moitruongplus Khu đô thị Westage (Quốc Oai- Hà Nội) do công ty CP Tập đoàn Ga Mi làm CĐT với diện tích hơn 44ha, hàng chục năm vẫn trên giấy, đất bỏ hoang hóa, qua nhiều đợt CĐT xin thay đổi chủ trương nhưng đến nay vẫn chưa bị chính quyền TP Hà Nội thu hồi....

Đại diện CĐT là công ty CP Tập đoàn GaMi Group đưa ra 2 lý do hơn chục năm vẫn chưa thể triển khai dự án, một là do thủ tục hành chính từ phía UBND TP Hà Nội quá lâu, hai là do công tác GPMB còn 10% chưa xong khiến nhà đầu tư phải nhiều lần "đi đêm” hỗ trợ cho người dân mà vẫn chưa xong. Nhưng sự thực có phải vậy?

Dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai (Hà Nội Westgate) có mặt tiền chạy dài hàng trăm mét cạnh Đại lộ Thăng Long, tọa lạc tại thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai với tổng diện tích lên đến 52,5ha.

Ngày 3/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ban hành Quyết định số 2006/QĐ-UBND giao Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (FBS), thành viên của Công ty Cổ phần Gami bất động sản (Gami Land), làm chủ đầu tư Dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai. Trong đó, Gami Land là thành viên trong hệ sinh thái của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Gami (Gami Group).

Đã hơn chục năm dự án chưa được triển khai, trải quan nhiều biến động, chủ đầu tư xin thay đổi chủ trương đầu tư theo hướng tăng lên về quy mô trong khi 90% đất đã được GPMB, dân không được canh tác, đất bỏ hoang hóa suốt thời gian dài gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, môi trường bị ảnh hưởng, nghi vấn CĐT ôm đất, thiếu năng lực,.... dẫn đến bức xúc lớn trong nhân dân.

tm-img-alt
Tấm bảng nội dung về dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Hà Nội qua 1 thập kỷ đã trở nên ố mờ, han rỉ.
Chủ đầu tư: Chậm triển khai do "đen” vướng vào quy hoạch thủ đô

Để có thông tin khách quan, PV đã có buổi trao đổi với đại diện Chủ đầu tư là ông Phạm Hồng Hà (Giám đốc công ty FBS). Ông cho biết: 

"Dự án này bên anh được UBND tỉnh Hà Tây cấp quyết định đầu tư từ 2008. Đến 8/2008, Hà Tây sát nhập vào Hà Nội, vấn đề pháp lý của bên anh cơ bản đầy đủ, từ quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch, thiết kế rồi, chỉ việc triển khai thôi. Tuy nhiên, đen ở 1 cái là chia theo khu vực của Hà Nội thì toàn bộ khu vực ấy quy hoạch là thành phố vệ tinh của Hà Nội, rơi vào vành đai xanh. Toàn bộ quy hoạch phải điều chỉnh lại cho nên dự án trên phải dừng lại theo sự rà soát của Hà Nội. Từ lý do đó bên công ty chỉ thực hiện được GPMB (do huyện người ta thực hiện). Đến tận 2014 bên anh mới được tiếp tục thực hiện dự án này sau khi được rà soát lại, tức là phải theo toàn bộ thông số của TP Hà Nội.”

Tuy nhiên, trao đổi nhanh với lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai, PV được sự khẳng định từ phía chính quyền là dự án trên không hề vướng vào vành đai xanh như công ty trả lời!


Đất đai để hoang gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên.

Nhưng vấn đề quy hoạch thì là câu chuyện của trước 2014. Sau 2014, CĐT được bắt đầu triển khai dự án. Thế nhưng vì sao vẫn bị kéo dài đến nay?

Cụ thể:

Ngày 31/10/2013, UBND TP cấp giấy chứng nhận đầu tư cho liên danh nhà đầu tư là công ty CP Tài Chính và Phát triển doanh nghiệp và Keppel Land Invessttment thực hiện dự án trên. Thời hạn 5 năm.

Sau 5 năm là đến 2018, UBND TP Hà Nội lại ra thông báo chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hà Nội Westage (Quốc Oai, TP Hà Nội) sau đề nghị của chủ đầu tư là thành viên của công ty CP Tập Đoàn Ga Mi làm. Trong đó, thống nhất điều chỉnh 4 nội dung trong chủ trương đầu tư: điều chỉnh nhà đầu tư; quy mô diện tích thực hiện dự án là 45,2ha (tăng hơn so với ban đầu: 44,4ha); tăng tổng vốn đầu, tăng thời gian thực hiện là quý 4.2018 và đưa công trình vào sử dụng từ quý 4.2023. 

Như vậy, sau 5 năm không triển khai, dự án không bị thu hồi mà còn được TP Hà Nội ưu ái chấp thuận điều chỉnh quy mô tăng lên, xin và được gia hạn thêm 5 năm tiếp (tức giai đoạn 2018-2023). Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, sự ưu ái này của TP có đang "vẽ đường” để các CĐT cố tình không đưa đất vào sử dụng, ôm đất, gây lãng phí lớn tài nguyên đất đai? Hiện tại đã là giữa năm 2022, còn 1 năm nữa hết hạn 5 năm, liệu CĐT lại được gia hạn thêm chăng?

Theo quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013, "Trường hợp được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa nếu không gia hạn thì Nhà nước thu hồi".

Như vậy, liệu rằng CĐT đang cố tình "lách" bằng cách xin điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần để dùng kế "hoãn binh", kéo dài thời gian thực hiện dự án mà không bị thu hồi đất?

GPMB còn 10%, CĐT buộc phải " đi đêm” hỗ trợ thêm cho dân?!

Về vướng mắc trong GPMB, ông Hà cho biết "Toàn bộ dự án đã GPMB được 90% rồi, 10% còn lại chưa xong, do dân không cần tiền, không hợp tác. Để thúc đẩy 10% đất còn chưa GPMX xong, bên anh đã đề nghị thực hiện công tác cưỡng chế, phương án nữa là đã hỗ trợ thêm ngoài cho dân. Những diện không cần tiền thì anh đề nghị cưỡng chế".


Chính quyền UBND huyện Thanh Trì cho biết cưỡng chế có thể thực hiện được nhưng CĐT không thực hiện dự án luôn mà đất vẫn để hoang thì dân họ kêu!

Tuy nhiên, tại văn bản trả lời báo Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử của UBND Huyện Quốc Oai, được biết "Ngày 15/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành quyết định số 2431/QĐ-UBND về việc giao chính thức 444.036m2 đất thuộc thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ cho công ty để thực hiện dự án khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai.

UBND huyện Quốc Oai đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, GPMB cho 1491/1516 hộ có đất bị thu hồi với tổng S hơn 42ha.

Công ty đã nhận bàn giao mặt bằng ở xã và thị trấn với diện tích 399.237m2/444.036m2, tương đương khoảng 90% diện tích  đất được giao theo quyết định giao đất. Trong khi đó, CĐT đã thi công san nền để chống tái lấn chiếm 80% diện tích đất đã bị thu hồi".

Đáng chú ý, tại buổi trao đổi, ông Hà tiết lộ: "Để GPMB nhanh, bên anh cũng phải "đi đêm” nhiều với dân để lấy được khu vực nằm trọn trong lô đất nào đấy để mà xin giao trước để triển khai. Công tác này sở TNMT đã đang kiểm tra xem xét để giao trước khu này. Bên anh không phải không muốn làm mà xin để làm cũng không được.”

Trong khi đó, trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai thì PV được biết" không phải huyện không cưỡng chế được người dân mà là cưỡng chế xong thì đất vẫn bỏ hoang, dân không được canh tác mà công ty chây ỳ không thực hiện dự án thì dân họ kêu. Bao nhiêu năm bỏ hoang lãng phí dân đã ý kiến rất nhiều rồi."

Như vậy, CĐT đã được giao đất chính thức ở số 90% đất tại dự án (gần 40ha) trên, cưỡng chế 10% có thể thực hiện được ngay nhưng CĐT chưa chịu triển khai nên huyện chưa tiến hành cưỡng chế, vậy mà ông Hà giám đốc công ty lại trả lời rằng "Việc kéo dài lâu công ty cũng rất kêu với các sở ban ngành rằng không giao được đất chúng tôi không làm được” để đổ lỗi hoàn toàn do chính quyền và do công tác GPMB nên dự án mới chậm hơn chục năm qua!

Hơn 10 năm làm chủ dự án- GaMi Group chưa phải trả đồng nào nghĩa vụ sử dụng đất!

Cũng tại văn bản trả lời báo, UBND huyện Quốc Oai nêu rõ: "Công ty TNHH Liên doanh Hà Nội Westage chưa phát sinh nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước về tiền sử dụng đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với dự án.

Công ty CP Tài chính và phát triển doanh nghiệp đã chuyển cho ban bồi thường GPMB huyện Quốc Oai 52 đợt với tổng số tiền  là 326 tỷ đồng".


Văn bản trả lời báo của UBND huyện Quốc Oai.

Có một thực tế đáng lưu ý rằng, số tiền mà công ty chi trả GPMB 326 tỷ đồng kia thoạt nhìn là khá lớn, tuy nhiên đó chỉ là số tiền ứng trước, sau này khi bắt đầu thực hiện dự án, dự án có giấy phép xây dựng thì CĐT mới bắt đầu cần thanh toán tiền sử dụng đất và được đối trừ số tiền 300 tỷ đã ứng trước kia.

Ông Hà cũng khẳng định "Công ty hiện tại chưa phải nộp tiền sử dụng đất, nguyên tắc là GPMB xong thì đất mới phải nộp thuế đất phi nông nghiệp”.

Tuy nhiên, 300 tỷ cho 44 ha đất nông nghiệp của 10 năm về trước so với giá 44ha hiện tại nó đã chênh gấp bao nhiêu lần? Điều này, giá trị lợi nhuận khổng lồ thực sự thuộc về đơn vị nào? Chục năm chưa ra được Giấy phép xây dựng, chưa giải quyết GPMB xong được 10% (khoảng 4ha) trong tổng số 45ha nguyên nhân thực sự là đo dâu?

Trách nhiệm của chính quyền UBND TP Hà Nội, UBND huyện Quốc Oai ra sao khi quản lý đất tại địa phương suốt hơn chục năm qua, dự án chậm triển khai, gây "chảy máu tài nguyên đất" bức xúc lớn trong nhân dân nhưng không hề đề nghị thu hồi dự án?
Gami Group được thành lập năm 1993, khởi đầu là nhà phân phối của nhiều hãng xe hơi tại Việt Nam. Các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới mà tập đoàn phân phối tại Việt Nam bao gồm Mercedez Benz, Mitsubisshi, GM, Ford.

Người sáng lập doanh nghiệp này là doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng, nhưng ông Dũng hiện đã rời ghế chủ tịch Gami Group.

Người nắm giữ Gami Group hiện tại bà Tạ Thị Tú Trinh với vai trò chủ tịch HĐQT. Trước năm 2018, bà Tạ Thị Tú Trinh từng giữ vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Gami Group.

Bà Trinh hiện cũng đang nắm cổ phần ở một số doanh nghiệp khác như FBS, CTCP Gami Bất động sản (Gami Land), CTCP Gami Thực phẩm, CTCP Đầu tư Thương mại Trung Sơn, CTCP Pizza Ngon. Là một nữ doanh nhân quyền lực, đứng đầu Gami Group và sở hữu cổ phần tại loạt doanh nghiệp lớn, nhưng nữ đại gia này khá kín tiếng, cái tên Tạ Thị Tú Trinh cũng ít khi được báo chí nhắc đến.

Về lịch sử phát triển và hệ sinh thái của Gami Group, từ phân phối xe hơi vào năm 1993, đến năm 2001, doanh nghiệp này lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khi thành lập FBS. Năm 2007 thành lập CTCP Gami Thương mại (Gami Corp), năm 2008 thành lập Gami Land và năm 2017 thành lập CTCP Gami Themepark.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

trhrr
fasfds
htry
fggr

Đồng Nai: Hơn 1 ha đất trồng lúa “biến thành” trạm vận tải của Chi nhánh Cty Vạn Công Thành?

Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.

Ứng Hòa: Trạm trộn bê tông hoạt động không phép gây ảnh hưởng đến môi trường tại xã Phương Tú

Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.

Gia Lai: Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các điểm thu gom mủ cao su Công ty 75

Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.

Thừa Thiên Huế: Cần kiểm tra tình trạng khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm của mỏ đá Sơn Thủy

Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Phạt hơn 5 tỷ đồng một giám đốc doanh nghiệp Thừa Thiên Huế vì hành vi khai thác đá trái phép

Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng trên đường vào Khu công nghiệp Long Đức

Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.