moitruongplus Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31/7/2021 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).
Vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ
Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng được coi là 3 cấu phần quan trọng nhất của "cỗ máy kinh tế" Việt Nam. Trong đó hạng mục đầu tư được coi là "mũi nhọn", động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 thì phát việc huy hiệu quả của vốn đầu tư công càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Dù vậy, số liệu về giải ngân vốn đầu tư công cho thấy, hạng mục quan trọng này đang bị tắc nghẽn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31/7/2021 mới chỉ đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).
Mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Tuy nhiên, cũng tương tự như các năm trước, giải ngân vốn đầu tư công vẫn trong tình trạng "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng".
Trước tình hình này, hôm 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1082/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Hằng năm có hàng chục ngàn dự án đầu tư trên cả nước nhưng số lượng dự án hay công trình hoàn thành đưa vào sử dụng quá nhỏ so với số lượng vốn đầu tư đã bỏ ra - Ảnh: Nam Nguyễn
Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, tình hình kinh tế- xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt với quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, việc giải ngân chậm vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương.
Tuy nhiên, công điện cũng nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...
Theo các chuyên gia, tỷ lệ giải ngân thấp đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Giải trình lý do và chịu trách nhiệm trước Chính phủ
Trên thực tế, dù đã có Luật Đầu tư công nhưng quá trình triển khai các dự án đầu tư công vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Hiện nay đầu tư còn dàn trải ở nhiều địa phương, ngành nghề, lĩnh vực. Điều này thể hiện ở việc hằng năm có hàng chục ngàn dự án đầu tư trên cả nước nhưng số lượng dự án hay công trình hoàn thành đưa vào sử dụng quá nhỏ so với số lượng vốn đầu tư đã bỏ ra.
TS Võ Trí Thành, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã được chỉ ra từ lâu như: giải phóng mặt bằng, chính sách, con người, kế hoạch, dự án dàn trải, dịch COVID-19... Trong đó, nổi cộm là lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch.
Việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Người đứng đầu một số bộ ngành, địa phương khi thiếu quyết liệt, có phần đùn đẩy, né tránh.
Ngoài những nguyên nhân "cố hữu" trên, theo ông Thành, gần đây có thêm tình trạng sợ trách nhiệm trong thực thi giải ngân nguồn vốn dự án đầu tư công.
"Rất nhiều nguyên nhân đã tồn tại trong thời gian dài. Trong đó có những căn bệnh kinh niên kiểu đầu năm không vội vã, cuối năm tất tả", ông Thành nói.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn đầu tư kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, hồi cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 13/2021/CT-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Từng bộ, ngành, địa phương phải rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho" và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt bỏ những dự án đầu tư chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả.
Trong trung và dài hạn, các chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ ban hành Chỉ thị 13/2021/CT-TTg là kịp thời và cần thiết với mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 được cắt giảm xuống chỉ còn khoảng trên 5.000 dự án. Trong đó, yêu cầu kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, các dự án khởi công mới. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang có nhiều dự án dự kiến khởi công mới phải bảo đảm từng dự án phải có giải trình cụ thể lý do và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật.
Như vậy, để đầu tư công thực sự là động lực tạo ra cú hích về hạ tầng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế thì những đồng vốn ngân sách ấy phải được sử dụng cho những dự án thực sự hiệu quả. Dù số lượng các dự án triển khai có giảm đi nhưng dự án nào đã triển khai thì phải hoàn thành để đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.
Có thể nói, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công rất quyết liệt. Vì thế, nếu tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" được giải quyết dứt điểm thì sẽ không còn phải đi tìm lời giải cho bài toán"giải ngân vốn đầu tư công" hiện nay./.
Theo Hà Giang
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.