Những hình ảnh không đẹp tại Công viên Diên Hồng TP Pleiku, Gia Lai
Thứ năm, 8/9/2022 | 3:22:43 Chiều
moitruongplusCông viên Diên Hồng (phường Ia Kring, TP Pleiku) là địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân phố núi và du khách. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nơi này trở nên nhếch nhác, nhiều hạng mục xuống cấp, nguy hiểm rình rập.
Công viên xuống cấp
Được xem là lá phổi xanh giữa lòng phố núi Pleiku, hồ Diên Hồng rộng khoảng 12ha với điểm nhấn là 2 hồ nước nhân tạo, bao quanh hồ có thảm thực vật đa dạng với các loại cây xanh hàng chục năm tuổi như Thông, Sanh, Đa, Xà Cừ… kết hợp với không gian xanh tuyệt đẹp này là những con đường quanh co, uốn lượn theo địa hình tự nhiên, giữa hồ nước có cây cầu dây văng nối liền 2 bờ hồ tạo nên điểm nhấn nổi bật giữa không gian xanh ngắt.
Công viên Diên Hồng được ví là lá phổi xanh của TP Pleiku.
Bên cạnh đó, trong khuôn viên còn có một số vật nuôi, khu vui chơi, thiết bị tập thể dục để phục vụ du khách và người dân tản bộ, tập thể dục nâng cao sức khỏe mỗi ngày. Xanh, sạch, đẹp là vậy, nhưng không gian nơi đây đang từng ngày xuống cấp, lối đi thường ngày để người dân tản bộ, tập dưỡng sinh nay đã bị bong tróc từng mảng bê tông, hành lang bảo vệ cạnh mặt hồ nước đã bị bong ra thành từng cụm do móng đã bị sập từ lâu khiến cho những thanh sắt nằm nghiêng ngả khắp nơi, không đảm bảo cho các hoạt động đi lại ở khu vực này.
Một đoạn tường bao của công viên bị sập tối 5/9.
Cùng với đó, hệ thống tường rào bao quanh công trình hồ Diên Hồng cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể bị sập đổ bất cứ lúc nào. Mới đây, cơn mưa như trút nước xảy ra trong đêm 5/9 đã gây sạt lở và sập hoàn toàn 2 đoạn tường bê tông có rào sắt. Ngoài ra việc bị sạt lở cũng kéo đổ một số hạng mục công trình phía sau của một hộ dân sinh sống cận khu vực này. Thời điểm xảy ra sự việc trong đêm nên không ảnh hưởng đến người dân, thiệt hại về vật chất không nhiều.
Nguy cơ sập tường và các hạng mục khác tại công viên vẫn có thể xảy ra.
Theo một số người dân thường xuyên đi bộ tập thể dục tại hồ Diên Hồng, các công trình tại công viên được xây dựng rất lâu, nền móng yếu kết hợp hệ thống thoát nước bị tắt, đọng rác khiến cho nền đất bị yếu dẫn đến xói mòn, dễ bị sập tường. Nguy cơ nhiều đoạn tường khác cũng sẽ tiếp tục bị sập trong mùa mưa năm nay nếu không có sự kiểm tra, xử lý sớm từ cơ quan quản lý.
Tương tự, các hạng mục xây dựng bên trong công viên như nhà vệ sinh, khu giải trí gần nhà rông, nhiều trang thiết bị và trò chơi trẻ em, khu vui chơi dưới nước, khu vực phục vụ ăn uống xung quanh hồ nước… đang xuống cấp tạo ra những hình ảnh cũ nát, hư hỏng, mất đi vẻ đẹp của một điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa.
Đoạn lang cang bảo vệ hồ nước trong công viên bị hư hỏng rất lâu chưa được sửa chữa.
Nguy hiểm rình rập
Ngoài các công trình xuống cấp nêu trên, thì những nguy cơ hư hỏng của các hạng mục tại hồ Diên Hồng cùng việc bỏ ngỏ công tác quản lý, bảo vệ tại công viên cũng đang góp phần tạo ra sự nguy hiểm rình rập. 2 hồ nước nhân tạo trong công viên là nơi tạo ra khuôn viên đẹp, kết hợp với nhiều cây xanh góp phần điều hòa không khí trong khu vực trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, việc thay đổi về công tác quản lý nhà nước cũng như việc đầu tư xây dựng chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc”.
Nhiều hạng mục công trình trong công viên xuống cấp nghiêm trọng.
Các hạng mục hư hỏng cứ thế trơ gang cùng nắng mưa, các tường bao thì bị đập phá, cơi nới để phục vụ nhu cầu riêng của một số người dân sinh sống quanh hồ nước như câu cá, dựng lều quán có điểm ngắm hướng vào hồ, câu cá giải trí tại khu vực cấm, người dân vô tư đi lại tại các điểm sạt lở, hư hỏng quanh hồ nước… Phía trong khuôn viên có 2 khu vực phục vụ ăn uống và khu lưu trú được đầu tư khá tốt từ nguồn vốn xã hội hóa.
Tuy nhiên, việc nâng cấp sửa chữa lớn tại các công trình này không được quan tâm dẫn đến công trình hư hỏng, ẩm thấp, có nơi không còn hoạt động đã tạo ra một khung cảnh nhếch nhác ngay khu vực cổng vào công viên. Rất nhiều điểm hư hỏng, cũ nát khác quanh hồ cũng được PV ghi nhận, một số người dân sinh sống trong khu vực cảm thấy bất an với vấn đề này.
Các mảng bê tông bị bong tróc nằm nghiêng ngã khắp nơi.
Bà Nguyễn Thị Sinh- người dân trú tại phường Hội Thương nói: Tôi thường xuyên cùng nhóm bạn ra vào công viên để tập thể dục. Mấy năm gần đây, công viên Diên Hồng đã xuống cấp, các hoạt động vui chơi giải trí cũng dừng, hàng quán mục nát, biển cấm câu cá gắn nhiều nơi nhưng nhiều người dân vẫn ngồi câu cá khắp nơi mà không thấy lực lượng nào xử lý. Chúng tôi mong rằng những hoạt động tại đây sớm được quản lý tốt hơn.
Ông Hà Thành Đô- trú tổ 4, phường Ia Kring cho rằng: hơn 12 năm qua, tôi thường xuyên đi tập thể dục tại công viên này, nghe tin TP Pleiku sắp đầu tư sửa chữa lại khuôn viên tôi thấy rất vui. Những hình ảnh hiện tại nơi đây không mấy thu hút các gia đình, du khách đến tham quan bởi đã quá cũ. Riêng các hoạt động ăn uống, giải trí cũng nên tạo điều kiện để xã hội hóa lĩnh vực này và tư nhân sẽ quản lý tốt hơn góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách và người dân thành phố.
Người dân mong công viên sớm được nâng cấp, đầu tư để phục vụ nhân dân và du khách.
Trao đổi về việc các công trình xuống cấp, hư hỏng tại khu công viên Diên Hồng, ông Bùi Văn Trung-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP Pleiku cho biết: Sau sự cố sập tường thì đơn vị đã phối hợp tham mưu UBND TP Pleiku cấp kinh phí sửa chữa, khắc phục tạm thời chờ công tác nâng cấp, xây dựng mới đã được phê duyệt.
Được biết, theo quy hoạch chung xây dựng TP Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở phát huy bản sắc, tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường, hướng đến xây dựng thành phố Cao nguyên xanh vì sức khỏe. Ngoài ra, TP Pleiku phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Công viên Diên Hồng. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 31,082 tỷ đồng, 100% nguồn vốn là ngân sách thành phố.
Nhiều người dân vào câu cá trong hồ Diên Hồng nơi được cắm biển cấm.
Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm 2023-2024. Mục tiêu là sửa chữa các hạng mục để tiếp tục khai thác sử dụng công trình, đồng thời tôn tạo không gian kiến trúc, tăng vẻ mỹ quan đô thị của TP Pleiku.
Cụ thể, ở khu vực hồ A: Sửa chữa gia cố bờ kè quanh hồ; thay mới lan can; đường dạo quanh hồ; nâng cấp mở rộng cổng chính; nâng cấp, mở rộng đường vào; cầu dạo bộ; lát đá bazan một số vị trí; xây mới hàng rào; hệ thống điện trang trí dọc đường vào chính và các hạng mục phụ khác. Khu vực hồ B: Cống dẫn nước thải và một số hạng mục khác.
Để hiện thực mục tiêu xây dựng thành phố Cao nguyên xanh vì sức khỏe và công viên Diên Hồng sẽ là điểm lựa chọn lý tưởng với không gian xanh, sạch, đẹp thì rất cần sự đầu tư đồng bộ của TP. Pleiku kết hợp các dịch vụ công ích, giải trí theo hình thức xã hội hóa khác góp phần tạo nên hình ảnh đẹp trong lòng mỗi người dân và du khách trong thời gian đến.
Một số hình ảnh nhếch nhác, hư hỏng và mối nguy hiểm rình rập tại công viên Diên Hồng, TP Pleiku, Gia Lai.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.