Những câu hỏi gửi Bộ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Kỳ 1
Thứ hai, 4/4/2022 | 3:23:32 Chiều
moitruongplusChiều 01/4/2022, trả lời tin nhắn của bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT nhắn: "Ai làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí bị tù tội… Tôi sẽ phân công Thứ trưởng Sang phụ trách dự án làm việc với chị…".
Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân triển khai năm 2015, cung cấp nước sinh hoạt cho 27.000 hộ dân của 9/10 xã vùng nhiễm mặn huyện Nghĩa Hưng, Nam Định.
Lời trần tình của bà Nguyễn Thị Thanh
Bà Nguyễn Thị Thanh là Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh (Công ty Mai Thanh), chủ dự án Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân đang cấp nước sinh hoạt cho 27.000 hộ dân thuộc 9/10 xã vùng nhiễm mặn của huyện Nghĩa Hưng, một trong số ít dự án có số vốn doanh nghiệp đầu tư lớn và có hiệu quả, được triển khai từ năm 2015, đi vào vận hành năm 2017, góp phần vào thành tích chung của tỉnh Nam Định là tỉnh đầu tiên "cán đích” nông thôn mới vào năm 2019.
Theo bà Thanh, phải khẩn cầu xin gặp Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là vì Bộ GTVT được Chính phủ giao triển khai Dự án WB6, trong đó có Hạng mục đào kênh nối sông Đáy và sông Ninh Cơ được khởi công năm 2019, cắt ngang tuyến ống nước sạch của Công ty Mai Thanh. Theo đó, Dự án WB6 phải hoàn trả công trình tuyến ống mới qua kênh cho Công ty Mai Thanh.
Tuy nhiên, bà lại đang bị ép nhận một công trình tuyến ống hoàn trả đi ngầm dưới đáy kênh với khuyến cáo được ghi trong hồ sơ tư vấn kỹ thuật là "khi xảy ra sự cố thì không thể phát hiện và khắc phục nên phải đảm bảo công tác thi công”. Theo bà, nó "giống như một quả bom nổ chậm” cài vào Nhà máy nước sạch có thời gian vận hành 50 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm ngàn người dân nông thôn.
Để đảm bảo tính pháp lý và kỹ thuật, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu hoàn trả công trình tuyến ống nước sạch phải có giá trị "tương đương về tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành” và sự cố xảy ra có thể khắc phục trong vòng 72 giờ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, Công ty Mai Thanh đã kiên trì đề xuất phương án đi nổi (có trụ đỡ độc lập hoặc đi dọc 2 bên thân cầu) nhưng đã bị UBND huyện Nghĩa Hưng cùng phía Dự án WB6 gạt đi một cách vô lý.
UBND huyện Nghĩa Hưng được giao làm Chủ đầu tư công trình hoàn trả tuyến ống là không có cơ sở pháp lý và thực tiễn. Theo bà Thanh, đây là "thỏa hiệp” giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Nam Định trước sai phạm 2 bên đã bỏ quên, không cập nhật công trình tuyến ống nước sạch là công trình phải hoàn trả ngay từ khi triển khai giai đoạn 2 của dự án WB6. Đến khi "phát hiện ra” và thống nhất đưa vào danh sách công trình phải hoàn trả thì Kênh nối Đáy – Ninh cơ đã khởi công được gần 2 năm, đã thi công xong hàng loạt trụ cầu, không thể xem lại thiết kế cầu để đưa tuyến ống nước sạch cung cấp cho 9 xã huyện Nghĩa Hưng đi nổi trên cầu.
Để không ảnh hưởng đến kết cấu cầu vượt, phương án hoàn trả tuyến ống đi ngầm dưới đáy kênh là khả thi nhất và nhiệm vụ này được tách ra và chuyển sang phần giải phóng mặt bằng (GPMB) giao cho địa phương thực hiện.
Tuy nhiên, chính UBND huyện Nghĩa Hưng tại Văn bản số 587/UBND-TNMT ngày 30/9/2020 đã đề nghị trả lại "nhiệm vụ” cho Bộ GTVT vì công trình hoàn trả có "nhiều yếu tố kỹ thuật ngoài chức năng, nhiệm vụ của UBND huyện Nghĩa Hưng”.
Công ty CP Phát triển TNMT Đông Dương được UBND huyện Nghĩa Hưng ký hợp đồng tư vấn kinh tế - kỹ thuật, trong hồ tư vấn cũng nêu: phương án đi nổi là không khả thi vì "sẽ đi vào ngõ cụt” do không thuận lợi cho Chủ đầu tư WB6.
Thực tế, ngoài việc cùng nhau thống nhất gạt bỏ đề xuất phương án đi nổi của Công ty Mai Thanh, UBND huyện Nghĩa Hưng đã thể hiện sự lúng túng trong triển khai công trình hoàn trả khi phải 3 lần ban hành 3 quyết định phê duyệt thay thế nhau điều chỉnh, bổ sung thiết kế kinh tế, kỹ thuật. Tuy nhiên, Công ty Mai Thanh vẫn không chấp nhận, đã làm đơn khiếu nại và kêu cứu khắp nơi.
UBND huyện Nghĩa Hưng không giải quyết Đơn khiếu nại của Công ty Mai Thanh theo đúng trình tự của Luật Khiếu nại, mà đáp lại, ngày 08/3/2022 đã ra Quyết định cưỡng chế nhằm thực hiện công trình hoàn trả đi ngầm đã phê duyệt.
Có hay không công trình nước sạch bị bỏ quên?
Hạng mục công trình Kênh nối Đáy – Ninh Cơ, tại huyện Nghĩa Hưng, khởi công năm 2019, dự kiến hoàn thành tháng 6/2022, hiện đang phải xin gia hạn.
Căn cứ vào hồ sơ thu thập được và diễn biến sự việc, cho thấy, UBND tỉnh Nam Định và Bộ GTVT cần phải làm rõ những vấn đề pháp lý về công trình hoàn trả trước thời điểm cưỡng chế mới thuyết phục được Công ty Mai Thanh và dư luận.
Trước hết, là câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm về tuyến ống nước sạch đoạn qua Kênh nối Đáy – Ninh Cơ hiện hữu 3 năm không có trong danh mục "công trình hiện hữu” phải hoàn trả của Dự án WB6 ?
Ngày 04/4/2008, Bộ GTVT có Quyết định số 883/QĐ-BGTVT về đầu tư Dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
WB6 được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2008 đến hết tháng 12/2015, Hạng mục Kênh nối Đáy – Ninh Cơ tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định chưa thực hiện.
Giai đoạn 2, được triển khai từ ngày 2/11/2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2094/QĐ-TTg về việc bổ sung vốn Dự án WB6 do WB tài trợ với tổng vốn 110,8 triệu USD "để sử dụng cho các hạng mục: đào kênh nối sông Đáy – Ninh Cơ, xây cầu vượt kênh và âu tàu đảm bảo tàu trọng tải tới 3000 DWT hoạt động; đồng thời xây dựng hoàn trả các công trình hiện hữu khi đào kênh”.
Tuy nhiên, trong hồ sơ của Dự án WB6 và tại Quyết định 3656/QĐ-BGTVT ngày 23/11/2016 của Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở hạng mục Kênh nối Đáy – Ninh cơ đã không hề có "công trình hiện hữu khi đào kênh” là tuyến ống nước sạch của Công ty Mai Thanh cho dù tuyến ống này đã hiện hữu gần 3 năm trước thời điểm khởi công Kênh nối Đáy – Ninh Cơ (năm 2019).
Việc không cập nhật còn thể hiện trong Báo cáo của Ban Quản lý các Dự án Đường thủy gửi Bộ TN&MT, dẫn đến, Bộ này đã trả lời không cần phải đánh giá lại Báo cáo tác động môi trường (ĐTM) khi triển khai Dự án WB6 giai đoạn 2. Trong khi đó, với việc đào kênh, vùng xâm nhập mặn đã thay đổi, lấn sâu theo kênh đào và ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến ống cấp nước sạch và dự án nước sạch. Trong khi đó, Điểm 2.1 của Quyết định 2485/QĐ-BTNMT, ngày 11/12/2013, phê duyệt ĐTM dự án WB6 nêu rõ yêu cầu về tác động môi trường khi thi công dự án phải phù hợp giảm thiểu các tác động xấu đến chất lượng nước sông, hệ thủy sinh và bất lợi đến các hoạt động kinh tế khác.
Mặt khác, Dự án Kênh nối Đáy – Ninh cơ bắt đầu thực hiện ngày 02/11/2016, quá 24 tháng kể từ ngày có quyết định báo cáo ĐTM (11/12/2013), theo Luật Bảo vệ môi trường là phải đánh giá lại báo cáo ĐTM. ĐTM là một căn cứ quan trọng để đánh giá tính khả thi, những vấn đề phát sinh của dự án. Việc bỏ qua này đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy về sau với việc lên phương án hoàn trả đường ống nước sạch như nguồn nước bị xâm nhập mặn cao (Nhà máy nước sạch từ thiết kế ban đầu cách cửa biển 40km sẽ chỉ còn 6km, ảnh hưởng tới chất lượng nước, chưa kể tàu trọng tải lớn hoạt động liên tục ngày đêm qua kênh…).
UBND tỉnh Nam Định mặc dù biết có Dự án WB6 được triển khai từ tháng 4/2008, đến tháng 11/2016 tiếp tục triển khai Kênh nối Đáy – Ninh Cơ, nhưng khi ban hành Quyết định 1370/QĐ-UBND, ngày 15/7/2015, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch tại huyện Nghĩa Hưng; điều chỉnh, bổ sung bằng Quyết định 2758/QĐ-UBND, ngày 06/12/2018 và Quyết định 313/QĐ-UBND ngày 13/02/2019, nâng công suất Nhà máy nước từ 8.000 lên 28.000m3/ngày để cung cấp nước sạch cho hàng trăm ngàn cư dân trên địa bàn 11 xã thuộc huyện Nghĩa Hưng, UBND tỉnh Nam Định đã không hề đề cập đến Dự án WB6 (cắt ngang Dự án nước sạch). Điều 8, Luật Xây dựng về giám sát, đánh giá dự án đầu tư quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giám sát, đánh giá về mục tiêu, sự phù hợp với qui hoạch liên quan, việc sử dụng đất, tiến độ đầu tư xây dựng và bảo vệ môi trường.
Công ty Mai Thanh chỉ biết đến sự hiện diện của WB6 khi UBND huyện nghĩa Hưng mời đến làm việc vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, tại Quyết định 5029/QĐ-UBND, ngày 09/12/2019, về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện Kênh nối Đáy – Ninh Cơ, UBND huyện Nghĩa Hưng lại không hề đề cập đến công trình nước sạch của Công ty Mai Thanh.
Phải đến ngày 16/6/2021, tại văn bản 387/UBND-KTHT, UBND huyện Nghĩa Hưng mới báo cáo và chính thức đề nghị UBND tỉnh Nam Định chấp thuận bổ sung Công trình nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc Tiểu dự án GPMB.
Sau đó hơn 1 tháng, vào ngày 21/7/2021, Bộ GTVT có Công văn số 7123/BGTVT-CQXD đồng ý và thống nhất với UBND tỉnh Nam Định đưa tuyến nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc Tiểu dự án GPMB để địa phương thực hiện.
Được sự thống nhất kể trên của Bộ GTVT, tới ngày 28/7/2021, UBND tỉnh Nam Định mới có công văn số 517/UBND-VP5 giao UBND huyện Nghĩa Hưng làm Chủ đầu tư Hạng mục hoàn trả tuyến ống cấp nước sạch cho Công ty Mai Thanh.
Lúc này, Hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ đã khởi công được hơn 2 năm và chỉ còn 8 tháng nữa là kết thúc thời hạn cấp tín dụng của WB. Trong bối cảnh đó, công trình hạ tầng kỹ thuật phải hoàn trả cho tuyến ống nước sạch của Công ty Mai Thanh phải chịu sức ép nặng nề về áp lực tiến độ của dự án WB6 cùng "nhiều yếu tố ngoài chức năng, nhiệm vụ” của UBND huyện Nghĩa Hưng như chính huyện này đã từng thừa nhận bằng văn bản.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.