moitruongplus Tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện chưa có khu xử lý nước thải tập trung nên nhiều nhà máy đã lén lút xả thải ra ngoài.
Hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi (BQL): "Hiện nay, nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp (KCN và CCN) trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Nhất là hạ tầng khu xử lý nước thải tập trung chưa đáp ứng yêu cầu theo Luật Môi trường năm 2020. Chưa kể, hệ thống hạ tầng xử lý nước thải tập trung tại đây đều đã được đầu tư từ rất lâu bằng nguồn ngân sách Nhà nước, phần lớn đã xuống cấp nghiêm trọng và chỉ đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho các khu vực cục bộ trước đây. Hiện các khu chức năng sản xuất công nghiệp tại KCN phía Đông và KCN phía Tây KKT Dung Quất vẫn chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung. Do đó, tình trạng các nhà máy xả nước thải ra ngoài chưa qua xử lý, gây ô nhiễm, ảnh hưởng một số khu dân cư lân cận là khó tránh khỏi”.
Nhà máy hoạt động trong KKT Dung Quất chưa đảm bảo khu xử lý nước thải.
Được biết, Quảng Ngãi hiện có 4 trạm xử lý nước thải tập trung, gồm: Trạm xử lý nước thải Phân khu công nghiệp Sài Gòn – Dung Quất, Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Quảng Phú, Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Tịnh Phong (ngân sách đầu tư) và Trạm xử lý nước thải KCN VSIP Quảng Ngãi (do Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi đầu tư, vận hành).
Đáng nói, nhiều KCN đã đi vào hoạt động hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là khu xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Cụ thể, Trạm xử lý nước thải KCN VSIP, công suất 7.000 m3/ngày, đêm, nhưng hiện đang tiếp tục đầu tư và nâng lên 12 nghìn m3/ngày, đêm mới đáp ứng cho các nhà máy, xí nghiệp. Trạm xử lý nước thải Phân khu công nghiệp Sài Gòn – Dung Quất, công suất xử lý đạt 2.500 m³/ngày, đêm; nhưng đã đầu tư cách đây 20 năm, lại không được cải tạo nâng cấp nên không thể đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của các nhà máy. Nhiều công ty trong quá trình hoạt động có nhu cầu nâng công suất, mở rộng quy mô, nhưng không được chấp thuận, do hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung đầu tư không đồng bộ.
Còn Trạm xử lý nước thải KCN Quảng Phú, có công suất xử lý đạt 6.000 m³/ngày, đêm. Nhưng theo đánh giá của đơn vị chủ quản, hiện nay, trạm chỉ có năng lực đấu nối, tiếp nhận và xử lý khoảng 70% nước thải của các nhà máy, xí nghiệp. Các nhà máy chế biến thủy sản trong KCN đề nghị đơn vị quản lý cho phép đấu nối, xử lý nước thải, nhưng chưa được giải quyết do trạm xử lý nước thải này đang quá tải.
Công nhân thi công hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Bột-Giấy VN-T19.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị điện tử, ông Trần Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo thường xuyên về công tác bảo vệ môi trường; nhất là nước thải công nghiệp phải xử lý đúng quy chuẩn trước khi xả ra ngoài. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch bảo vệ môi trường KKT Dung Quất đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045”.
"Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường gồm nước thải, khí thải, chất thải rắn; kiểm soát tốt chất lượng diễn biến môi trường. Nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp. KKT Dung Quất sẽ tiếp tục đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, kiểm soát đầu ra hệ thống xử lý nước thải, giám sát chặt chẽ nguồn thải và công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy…” – Ông Tuấn nhấn mạnh.
KCN phía Tây sông Trà Bồng chưa có khu xử lý nước thải CN tập trung.
Đầu tư khu xử lý nước thải tập trung
Mới đây, BQL KKT Dung Quất đã tổ chức Hội thảo xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Các chuyên gia cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi cần quan tâm đầu tư hạ tầng thoát nước thải theo hướng đồng bộ, hiện đại, đủ năng lực tiếp nhận, xử lý nước thải công nghiệp các nhà máy, xí nghiệp. Đó là điều kiện cần và đủ để có thể khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm này. Xu thế hiện nay, việc tham gia sâu rộng hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi sản phẩm của doanh nghiệp phải thân thiện với môi trường. Nếu môi trường không đảm bảo thì doanh nghiệp sẽ không đầu tư, vì sản phẩm làm ra sẽ không đủ điều kiện tham gia thị trường.
Ông Nguyễn Hải Trường – Cán bộ BQL cho biết: "Theo quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045, để đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư, Quảng Ngãi cần khẩn trương đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung. BQL đã xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường KKT Dung Quất đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; đồng thời điều chỉnh, bổ sung mạng lưới quan trắc môi trường KKT Dung Quất”.
"Hiện BQL đang đánh giá xu thế, diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn KKT Dung Quất. Đồng thời, hoàn chỉnh danh mục các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện thời kỳ 2023-2030, định hướng đến năm 2045; cập nhật mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn KKT Dung Quất phù hợp với quy hoạch quốc gia. Trước mắt, BQL tranh thủ các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải hiện có; đầu tư thêm trạm xử lý nước thải tại khu vực chưa có, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các nhà máy trong các KCN” – Ông Trường cho biết thêm.
Nhà máy hoạt động nhiều năm trong KKT Dung Quất, nhưng chưa hoàn thiện khu xử lý nước thải.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm: Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung, bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường…
Theo đó, BQL đề xuất tỉnh ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thu gom, thoát nước và xử lý nước thải công nghiệp tập trung trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi theo lộ trình phù hợp. Trước mắt, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thu gom, thoát nước và khu xử lý nước thải công nghiệp tập trung khu vực phía Tây và phía Đông sông Trà Bồng KKT Dung Quất, nhằm kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.