moitruongplus Khai thác cát bất chấp giờ giấc, bất chấp hậu quả về môi trường là thực trạng đang diễn ra tại sông Krông Pắk, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Nhiều chiêu trò qua mặt cơ quan chức năng
Theo nhiều người dân sinh sống tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, hiện tượng khai thác cát trên sông Krông Pắk, đoạn chảy qua địa phận xã Ea Ô, đang diễn ra vô cùng phức tạp và làm sạt lở bờ sông nghiêm trọng.
Tại hiện trường PV ghi nhận, lòng sông Krông Pắk rất hẹp, nhưng việc khai thác và tập kết cát lại với quy mô rất lớn, một trong những doanh nghiệp khai thác cát tại đây là Công ty Đoàn Kết. Công ty này đã lập bến bãi, hạ thủy hàng loạt tàu bơm hút, gây sạt lở hai bên bờ sông khiến người dân vô cùng bức xúc. Vị trí khai thác, tập kết gần cầu số 1, chỉ cách trụ sở UBND xã Ea Ô khoảng vài km nhưng không có bảng hiệu công trình. Tại đây thường xuyên có 6 sà lan chuyên chở cát tới bãi tập kết cát ngay bên bờ sông, hầu hết đều mang tên "Công ty TNHH Khai thác cát”, không có tên doanh nghiệp. Đồng thời, số hiệu của một số sà lan cũng có dấu hiệu bị tẩy xóa, không rõ ràng… Không biết các phương tiện này có được đăng ký, đăng kiểm theo quy định hay không?
Từ các sà lan này, cát được hút lên bờ và múc trực tiếp lên xe để mang đi tiêu thụ. Việc khai thác cát được thực hiện gần như cả ngày. Điều này đã khiến cho dòng sông Krông Pắk sạt lở nghiêm trọng, trong đó có những đoạn bị lở với chiều dài lên đến hàng trăm mét và chiều sâu hàng chục mét. Quan sát dọc bờ sông, có thể dễ dàng thấy những vết đất nứt, sụp đổ xuống lòng sông lấn sâu vào đất trồng trọt hai bên bờ của người dân.
Bên thân tàu hút cát chỉ ghi "Công ty TNHH khai thác cát”.
Cũng tại khu tập kết cát của Công ty Đoàn Kết, chúng tôi đã ghi nhận được hàng loạt xe đầu kéo, xe tải lớn (nhiều người còn gọi là xe 4 giò) chuyên chở cát mang các biển số như: xe 47C-220.25; xe 47C- 234.00; xe 47C-107.24 kéo theo rơ móc mang biển số 47R-001.16; xe 47R-00.456; xe 47H-226.42; xe 47H-00.333; xe 47C.226.93; xe 47C-072.39… Các xe này đều được cơi nới thành thùng cao hơn nhiều so với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất và đa số được gắn logo viết tắt là "LD” (Linh Đan – PV) hoặc "Văn Tuấn”.
Để đối phó với cơ quan chức năng, tại khu vực tập kết cát bên bờ sông Krông Pắk của Công ty Đoàn Kết có lắp một trạm cân điện tử, nhưng theo ghi nhận nhiều ngày của PV thì trạm cân này không hề hoạt động. PV đã ghi lại hình ảnh hàng loạt xe được đưa lên bàn cân nhưng số liệu của cân luôn dừng ở số 0.
Mặc dù xe chở cát đã leo lên trạm cân nhưng cân vẫn hiển thị số "0”.
Khai thác cát vượt công suất?
Theo tìm hiểu của PV, "Giấy phép khai thác khoáng sản” (gọi tắt là Giấy phép) khai thác cát tại sông Krông Pắk lần 1 được cấp cho Công ty TNHH Anh Quốc năm 2014 với trữ lượng được phép là 339.389 m3/năm. Năm 2015, Công ty Anh Quốc bán cho Công ty Đoàn Kết (do ông Trần Ngọc Bé là Giám đốc và người đại diện theo pháp luật). Theo đó, Công ty Đoàn kết được khai thác trên diện tích 335.000 m2, tương đương với 33,5 ha có chiều dài theo dọc sông là 20 km thuộc địa phận xã Ea Ô, huyện Ea Kar; vị trí, ranh giới khu vực mỏ được xác định theo tờ bản đồ khu vực khai thác tỷ lệ 1/25.000 kèm theo.
Tại Quyết định 835/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh Đắk Lắk do ông Y Dhăm Ênuôi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký đã nêu rõ trách nhiệm đối với Công ty Đoàn Kết như sau: "Không được khai thác cát tại các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở; không được thực hiện việc chuyển nhượng đất nông nghiệp dọc hai bên bờ sông để thực hiện việc bơm hút cát; Chỉ được tiến hành hoạt động khai thác, vận chuyển cát theo số lượng đã đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường; Khai thác đúng phạm vi, ranh giới, diện tích được cấp phép, thực hiện cắm mốc ranh giới khu vực được cấp phép khai thác; Trong quá trình khai thác tuân thủ theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không gây sạt lở bờ sông và làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực. Chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành. Nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ, thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật; Thời hạn khai thác đến ngày 25/3/2021”.
Ngoài ra, "Giấy phép khai thác khoáng sản” (gia hạn lần 2) số 37/GP-UBND tỉnh Đắk Lắk ngày 25/3/2021 do ông Y Giang Gry Niê Knơng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký, có ghi rõ các nội dung cho phép Công ty Đoàn Kết được khai thác cát đến 25/3/2024, với các trách nhiệm cơ bản sau: "Thời gian hoạt động khai thác trong ngày khai thác từ 7h sáng đến 5h chiều, không được khai thác vào ban đêm; Công ty Đoàn Kết tiếp tục thực hiện việc khai thác cát theo Giấy phép đã được phê duyệt trước đó (Giấy phép lần 1); Thực hiện việc lắp đặt, vận hành trạm cân và camera giám sát theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 42, Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ để giám sát khối lượng cát mua-bán tại bến bãi theo quy định…”.
Báo cáo kết quả sản lượng hoạt động khai thác cát số 01/2020/BC-ĐK của Công ty Đoàn Kết ngày 31/12/2020 cho thấy: Trong năm 2020, khối lượng khai thác là 305.450 m3, công suất khai thác: 48.000 m3/năm; độ sâu khai thác 1,6 m. Tổng số tiền cấp quyền khai thác cát năm 2020 là 1.283.183.800 đ. Tổng sản lượng khai thác năm 2020 được Công ty Đoàn Kết báo cáo là 44.418 m3 cát.
Trước đó, tổng sản lượng năm 2015 là 3.993 m3; năm 2016 là 9.400 m3; năm 2017 là 5.678 m3; năm 2018 là 10.786 m3; năm 2019 là 27.190 m3. Sang đến năm 2021, kể từ ngày 1/1 đến ngày 27/5, Công ty Đoàn kết báo cáo đã khai thác được tổng cộng 26.336 m3 cát. Hiện số lượng khai thác cát cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 chưa có thông tin cụ thể.
Một số hình ảnh PV ghi nhận được trong quá trình tàu hút cát.
Vậy việc lắp đặt trạm cân nhưng không hoạt động (luôn dừng ở số 0 bất cứ xe có tải hay không tải), sẽ khiến cho vấn đề kiểm soát khối lượng khai thác cát từ các cơ quan chức năng không còn tác dụng thực tế?
Bên cạnh đó, dọc theo tuyến đường liên xã từ xã Ea Ô đến xã Cư Ni chỉ dài khoảng hơn 10 km xuất hiện hàng trăm ổ gà, ổ voi do các xe chở cát có dấu hiệu quá tải gây ra khiến cho các phương tiện lưu thông qua đây vô cùng vất vả. Nhiều đoạn đường dài hàng chục mét được vá vội bằng đất thay vì bằng nhựa.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.