguyễn Xuân (1968, trú thôn 4, xã Phước Thành) buồn rầu cho biết, sau bão năm 2020, đường xá hư hỏng, toàn thôn Một Nước (nay là thôn 4, xã Phước Thành) với 29 nóc nhà gặp rất nhiều khó khăn. "Bà con ở đây đa phần là nghèo, sống bằng nghề nông. Thế nhưng nông sản làm ra không tiêu thụ được vì đường xá không thuận lợi, không có người đến mua. Lương thực, nhu yếu phẩm vận chuyển lên đây giá thành cao, bà con đau ốm đi bệnh viện, trẻ con đi học khó khăn… Mỗi lần có việc ra Thị trấn Khâm Đức (H.Phước Sơn) phải di chuyển bằng xe máy hơn 1,5 tiếng đồng hồ, còn vào mùa mưa thì khó khăn gấp bội”, anh Xuân thông tin.


Tuyến ĐH2 bị sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ ách tắc toàn tuyến trong mùa mưa nếu không sớm khắc phục. 

Cũng trên tuyến ĐH2, phóng viên ghi nhận mặt đường lầy lội sau mưa dông, gây trơn trượt, khiến người dân đi lại rất vất vả. Một số đoạn mặt đường bị sụt lún mất một nửa, tiềm ẩn nguy cơ ách tắt toàn tuyến. Nhiều đoạn suối đang làm cầu bắt qua nhưng lại không thấy bóng dáng công nhân trên công trường.


Tuyến ĐH2 lầy lội sau khi có mưa dông, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Mang những băn khoăn, lo lắng của người dân phản ánh với ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc được biết, đây là tình trạng chung của địa phương vùng sâu, vùng xa ở huyện Phước Sơn.

Theo ông Thoại, sau trận bão, lũ năm 2020, Phước Lộc chết và mất tích 13 người, xã cô lập 21 ngày, toàn bộ hệ thống giao thông phá hủy hoàn toàn. Hơn 2 năm qua, bằng nỗ lực nội tại và cả hệ thống chính trị, đời sống của 235 hộ đồng bào Giẻ Triêng dần ổn định. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là các tuyến đường lưu thông từ xã về trung tâm huyện vẫn còn hư hỏng quá nặng, gây khó khăn cho bà con đi lại.


Tuyến ĐH2 bị hư hỏng nặng, có nguy cơ cô lập nếu không được sớm  khắc phục.

"Đường hư hỏng nặng gây ra nhiều bất lợi cho địa phương. Việc vận chuyển hàng hóa đến xã cước phí cao nên lương thực đắt đỏ. Đường sá hư hỏng thì y tế khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bà con đau ốm xã phải hỗ trợ vận chuyển 10km ra đến Phước Công rồi mới có xe cấp cứu của huyện đến xử lý. Đáng lo nhất là nhiều tuyến có nguy cơ sạt lở đất đá vào mùa mưa. Nên mỗi khi có mưa là xã phải lập các tổ, chốt ra đứng canh đường, cảnh báo không cho nhân dân đi qua tuyến đường nguy hiểm”, ông Thoại cho biết thêm.


Nhà thầu đặt biển cảnh báo khu vực nguy hiểm vì sạt lở trên tuyến ĐH1.

Sáng 25/5, từ trung tâm xã Phước Lộc, phóng viên di chuyển khoảng 8km theo tuyến ĐH5 về xã Phước Công. Đây là cung đường hư hại nặng nhất của huyện Phước Sơn, được đầu tư 130 tỷ đồng sửa chữa đường và xây mới cầu Đắk mét bắc qua suối.


Đất đá sạt lở, gây nguy hiểm cho người và phương tiện trên tuyến ĐH5

Toàn tuyến có các đơn vị nhà thầu là liên danh công ty TNHH Thành Trí – Cty TNHH MTV Nguyên Khang  (thi công cầu) và liên danh  Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trung Trung Bộ - Cty TNHH Xây dựng Thanh Sơn đảm nhận thi công đường.


Dù đảm nhận giá trị khối lượng trên 32,7 tỷ đồng nhưng đến ngày 10/4/2023, nhà thầu Cty TNHH Xây dựng Thanh Sơn vẫn chưa triển khai hoạt động thi công trên tuyến ĐH5.

Mặc dù có nhiều nhà thầu nhưng trên toàn tuyến, phóng viên ghi nhận có vài công nhân đang thi công cống thoát nước và 1 xe múc đang san gạt taluy đường, còn lại không thấy công trình thi công, mặc dù có nhiều điểm, tuyến xuất hiện sạt lở, đất đá trôi xuống lòng đường, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.


Dù có nhiều nhà thầu nhưng trong sáng 25/5, có vài công nhân thi công trên tuyến ĐH5.

*Cần sớm đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến ĐH

Chiều 25/5, mang những điều thực tế ghi nhận tại hiện trường trao đổi với ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn được biết, đúng là các dự án làm đường ĐH đang thi công chậm.

Theo ông Trung, hiện nay Phước Sơn đang làm chủ đầu tư 5 dự án (3 tuyến ĐH1, ĐH2, ĐH5 và 2 cầu Đắk mét, Xà Ka) với tổng vốn đầu tư lên đến trên 450 tỷ đồng để khắc phục hệ thống giao thông sau bão lũ năm 2020. Các đơn vị thi công đường ĐH triển khai thực hiện từ năm 2022, tiến độ còn chậm so với kế hoạch đề ra và còn có hiện tượng thi công cầm chừng.

Cụ thể, tuyến ĐH1 có giá trị xây lắp hơn 135 tỷ đồng, nhà thầu thi công từ ngày 8/1/2022, dự kiến hoàn thành ngày 4/10/2024. Tính đến 10/4/2023, đã qua 45,7% thời gian triển khai, nhà thầu mới thi công đạt 26,57% giá trị hợp đồng.

Tuyến ĐH2 có giá trị xây lắp trên 130 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ ngày 6/5/2022 đến 31/3/2025. Tính đến 10/4/2023, nhà thầu đã thi công được 337/1.000 ngày (31,7% thời gian), nhưng chỉ mới đạt khối lượng thực tế là 10,45%.

Thấp nhất là tuyến ĐH5 có giá trị xây lắp trên 78,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 25/4/2022 đến 25/12/2024. Đến 10/4/2023, nhà thầu đã thi công được 345/975 ngày (35,38% thời gian) nhưng chỉ mới đạt 5,5 giá trị hợp đồng.


Tuyến ĐH5 thi công rất chậm, đến ngày 10/4/2023 mới đạt 5,5 giá trị hợp đồng. 

Theo chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, nguyên nhân của việc chậm tiến độ có yếu tố khách quan do thời tiết năm 2022 Phước Sơn có mưa nhiều, nhà thầu không thi công được. Thêm nữa, từ đầu năm 2023 đến nay, thời tiết thuận lợi thì vật liệu xây dựng khan hiếm và giá tăng cao khiến nhà thầu càng thi công càng bị lỗ nặng.

"Hiện nay, cát và đá 1x2 để làm đường thiếu hụt, giá cao khiến cho việc thi công mặt đường gặp khó. Có thời điểm, giá cát vận chuyển đến chân công trình tăng gấp đôi nên nhà thầu không dám thi công, có báo cáo gửi chủ đầu tư xin hỗ trợ. Thêm nữa, các nhà thầu hiện mới chỉ được chủ đầu tư cho tạm ứng 10% giá trị hợp đồng. Khi nào thi công đạt khối lượng tạm ứng thì mới cho giải ngân tiếp. Tuy nhiên, có nhà thầu thi công chưa đạt khối lượng tiền ứng lần đầu nên không có vốn để chi phí mua nguyên vật liệu”, ông Lê Quang Trung cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số các nhà thầu xây dựng các tuyến ĐH tại địa bàn huyện Phước Sơn, có 2 công ty vừa bị xử lý cắt hợp đồng khi đang thi công dự án đường ĐH8 vào xã Trà Bui (H.Bắc Trà My).

Đó là Cty TNHH Xây dựng Thái Dương đang thi công tuyến ĐH1, tính đến ngày 10/4/2023 mới đạt 14,864 tỷ đồng/67,7 tỷ đồng (đạt 21,89%) giá trị hợp đồng. Đáng chú ý là Cty TNHH Xây dựng Thanh Sơn, thi công tuyến ĐH5 với khối lượng được giao là trên 32,7 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/4/2023, đã qua hơn 35% thời gian thực hiện hợp đồng nhưng nhà thầu này chưa có bất cứ hoạt động triển khai thi công nào. Cùng với TNHH Xây dựng Thanh Sơn còn có  Cty TNHH MTV Nguyên Khang chưa thi công giá trị 10,8 tỷ đồng ở dự án đường ĐH2.


Tuyến ĐH5 nhà thầu thi công ì ạch, gây khó khăn cho đời sống người dân xã Phước Lộc.  

Theo chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, đáng lo nhất hiện nay là nhà thầu Cty TNHH Đầu tư Xây dựng Trung Trung Bộ làm rất chậm. Mặc dù đã được chủ đầu tư nhắc nhở, đôn đốc nhưng Cty này thi công ì ạch, có khối lượng đạt rất thấp.

Cụ thể, tại tuyến ĐH2, nhà thầu đảm nhận khối lượng thi công 39,7 tỷ đồng nhưng tính đến ngày 10/4/2023 mới thực hiện được 0,6 tỷ đồng (đạt 1,5%). Ở tuyến ĐH5, nhà thầu này đảm nhận khối lượng 45,8 tỷ đồng, đến ngày 10/4/2023 mới làm được 4,3 tỷ đồng (đạt 9,4%).

Từ thực tế chậm thi công các tuyến ĐH tại H.Phước Sơn, thiết nghĩ, UBND tỉnh và các sở ban ngành cần kiểm tra giám sát tiến độ thi công ở các nhà thầu để sớm hoàn thành công trình, phục vụ nhu cầu người dân và phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.  

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

fere
đsd
gregr
gegf

Bắc Ninh: Cần làm rõ việc hoạt động bến bãi của Công ty Đại Nghĩa

Theo thông tin phản ánh, bãi tập kết vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Dịch vụ Đại Nghĩa đang xây dựng vi phạm hành lang thoát lũ, vi phạm luật đê điều và xả nước thải trực tiếp ra môi trường (không qua hệ thống bể chứa)

Duy Tiên- Hà Nam: Ngang nhiên xâm phạm lòng, bờ, bãi sông Hồng

Thời gian gần đây trên sông Hồng đoạn qua xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xuất hiện tình trạng cá nhân/ doanh nghiệp ngang nhiên xâm phạm lòng, bờ sông khi chưa được phép. Chính quyền sở tại cần quyết liệt ngăn chặn để bảo vệ môi trường.

Biên Hòa: Cần xử lý bãi phế liệu hoạt động trái phép trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường

Không thủ tục pháp lý về môi trường, xây dựng kho xưởng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng bãi phế liệu của bà Trần Thị Hòa vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua.

Nghệ An: Bắt quả tang Doanh nghiệp khai thác cát biển trái phép để thi công dự án

Trong quá trình thi công bờ kè kết hợp đường dạo bộ ở TX Cửa Lò, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Hưng đã thực hiện hành vi khai thác khoáng sản trái pháp luật, cụ thể là khai thác cát biển để thi công kè biển.

Hà Nội: Sập mái kính công trình cao 7 tầng, 3 người thương vong

Một vụ sập mái kính tại một công trình đang tu sửa cao 7 tầng trong ngõ Tức Mạc (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) vào sáng nay đã khiến 2 người chết, 1 người bị thương.

Bình Dương: Ngang nhiên xây dựng trái phép trên đất đang tranh chấp

Mặc dù đã bị UBND xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo kiểm tra và yêu cầu ngừng thi công nhưng các công trình tại thửa đất số 735, tờ bản đồ số 39 của ông Nguyễn Viết Thảo vẫn tiếp tục xây dựng trái phép.