Thanh Hóa: Cần có phương án phù hợp cho việc sử dụng chất thải công nghiệp làm vật liệu san lấp
Thứ tư, 29/6/2022 | 8:41:21 Sáng
moitruongplusHiện nay Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường chưa cho phép sử dụng xỉ than, chất thải công nghiệp làm vật liệu san lấp. Nhưng rất nhiều đơn vị đã tận dụng để thi công san lấp gây ô nhiễm môi trường cũng như chất thải độc hại ngấm vào nguồn nước.
Điển hình dự án Xưởng gia công cơ khí thủy và sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ phục vụ hậu cần nghề biển do Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Phương Mai làm chủ đầu tư, ngang nhiên xả trộm rác thải, dùng xỉ than và phế thải nguy hại để san lấp mặt bằng, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
Tìm hiểu của Phóng viên Môi trường và Đô thị được biết, dự án Xưởng gia công cơ khí thủy và sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ phục vụ hậu cần nghề biển có địa chỉ tại phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2892/QĐ-UBND ngày 30/7/2018.
Ngày 30/1/2019 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 484/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Xưởng gia công cơ khí thủy và sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ phục vụ hậu cần nghề biển với tổng vốn đầu tư là khoảng 18,5 tỷ đồng, diện tích đất thực của dự án là 9.540m2 (diện tích chính thức sẽ theo quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Quy mô, công suất dự án điều chỉnh lại là: Xây dựng văn phòng điều hành diện tích khoảng 300 m2; nhà xưởng sản xuất khoảng 1.700 m2; nhà kho khoảng 1.650 m2; nhà ăn cho cán bộ công nhân viên khoảng 300 m2; nhà nghỉ ca cho cán bộ công nhân viên diện tích khoảng 450 m2; nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm khoảng 600 m2; hệ thống sân đường nội bộ, cây xanh và các hạng mục công trình phụ trợ khác.
Mục tiêu đầu tư của dự án là gia công, sửa chữa động cơ thủy, các vật tư tàu thuyền bằng kim loại; sản xuất, gia công và kinh doanh ngư lưới cụ.
Dự án Xưởng gia công cơ khí thủy và sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ phục vụ hậu cần nghề biển đang dùng xỉ than và phế thải nguy hại để san lấp mặt bằng
Một dự án với quy mô lớn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư, dù mới bước vào giai đoạn san lấp mặt bằng nhưng dự án Xưởng gia công cơ khí thủy và sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ phục vụ hậu cần nghề biển do Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Phương Mai làm chủ đầu tư đã dùng phế thải nguy hại để san lấp mặt bằng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Người dân sống gần dự án cho biết, trong quá trình thi công, nhà thầu đã sử dụng chất thải công nghiệp, xỉ than làm vật liệu san lấp. Không những vậy, nhà thầu còn xả trộm rác thải, xỉ than ra giữa hồ.
Để kiểm chứng thông tin phản ánh trên, Phóng viên đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận thực tế và thấy rằng phản ánh là có cơ sở. Dọc hai bên bờ hồ nhà thầu đều sử dụng phế thải để san lấp, tạo mặt bằng. Hàng nghìn mét khối phế thải xây dựng gồm: đất thải, gạch, bê tông thải và xỉ than…được đổ tràn lan tạo thành một mặt bằng rộng lớn và chất thành đống dọc bờ hồ. Những đống phế thải ngổn ngang được máy móc san gạt tung tóe tạo thành những bãi thải nhếch nhác, mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.
Hàng nghìn mét khối phế thải được đổ tràn lan, chất thành đống dọc bờ hồ
Đáng chú ý, tại hiện trường chiếc xe xúc lật đang miệt mài vận chuyển xỉ than từ Công ty Song Việt Joint Stock Company ngay bên cạnh về san lấp mặt bằng dự án. Được biết, xỉ than là chất thải trong quá trình đốt than đá tại các nhà máy nhiệt điện, trong thành phần xỉ than, có rất nhiều kim loại nặng nguy hại như chì, thủy ngân, hóa chất độc hại, chất phóng xạ. Nếu chúng được thải ra môi trường sẽ tạo nên ô nhiễm nặng, làm biến đổi tính chất của đất, nước, phá hoại sự sống của các sinh vật có lợi,… Không chỉ thế, chúng còn là nguồn gốc của nhiều loại bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng con người.
Nguy hiểm là đã rõ, thế nhưng hàng nghìn mét khối phế thải nguy hại tại dự án đã và đang được sử dụng làm vật liệu san lấp không đúng quy định, toàn bộ đều không đạt yêu cầu tại mặt bằng dự án, không đảm bảo theo đúng hồ sơ thiết kế dự án được phê duyệt.
Để làm rõ thực trạng trên, Phóng viên đã liên hệ và phản ánh tới ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, ông Sơn cho biết, đây là dự án phục vụ cho tàu thuyền đi biển, đã được UBND tỉnh phê duyệt và đã đền bù xong, hiện tại đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng thôi, chưa xây dựng. Ông Sơn thừa nhận dự án đã dùng phế thải, xỉ than của các công ty nhiệt điện, đất không đúng quy chuẩn phê duyệt để san lấp mặt bằng. "Vừa rồi đội Cảnh sát môi trường của Công an thị xã cũng đã kiểm tra, lập biên bản rồi, cái đó là của ông Tống Anh Nhân, đến nay vẫn chưa biết anh em đã xử lý đến đâu rồi” ông Sơn nói thêm.
Chiếc xe xúc lật đang vận chuyển xỉ than từ Công ty Song Việt Joint Stock Company ngay bên cạnh về san lấp mặt bằng dự án
Việc san gạt, đổ thải làm biến dạng địa hình của dự án Xưởng gia công cơ khí thủy và sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ phục vụ hậu cần nghề biển là hành vi hủy hoại đất, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, nguồn nước, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là vi phạm Luật Đất đai, bị nghiêm cấm.
Cụ thể, tại khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng đất. Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
Từ những vi phạm trên, đề nghị UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan sớm có phương án kiểm tra và xử lý dứt điểm những tồn tại nêu trên để đảm bảo chất lượng công trình, khắc phục sự cố, cho múc và thu dọn toàn bộ đất không đạt yêu cầu tại mặt bằng dự án, và thay thế bằng đất đúng chủng loại như đã cam kết ban đầu.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.