Tại Website của Tập đoàn HBG có thông tin: "Từ năm 2013, Tập đoàn cùng với Công ty thành viên Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án tổ hợp Northern Star Complex (một dự án với quy mô lớn và mang tầm quốc tế để khẳng định thương hiệu của HBG Hòa Bình Group)".
Theo đó, dự án tổ hợp gara cao tầng, thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn và căn hộ để bán B12 khu đô thị Nam Trung Yên (tên thương mại) Northern Star Complex) có tổng diện tích là 13.456m2. Trong đó, diện tích xây dựng 6.500m2; tổng diện tích sàn là 110.660m2; mật độ xây dựng: 48% (khối đế) và 35% (khối tháp). Với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 990 tỷ đồng, dự án của Sao Phương Bắc dự kiến có 4 gara cao tầng nhằm giải tỏa áp lực thiếu chỗ gửi xe cho khu vực lân cận, 1 khách sạn kết hợp văn phòng cho thuê 19 tầng và 1 tòa chung cư 25 tầng với hơn 390 căn hộ.
Tuy nhiên, dự án quy mô và tầm quốc tế ấy hiện tại (sau ngót chục năm) vẫn chỉ là bãi đất trống để hoang với nhiều lùm xùm, xử lý vi phạm.
Trang chủ HBG Group (http://hbggroup.vn)- Sao phương Bắc (CĐT dự án Northern Star Complex B12 Nam Trung Yên)
"Dự án 10 năm chưa thực hiện, nợ thuế hàng trăm tỷ”
Từ năm 2010, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giao đất để công ty Sao Phương Bắc thực hiện Dự án theo văn bản số 584/QĐ-UBND ngày 01/02/2010; Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hà Nội chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc tại công văn số 1558/QHKT-TH ngày 18/5/2011.
Năm 2016, công ty lại đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc của Dự án. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã chấp thuận tại văn bản số 2733/UBND-ĐT ngày 13/5/2016 theo đề xuất tại văn bản số 2228/QHKT-P8 ngày 29/4/2016 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố.
Theo báo cáo giám sát của HĐND TP. Hà Nội, tính đến hết năm 2017, dự án này vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 222 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, mặc dù công ty không hoàn thành nghĩa vụ thuế, chậm tiến độ nhưng tháng 12/2018, UBND TP Hà Nội vẫn tạo điều kiện, chấp thuận điều chỉnh dự án và Sở Quy hoạch - Kiến trúc cấp giấy phép quy hoạch, đây cũng là những cơ sở để doanh nghiệp có thể tiếp tục triển khai dự án. Đáng chú ý, quy mô dự án đã được mở rộng, tổng số căn hộ được phép lên tới 540 căn cùng chiều cao tối đa của tòa chung cư lên tới 43 tầng.
Ô đất vàng tại B12 Nam Trung Yên sau 10 năm vẫn để hoang lãng phí, gây bức xúc trong dư luận.
Thông tin từ UBND Quận Cầu Giấy, đến 2021, Chi Cục thuế Hà Nội mới ra thông báo công ty còn nợ số tiền 1 tỷ đồng được gia hạn đến hết 12/2021.
Tháng 5/2019, Theo kết luận Thanh tra của Sở TNMT về việc chấp hành sử dụng đất trên khu đất này của Công ty CP Đầu tư và phát triển Sao Phương Bắc thì không có hoạt động xây dựng, chưa đưa đất vào sử dụng 67 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa, vi phạm Luật Đất đai năm 2013.
Dự án trên nằm trong danh sách Báo cáo giám sát các dự án ngoài ngân sách của HĐND TP. Hà Nội về việc lấn chiếm, để đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê đất sai quy định diễn ra một số nơi. Trải qua quá trình hơn 10 năm dự án vẫn chưa bị thu hồi, xử lý mặc dù đến nay chưa thể thực hiện, qua nhiều đợt thay đổi, biến động, điều chỉnh chủ trương đầu tư, thay đổi quy hoạch.
Ngang nhiên khoan cọc khi chưa có giấy phép xây dựng
Ngày 18/3/2020, UBND Quận Cầu Giấy ra thông báo số 72/QĐ-XPVPHC do Phó Chủ tịch Trần Việt Hà ký, xử phạt hành chính công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Sao Phương Bắc. Người đại diện theo pháp luật là Trịnh Thị Thùy Dương, Tổng giám đốc.
Lý do xử phạt: Thi công công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng. Số tiền: 40 triệu đồng.
UBND phường Trung Hòa đã từng phải cưỡng chế, giải tỏa toàn bộ sân bóng hoạt động trái phép và các công trình tạm tại dự án.
Văn bản xử phạt vi phạm xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng của UBND Quận Cầu Giấy đối với công ty Sao Phương Bắc, số tiền 40 triệu đồng.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, công ty Sao Phương Bắc đang phải đợi phê duyệt chủ trương đầu tư lại vì thay đổi quy mô, tổng mức đầu tư quá lớn, vượt thẩm quyền của UBND TP Hà Nội và phải xin HĐND TP Hà Nội duyệt. Dự án cũng đương nhiên chưa được phê duyệt ĐTM 1/500, chưa có giấy phép xây dựng…. tuy nhiên cũng trên website của công ty lại tự tin khẳng định "Lãnh đạo tập đoàn đã giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc - Chủ đầu tư, Tổng thầu thiết kế SDN và Tổng thầu thi công xây dựng HBG Hòa Bình Group phải đưa dự án vào hoạt động vào tháng 12 năm 2022 theo đúng hợp đồng đã ký kết với đối tác Marriott International”.
Mặt khác như chắc chắn việc sẽ được chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư từ HĐND TP, cũng thông tin trên website của công ty thì được biết "Sáng ngày 17/6/2021, tại trụ sở công ty Cổ phần HBG Hòa Bình Group, đã diễn ra buổi lễ ký kết hợp đồng xây dựng giữa Tổng thầu Thi công và nhà thầu thi công Liên doanh Công ty Cổ phần Ecoba Việt Nam - đơn vị thi công Haseko dưới sự chứng kiến của Chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc" để thực hiện dự án trên.
Thế nhưng, hiện tại dự án vẫn "án binh bất động"!
Bất ngờ văn hóa trả lời báo chí của đại diện chủ đầu tư
Khi hỏi vấn đề xử lý, xử phạt vi phạm của chính quyền UBND quận Cầu Giấy, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở TNMT trong suốt quá trình nhận dự án đến nay ra sao, ông Nguyễn Văn Phú (đại diện chủ đầu tư) né tránh trả lời và đề nghị rằng "PV phải lên xin liên hệ chỗ các đơn vị đó, chứ công ty không nắm được, không có nghĩa vụ phải cung cấp, họ xử lý thì cũng không thông báo cho công ty”!? Trong khi quyết định xử phạt 40 triệu đồng vừa kể trên là gửi đích danh công ty để nộp phạt.
Cách trả lời thiếu trách nhiệm, có phần thách thức dư luận của đại diện CĐT là công ty CP Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc, đại diện cho Tập đoàn Hòa Bình Group luôn khẳng định kim chỉ nam hoạt động là sự "uy tín, tiến độ, chất lượng và hiệu quả"...mà lại trả lời báo chí như trên liệu có thật sự xứng đáng với hai chữ "có tâm, có tầm"?
CĐT đề nghị điều chỉnh chủ trương theo mức độ tăng lên về quy mô vượt mức thẩm quyền của UBND TP, dự án vẫn đang ở chế độ "treo" đợi phê duyệt sau suốt 10 năm để hoang hóa gây lãng phí lớn tài nguyên.
Về lý do đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai, cũng theo ông Phú: "vì dự án thay đối quy hoach, tăng mật độ xây dựng vượt thẩm quyền của UBND nên phải xin ý kiến chấp thuận chủ trương của HĐND Thành phố Hà Nội. Tiếp đó là xin chấp thuận đề án bảo vệ môi trường ĐTM, cấp giấy phép xây dựng”.
Nếu vậy, trách nhiệm để dự án trên hiện vẫn chưa thể triển khai là do phía Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho phép thay đổi quy hoạch vượt ngoài quản lý của cấp UBND mà phải kéo dài thời gian đợi HĐND chấp thuận?
Để làm rõ trách nhiệm từ phía cấp quản lý TP Hà Nội khi để "đất vàng" dự án trên "dậm chân tại chỗ" gần thập kỷ không bị thu hồi, PV đã liên hệ làm việc với UBND quận Cầu Giấy, Sở Quy hoạch-Kiến trúc và sẽ thông tin rõ ở bài viết sau!