moitruongplus Nhân dịp Bộ TN&MT tổ chức Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có Thông điệp gửi đến các đại biểu tham dự buổi Lễ và toàn xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ phát động trồng cây tại di tích K9-Đá Chông. Ảnh: Internet
Trong thông điệp gửi đi, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Giờ Trái đất được quốc tế phát động, tổ chức thường niên nhằm tôn vinh và kêu gọi sự quan tâm hành động tích cực của các quốc gia, cộng đồng người dân trên thế giới hợp tác cùng ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ phát huy giá trị của nguồn nước, của tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, an ninh năng lượng đối với đời sống và sự phát triển bền vững của nhân loại.
Các chủ đề của năm nay là định hướng cho hành động của các quốc gia: "Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai” và "Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”. "Nhân kỷ niệm những Ngày quốc tế quan trọng trong tháng 3 này, tôi trân trọng gửi tới toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Chủ tịch nước, biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt và khan hiếm nguồn nước đã và đang hiện hữu ở khắp các quốc gia, các châu lục trở thành thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại. Trong 50 năm qua, số lượng các hiểm họa về thời tiết, khí hậu và nước đã tăng 5 lần gây thiệt hại vô cùng to lớn. Biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới với những tác động ngày càng khắc nghiệt, các bản tin dự báo không còn dừng lại ở thông tin ngày mai thời tiết thế nào mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động, thông báo cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra. Tuy nhiên, 1/3 dân số thế giới vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin dự báo này.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Người dân thường xuyên phải gồng mình chống chịu nhiều loại thiên tai với "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Công tác khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đã đạt nhiều kết quả quan trọng góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Chất lượng dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn của Việt Nam dần tiệm cận trình độ quốc tế tiên tiến.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta không chỉ đòi hỏi đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy mà còn phải kịp thời chuyển biến thành hành động để chung tay bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta và nhân loại. Đảm bảo mục tiêu đề ra trong chương trình nghị sự của Liên Hiệp quốc về phát triển bền vững 2030, Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, phát triển ít phát thải hướng tới phát thải ròng bằng không, như mục tiêu của Hội nghị COP26,
Chủ tịch nước kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các nghị quyết của Đảng về chuyển đổi nền kinh tế đang dựa vào nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang nền kinh tế số, phát triển xanh với phát thải thấp, sức chống chịu cao. Các Bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động, kịp thời tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn và tạo mọi thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đảm bảo cam kết quốc tế của Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quản lý nhà nước, bám sát quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và các điều ước quốc tế để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; Xây dựng chính sách cụ thể, thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia, bao gồm cả đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo các thiên tai, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm suy yếu các cơ chế, giảm nguồn lực ứng phó với thiên tai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi mọi người dân, các tổ chức xã hội hãy là chủ thể quan trọng nhất bảo đảm cho thành công của tiến trình ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi người dân hãy hành động, trách nhiệm hơn nữa trong sử dụng nguồn nước một cách thông minh tiết kiệm, bảo đảm an ninh nước, sinh kế dựa vào nước và hăng hái tích cực tham gia bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp; thực hiện thành công chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025.
"Đây là thời khắc phải hành động xây dựng Việt Nam xanh, hành tinh xanh. Hãy đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thống nhất hành động mạnh mẽ bảo vệ sinh kế cho cộng đồng, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia cả hiện tại và tương lai không để ai bị bỏ lại phía sau. Với sự hưởng ứng của toàn dân và xã hội nhất định chúng ta sẽ thành công!”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh
Chiều 20-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Chiều 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) về tình hình năm 2021, 2 tháng đầu năm 2022 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022.
Chiều 15.3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson.
Chiều 14-3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc về Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Sáng 14/3, ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị công bố các nghị quyết, quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, bổ nhiệm CVP Tỉnh ủy, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Sáng 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, đi thăm, khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai một số dự án, công trình lớn, trọng điểm tại đây.