moitruongplus Lấn chiếm trái phép hàng ngàn m2 đất ngoài quy hoạch, Cty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa bị xử phạt hơn 60 triệu đồng. Tuy nhiên đã nhiều tháng trôi qua, Cty này vẫn không khắc phục hậu quả trong sự "im lặng” khó hiểu của UBND huyện Tân Kỳ?
Ngang nhiên lấn chiếm 3.500m2 đất ngoài quy hoạch
Vào ngày 23/09/2021 Môi trường và Đô thị có bài viết: "Nghệ An: Hàng loạt sai phạm tại nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel Cừa, Tân Kỳ” phản ánh về việc công ty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa (viết tắt là Cty Cừa) lấn chiếm hàng ngàn m2 đất của người dân và đất khe suối tại xóm Thắm, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ.
Theo đó, vào năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An cho Cty Cừa thuê 21.245,4m2 (trong đó có 497,0m2 đất nằm trong hành lang điện 220KV) để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Thời hạn sử dụng đất 70 năm, hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Vị trí, ranh giới khu đất khu đất xác định theo Trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính khu đất số 57/2016/BĐĐC/VPĐK được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 06/3/2016. Ngày 12/5/2016, Cty Cừa được GĐ Sở TN&MT Nghệ An cấp giấy chứng nhận QSDĐ thuộc thửa đất số 521, tờ bản đồ số 15, diện tích 21.245,4m2
Quyết định xử phạt hành vi lấn chiếm 3.500m2 đất trái phép với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng đối với Cty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa.
Vị trí, ranh giới khu đất rõ ràng là thế nhưng sau khi xây dựng nhà máy, đưa vào hoạt động, Cty Cừa đã lấn chiếm thêm 3.500m2 phía sau nhà máy để làm bãi tập kết đất sét nguyên liệu. Cụ thể nhà máy gạch ngói Cừa đã tập kết, lấn chiếm toàn bộ thửa đất số 187, một phần thửa đất 154, tờ bản đồ số 15 với diện tích khoảng 3.000m2 do bà Nguyễn Thị Sâm quản lý, sử dụng lâu nay; 450m2 đất khe suối tại xóm Thắm, xã Nghĩa Hoàn.
Sau khi phát hiện việc chiếm dụng đất đai trái phép, bà Nguyễn Thị Sâm đã yêu cầu nhà máy chở đất nguyên liệu ra khỏi thửa đất của mình, trả lại hiện trạng như ban đầu. Tuy nhiên Cty Cừa đã không chấp hành, ngược lại còn thách thức nên bà Sâm đã gửi đơn thư lên cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, điều hết sức "lạ lùng” là một sự việc sai phạm rõ ràng như thế, nhưng từ UBND xã Nghĩa Hoàn, cho đến UBND huyện Tân Kỳ vẫn "loay hoay” nhiều tháng không xử lý được dứt điểm. Sau nhiều tháng "ăn chực nằm chờ”, đi lên đi xuống, ngày 21/4/2021, đại diện UBND xã Nghĩa Hoàn gồm ông Nguyễn Đình Hưng – Chủ tịch UBND xã, ông Ứng Hồng Phong, địa chính môi trường, cùng với công an, địa chính xây dựng, đại diện xóm đã đến làm việc với bà Ngô Thị Hòa – Giám đốc Cty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa và bà Nguyễn Thị Sâm – người bị lấn chiếm đất đai.
Trong biên bản được lập vào hồi 10 giờ 30 ngày 21/4/2021 thể hiện nội dung: "…Căn cứ vào Quyết định số 19/QĐ.UBND-CN ngày 5/1/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại xóm Thắm, UBND xã tiến hành đo đạc và thống nhất diện tích sử dụng của nhà máy đã được phê duyệt và cấp bìa thì nhà máy sử dụng trong phạm vi Quy hoạch; phần đất còn lại ngoài khu vực nhà máy thì đề nghị công ty tạm dừng việc vận chuyển đất đai nằm trên phần đất của bà Nguyễn Thị Sâm…”
Biên bản cũng kết luận: "Đề nghị công ty MDQD Cừa tạm dừng mọi hoạt động chở đất ngoài khu vực nhà máy đã được phê duyệt; trong phần đất còn đang tranh chấp. Nếu công ty không thực hiện UBND xã sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Đề nghị công ty không đổ đất trên phần đất tranh chấp của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Sâm”.
Biên bản được lập và các bên đồng ý ký tên, trong đó có bà Ngô Thị Hòa - giám đốc nhà máy. Tuy nhiên ngay sau đó, nhà máy này vẫn bất chấp mọi quy định, tiếp tục cho xe tải, máy xúc đổ đất sét, ản ủi trên phần đất thuộc sở hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Sâm và đất khe suối do xã Nghĩa Hoàn quản lý.
Gần 7 tháng trôi qua, hậu quả vẫn không được khắc phục, Cty Cừa không khôi phục hiện trạng ban đầu mà tiếp tục chở đất vào tập kết, thách thức pháp luật trong sự "im lặng” khó hiểu của UBND xã Nghĩa Hoàn, UBND huyện Tân Kỳ.
Mặc dù việc làm sai trái của Cty Cừa diễn ra lâu nay, tiếp tục được tái diễn, không thực hiện như biên bản được lập nhưng UBND xã Nghĩa Hoàn vẫn không có một biên bản vi phạm hay quyết định xử phạt nào. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng có sự bao che, ngấm ngầm "im lặng” cho các hành động sai trái tại nhà máy gạch ngói Cừa của chính quyền địa phương ?
Xử phạt nhưng không khắc phục hậu quả ?
Không chấp nhận với cách làm việc của UBND xã Nghĩa Hoàn, bà Nguyễn Thị Sâm tiếp tục gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng. Sau nhiều lần chuyển đơn, chỉ đạo từ UBND tỉnh Nghệ An, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường… thì ngày 22/11/2021 UBND huyện Tân Kỳ mới ra quyết định xử phạt Cty Cừa.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đã ký ban hành Quyết định số 6451 xử phạt công ty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa, có địa chỉ tại xóm Thắm, xã Nghĩa Hoàn do bà Ngô Thị Hoà đại diện pháp luật, đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính: Lấn, chiếm đất tại khu vực nông thôn thuộc xóm Thắm, xã Nghĩa Hoàn để tập kết nguyên liệu sản xuất gạch ngói, tổng diện tích vi phạm 3.500m2, thời điểm vi phạm năm 2017.
Cụ thể lấn, chiếm 3.050m2 đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 14 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Lấn, chiếm 450m2 đất phi nông nghiệp (đất khe suối do UBND xã Nghĩa Hoàn quản lý) vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 14 ủa Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Các tình tiết tăng nặng: không; các tình tiết giảm nhẹ: Cty Cừa đã tự nguyện khai báo, tích cực phối hợp với Đoàn kiểm tra, UBND xã Nghĩa Hoàn trong việc xử lý vi phạm hành chính.
Cty Cừa bị áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả như sau: phạt tiền 20 triệu đồng hành vi lấn chiếm 3.050m2 đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ; phạt tiền 20 triệu đồng đối với hành vi chiếm 450m2 đất phi nông nghiệp (đất khe suối do UBND xã Nghĩa Hoàn quản lý). Tổng số tiền phạt là 40 triệu đồng.
Các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm gây ra (số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Nghị định 91 ngày 19/11/2019 của Chính Phủ). Tổng số tiền là 20.625.000 đồng. Buộc Cty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn chiếm.
Quyết định được ban hành rõ ràng là thế, nhưng đến nay đã gần 7 tháng trôi qua, hậu quả vẫn không được Cty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa khắc phục, mặc cho người dân liên tục có đơn thư yêu cầu, khiếu nại.
Đặc biệt trong nhiều lần chứng kiến Cty Cừa không những không khắc phậu quả, mà còn dùng xe tải lớn tiếp tục chở đất nguyên liệu tập kết lên vị trí vi phạm, người dân, báo chí phản ánh lên ông Phan Văn Giáp –Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ. Sau những lần như thế, ông Giáp đều phản hồi "Để anh tiếp tục đôn đốc thực hiện”; "Anh sẽ chỉ đạo ngay”… tuy nhiên sau đó, vẫn không có gì thay đổi (?!).
Chúng tôi cũng đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, người đã ký Quyết định số 6451 xử phạt công ty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa để thắc mắc vì sao sau đã nhiều tháng trôi qua, hậu quả vẫn không được Cty Cừa khắc phục, trong khi UBND huyện Tân Kỳ không có động thái gì nhưng không nhận được hồi âm.
Bà Nguyễn Thị Sâm bức xúc: "Sau nhiều lần tố cáo, khiếu nại, UBND tỉnh Nghệ An, các ban ngành rốt ráo chỉ đạo xử lý, UBND huyện Tân Kỳ mới ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên kiểu xử lý kiểu "nửa vời”, "giơ cao đánh khẽ”, vì đến nay nhà máy này vẫn không khắc phục hậu quả mà còn tiếp tục chở đất vào tập kết tại vị trí này và lấn thêm hàng ngàn m2 đất khác. Theo ước tính của tôi thì phải cả ha đất bị chiếm dụng trái phép chứ không chỉ ở con số 3.500m2 như UBND huyện Tân Kỳ kết luận”.
Theo bà Nguyễn Thị Sâm thì Cty Cừa hiện lấn chiếm cả héc ta đất trái phép chứ không chỉ là con số 3.500m2 như kết luận thanh tra của UBND huyện Tân Kỳ.
Sau nhiều lần gửi đơn thư, vào tháng 3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn số 2041 về việc giao giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ liên ngành (do Sở TN&MT làm tổ trưởng) và các Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT để kiểm tra, xác minh, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh hướng giải quyết đơn thư của bà Nguyễn Thị Sâm trú tại Khối 9, TT Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ.
Hiện nay, Tổ liên ngành do ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đang tích cực xác minh, làm việc.
Ngày 26/5/2022, sau khi có đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đã ký công văn số 3722 về việc gia hạn thêm 30 ngày làm việc trong vụ việc giải quyết đơn của bà Nguyễn Thị Sâm.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.