moitruongplus Đoàn xe bồn của hãng bê tông Đông Mai ở TX Quảng Yên tiếp tục tái diễn dấu hiệu vận chuyển bê tông quá tải, "uy hiếp” hạ tầng giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Vậy cần biện pháp nào để ngăn chặn thực trạng này?
Thời gian qua người dân cũng như cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng đoàn xe bồn chở bê tông của Xí nghiệp sản xuất bê tông thương phẩm Đông Mai (sau đây viết tắt là bê tông Đông Mai) liên tục phá nát nhiều tuyến đường dân sinh, gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trên địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Xe chở bồn gắn logo bê tông Đông Mai ngang nhiên xả phế phẩm xi măng thừa ra môi trường (ảnh cắt từ clip)
Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về hoạt động của đoàn xe này trong thời gian qua cho thấy, mỗi ngày, đoàn xe ra vào khu vực trạm trộn bê tông Đông Mai rất tấp nập. Sau khi "ăn” khối lượng bê tông được xác định trước, đoàn xe chở đi khắp nơi để tiêu thụ. Đáng nói, những xe bồn này đã vô tư đi vào đường làng, đường cấm, vượt qua cầu cống hạn chế tải trọng nhưng không hề bị lực lực chức năng của thị xã Quảng Yên kiểm tra, xử lý. Không những vậy, nhiều xe của hãng bê tông này sau khi trả hàng cho các công trình đã vô tư xả thẳng phế phẩm xi măng thừa ra đường gây ô nhiễm môi trường, mất ATGT.
Minh chứng thể hiện rõ dấu hiệu chở hàng quá tải trọng cho phép của đoàn xe này, là theo tài liệu mà PV thu thập được thể hiện phiếu cân (phiếu giao nhận hàng – PV) của các xe bê tông Đông Mai xuất cho khách hàng, đa phần đều chở khối lượng khoảng 10m3 tương đương gần 25 tấn, trong khi đó, theo quy định các phương tiện này chỉ được phép chở khoảng hơn 10 tấn.
Liên quan đến sự việc trên, trả lời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, đại diện Đội CSGT thị xã Quảng Yên cho biết: Về xe bê tông là xe chuyên dụng không nhìn bằng mắt thường mà khẳng định là quá tải được, chỉ có thể cho xe lên cân trọng tải mới biết, có những xe chở ít, chở nhiều nên không khẳng định chính xác được. Hiện nay cơ quan chức năng đã ra thông báo quán triệt các công ty bê tông trên điạ bàn và đặc biệt là công ty bê tông Đông Mai không chở quá tải đi vào đường cấm và xả thải ra môi truờng, đồng thời sớm khắc phục những đoạn đường hư hỏng, không để tình trạng trên tái diễn trên địa bàn thị xã.
Tưởng chừng sau khi người dân, báo chí phản ánh thực trạng trên thì doanh nghiệp sẽ cầu thị tiếp thu, ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường và giữ an toàn cho hạ tầng giao thông trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Và đặc biệt, dư luận xã hội mong chờ sự vào cuộc tích cực, kịp thời từ lực lượng chức năng của thị xã Quảng Yên, đặc biệt là Đội CSGT, Thanh tra giao thông của địa phương này sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đối với đoàn xe bê tông Đông Mai, đảm bảo an toàn giao thông, môi trường cho nhân dân.
Thế nhưng, rất tiếc những mong mỏi chính đáng trên đã không được đáp ứng, bởi lẽ tình trạng đoàn xe có dấu hiệu chở hàng quá tải của hãng bê tông Đông Mai tiếp tục tái diễn và có biểu hiện gia tăng.
Chiếc xe bồn chở bê tông Đông Mai vô tư "cõng” 11m3 bê tông, tương đương với hơn 26 tấn.
Cụ thể, ngày 4/10, PV đã bám theo chiếc xe bồn mang BKS: 14C-239.25, gắn logo bê tông Đông Mai, sau khi "ăn” 11m3 bê tông (tương đương với hơn 26 tấn – PV) tại trạm trộn số 3 – Xí nghiệp sản xuất bê tông thương phẩm Đông Mai, chiếc xe này di chuyển thẳng đến công trình xây dựng của một hộ dân trên địa bàn phường Sông Khoai 2, TX Quảng Yên. Quãng đường vận chuyển bê tông đến công trình, chiếc xe này đã phải di chuyển qua nhiều cung đường khác nhau, thế nhưng sau cả một đoạn đường dài di chuyển phương tiện này không gặp bất cứ sự kiểm tra nào từ lực lượng chức năng của thị xã Quảng Yên.
Trong khi đó, theo quy định về đăng kiểm thì chiếc xe trên chỉ được cấp phép chở trọng tải chuyên chở cho phép tham gia giao thông là 13 tấn. Đối chiếu với phiếu giao nhận hàng và khối lượng bê tông thực tế chở đến chân công trình giữa lái xe với khách hàng, thì phương tiện này đã chở 11m3 bê tông, tương đương với hơn 26 tấn.
Chứng kiến sự việc trên, người dân địa phương không khỏi lo lắng về tình trạng này, nếu tiếp tục kéo dài mà không được kiểm soát chặt chẽ thì hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường dân sinh, những cây cầu có tải trọng thấp sẽ nhanh chóng xuống cấp, thậm chí hư hỏng bởi sự "uy hiếp” từ đoàn xe có dấu hiệu quá tải của hãng bê tông Đông Mai đang ngày đêm hoành hành như hiện nay.
Và, câu hỏi đặt ra ở đây là khi hệ luỵ xảy ra là các tuyến đường bị xuống cấp, hư hỏng sẽ buộc phải sửa chữa, nâng cấp thì nguồn kinh phí chi trả cho việc tu sửa này lấy từ đâu? Câu trả lời có lẽ ai cũng biết, đó là phải sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, từ sự đóng góp của người dân, chứ chờ doanh nghiệp chủ động khắc phục thì… chờ đến bao giờ?!
Người dân luôn gặp khó khăn và nguy cơ mất ATGT khi phải "đối mặt” với đoàn xe chở bê tông Đông Mai trên các tuyến đường làng chặt hẹp.
Trong một diễn biến khác, trước việc ngang nhiên tái diễn hoạt động vận tải nêu trên của hãng bê tông Đông Mai, PV đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Năm - Đội trưởng Đội CSGT thị xã Quảng Yên. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ PV, ông Năm cho biết: Qua những thông tin báo chí đã đăng tải, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý và cho hãng bê tông Đông Mai viết bản cam kết không chở quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông.
Về biện pháp ngăn chặn đoàn xe chở bê tông Đông Mai có dấu hiệu quá tải, ông Năm nói: Sau khi nắm bắt thông tin PV cung cấp, sẽ tổ chức cho cân trực tiếp để kiểm tra khối lượng là bao nhiêu. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra đối với hãng bê tông Đông Mai, phát hiện vi phạm đến đâu xử lý đến đó và việc này cũng đã có chỉ đạo của cấp trên rồi, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng liên quan cần phải sớm áp dụng các biện pháp cụ thể và chế tài cứng rắn hơn nữa để kiểm soát, ngăn chặn thực trạng đã và đang diễn ra như đã nêu trên. Qua đó buộc chủ doanh nghiệp cũng như đoàn xe của hãng bê tông này hoạt động đúng quy định pháp luật về giao thông, môi trường./.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.