moitruongplus Mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị từ nhiều năm trước. Trong 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh cũng đã xây dựng các điều kiện để đảm bảo thực hiện mục tiêu này.

Với 13 đô thị, dân số toàn tỉnh trên 1,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 67% như hiện nay, Quảng Ninh đã hoàn thành trước thời gian theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020. Điều này đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm lớn của tỉnh, với mục tiêu cao nhất là phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Thành phố Hạ Long. Ảnh: ITN

Do đó, đây là tất yếu của quá trình phát triển KT-XH, đồng thời là kết quả ý chí, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng các chương trình, mục tiêu phát triển và nguồn lực thực hiện, trong hơn 10 năm qua, hệ thống đô thị Quảng Ninh đã có sự phát triển đúng và vượt kế hoạch nâng loại đô thị như đề xuất. Trong đó, tập trung phát triển dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch, phân bố tập trung tại khu vực ven biển, bám trục QL18, gắn với các khu vực phát triển khu du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cửa khẩu. Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh có 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (Hạ Long), 3 đô thị loại II (Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái), 2 đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều); 2 đô thị loại IV (thị trấn Tiên Yên, thị trấn Cái Rồng) và 5 đô thị loại V (thị trấn Quảng Hà, thị trấn Đầm Hà, thị trấn Cô Tô, thị trấn Bình Liêu, thị trấn Ba Chẽ).

Tính riêng giai đoạn 2016-2021, tỉnh huy động hơn 125.000 tỷ đồng dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sự bứt phá về giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Đến nay, nhiều công trình hạ tầng quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Hạ Long - Hải Phòng kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... đã hoàn thành, góp phần tạo sự liên kết đồng bộ hạ tầng giao thông trong tỉnh và khu vực, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển KT-XH của cả vùng. Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long góp phần mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương trong mối liên hệ nội tỉnh, trong Vùng đồng bằng sông Hồng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Động lực từ những kết quả đạt được, Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng sống đô thị, thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan đồng bộ... Cụ thể, về hệ thống đô thị, giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 13 đô thị, trong đó có 4 đô thị thông minh tại 4 thành phố; giai đoạn 2026-2030 toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 12 đô thị và tất cả đạt được các tiêu chí của đô thị thông minh, tập trung vào các lĩnh vực quản lý đô thị, chiếu sáng, giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, lưới điện, hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, dữ liệu về xây dựng và các dữ liệu khác, đồng thời cung cấp các tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân.

Để thực hiện nội dung đề ra, chương trình cũng xây dựng danh mục, kế hoạch nâng loại đô thị toàn tỉnh đến năm 2030; định hướng phát triển và đề xuất các phương án phát triển; các dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung; giải pháp về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện. Mục tiêu lớn nhất là đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, là trung tâm phát triển của miền Bắc, trụ cột quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giàu bản sắc văn hóa, bảo tồn và gìn giữ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và di sản văn hóa Trúc Lâm Yên Tử; đi đầu cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Hiện tỉnh đề ra một số chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng 3 khâu đột phá, gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số;đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh tiến hành hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó tiếp tục ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho phát triển, khai thác tối đa các nguồn lực, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Trước mắt, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư, thực hiện 16 dự án, nhiệm vụ gồm: Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đến năm 2020; đề án xây dựng trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh; triển khai Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025; hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh; đề án nhân rộng mô hình thành phố thông minh tại Uông Bí giai đoạn 2018-2022, tại Cẩm Phả giai đoạn 2018-2025, tại Móng Cái giai đoạn 2020-2025. Cùng với đó là kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đô thị thông minh cho các cơ quan nhà nước của tỉnh, tổ chức và người dân; hệ thống wifi công cộng trên địa bàn tỉnh...

Với lộ trình cụ thể, rõ ràng, cùng sự vào cuộc tích cực đồng bộ, tin tưởng rằng thời gian tới Quảng Ninh sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững, xây dựng thành công thành phố thông minh xứng đáng là địa phương phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh

Chiều 20-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Chiều 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) về tình hình năm 2021, 2 tháng đầu năm 2022 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ New Zealand

Chiều 15.3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson.

Chủ tịch nước làm việc về Đề án xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN

Chiều 14-3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc về Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Bổ nhiệm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương

Sáng 14/3, ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị công bố các nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, bổ nhiệm CVP Tỉnh ủy, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại tỉnh Khánh Hòa

Sáng 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, đi thăm, khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai một số dự án, công trình lớn, trọng điểm tại đây.