moitruongplus Sau khi xin GPXD nhà ở, chủ đất đã không thi công theo bản vẽ thiết kế mà ngang nhiên xây dựng thành quán cà phê, nhà hàng. Khu đất với diện tích hơn 3.500m2 đang tồn tại nhiều sai phạm nhưng chưa bị UBND TX Cửa Lò kiểm tra, xử lý. Nguyên nhân vì sao?!
Xây dựng sai phép, chưa xử phạt lại cấp thêm GPXD bổ sung
Theo tìm hiểu của PV Môi Trường và Đô Thị Việt Nam, chủ sử dụng mảnh đất trên là ông Hoàng Huy Cường cùng vợ là bà Đậu Huyền Trang có địa chỉ thường trú tại: Khối Trung Hợp, phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Thửa đất số: 241, thuộc tờ bản đồ số: 11 thuộc khối Mỹ Thắng, phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, với tổng diện tích đất: 3.599,5 m2. Mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị.
Quán cà phê xây dựng đồ sộ, kiên cố, đã đi vào hoạt động, thế nhưng được cho là " tạm bợ”.
Theo đó, vào ngày 29/02/2024, UBND thị xã Cửa Lò đã cấp giấy phép xây dựng (GPXD) số 57 cho ông Hoàng Huy Cường được phép xây dựng công trình: Nhà ở riêng lẻ.
Ngày 17/6/2024, theo ghi nhận của PV, nhận thấy công trình xây dựng có dấu hiệu xây dựng sai phép từ nhà ở thành quán cà phê, PV đã có cuộc trao đổi qua điện thoại về tình trạng trên với Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò - ông Nguyễn Quang Tiêu, cho biết: "Anh sẽ cho người kiểm tra lại”.
Tuy nhiên, khi chưa xử phạt về hành vi xây dựng sai giấy phép thì đến ngày 02/07/2024, UBND thị xã Cửa Lò lại tiếp tục cấp GPXD bổ sung số: 300 cho ông Hoàng Huy Cường, được phép xây dựng thêm 2 hạng mục công trình nhà ở riêng lẻ tại thửa đất nêu trên.
GPXD số 57, được cấp ngày 29/2/2024 và GPXD bổ sung số 300 được cấp ngày 02/07/2024. Cả hai giấy phép xây dựng đều được cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ.
Đưa thắc mắc trên tiếp tục trao đổi với Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò - ông Nguyễn Quang Tiêu, phân trần: "Chỗ đó anh cũng đã cho kiểm tra và khắc phục, thực ra thì công trình này cũng chỉ làm tạm bợ, quan trọng là mình hướng cho họ chấp hành tốt pháp luật, biết là sai đó nhưng phạt họ cũng tội, bây giờ chi bằng hướng cho họ đình chỉ lại rồi chấp hành pháp luật...”.
Có GPXD bổ sung, tiếp tục "biến tướng”nhà ởthành nhà hàng
Đến ngày 31/07/2024, PV trở lại với công trình nhà ở riêng lẻ của ông Hoàng Huy Cường, lúc này, nhà ở riêng lẻ theo GPXD số 57, được cấp ngày 29/2/2024, đã trở thành quán cà phê mang tên Ơn coffe, đã đi vào hoạt động. Còn 2 hạng mục công trình nhà ở riêng lẻ theo GPXD bổ sung số: 300 được cấp ngày 02/07/2024, thì PV nhận thấy có dấu hiệu đang xây dựng trở thành nhà hàng.
Cụ thể như sau: Khi đối chiếu bản vẽ thiết kế của 2 GPXD đã được cấp với hiện trạng của thửa đất:
- Tại bản vẽ thuộc GPXD số 57: trên bản vẽ mặt bằng tầng 1 đều thể hiện có phòng khách, phòng ăn và bếp. Các phòng này đều có vách ngăn (tường gạch) riêng biệt. Nhưng hiện trạng lại thông nhau, ở giữa đặt rất nhiều bàn ghế cho khách ngồi. Còn bếp trở thành khu pha chế đồ uống. Trên bản vẽ mặt bằng tầng 2 có thể hiện có một nhà vệ sinh, nhưng hiện trạng thì không thấy đâu.
- Tại bản vẽ thuộc GPXD bổ sung số 300: Trên bản vẽ gồm có 2 công trình nhà ở, mặt bằng hạng mục 1 thể hiện có phòng cách, phòng ngủ. Mặt bằng hạng mục 2 ngoài phòng khách, phòng ngủ thì có thêm phòng vệ sinh. Cả hai hạng mục đều thể hiện có vách ngăn từng phòng rõ ràng. Tuy nhiên khi PV mục sở thị lại nhận thấy giữa các phòng ngủ và phòng khách không có vách ngăn mà lại là một dãy nhà thông nhau. Ở hạng mục 1 đã chuẩn bị bàn ghế, lắp quạt, nhân công đang hối hả đẩy nhanh tiến độ xây dựng để chuẩn bị cho việc mở nhà hàng.
Trên bản vẽ thể hiện có phòng khách, phòng ăn và bếp. Nhưng hiện trạng lại cho thấy phòng khách và phòng ăn được đặt rất nhiều bàn ghế cho khách ngồi uống cà phê. Còn bếp trở thành khu pha chế đồ uống.
PV liên hệ làm việc trực tiếp với Chủ tịch UBND phường Nghi Hương – ông Nguyễn Hoàng Thành, cho biết: "Thửa đất đó toàn bộ là đất ở, khi nhận được phản ánh về tình trạng này, Uỷ ban phường cũng đã nhắc nhở chủ sử dụng đất bổ sung hồ sơ làm sao cho phù hợp chứ cũng chưa xử phạt”.
Tiếp tục liên hệ với Phó phòng Quản lý đô thị thị xã Cửa Lò – ông Nguyễn Tiến Cường, cho hay: "Khi chủ sử dụng đất xin được cấp phép xây dựng nhà ở tại thửa đất này, anh cũng đã cho kiểm tra hiện trạng và chủ sử dụng đất đưa ra được những hồ sơ để đủ điều kiện được cấp phép, còn nếu sau khi họ xây dựng xong, họ chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở sang mục đích kinh doanh thì cái đó lại thuộc thẩm quyền của phòng ban khác”.
Đất ở trở thành đất kinh doanh, dịch vụ
Làm việc về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất ở sang đất kinh doanh dịch vụ, Phó phòng Tài Nguyên Môi Trường - ông Hoàng Thái Sơn, cho biết : "Về thủ tục chuyển đổi từ đất ở sang đất thương mại dịch vụ ở thửa đất thì anh chưa nhận được, việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thì lại thuộc Phòng tài chính kế hoạch”.
Sang Phòng tài chính kế hoạch trao đổi về giấy phép đăng ký kinh doanh của thửa đất trên, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch - ông Hồ Quang Hải, trả lời rằng: "Bây giờ hồ sơ về giấy phép đăng ký kinh doanh rất nhiều, nên anh không nhớ quán cà phê đó đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh hay chưa, hay em xuống hỏi phường xem đã có chưa vì giấy phép đăng ký kinh doanh do từ dưới phường làm lên trên này”.
Tại bản vẽ thứ 2 bổ sung, cũng có đầy đủ phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ. Nhưng hiện trạng lại là một dãy nhà thông nhau, đã chuẩn bị bàn ghế, lắp quạt làm nhà hàng.
Như vậy, từ thực tế cho thấy ông Hoàng Huy Cường đã cố tình xây dựng sai GPXD số 57 và số 300 do UBND thị xã Cửa Lò cấp. Điều lạ lùng ở đây là các cơ quan chức năng liên quan cảm thấy những vấn đề này rất là "bình thường”, chưa có chế tài xử lý?!
Như lời của ông Nguyễn Quang Tiêu – Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò nói rằng "công trình này thực ra chỉ là tạm bợ” nhưng bằng mắt thường có thể thấy cả quán cà phê này được xây dựng kiên cố với hàng loạt những tiểu cảnh xung quanh. Trước đó ông nói rằng sẽ nhắc nhở chủ đầu tư điều chỉnh cho phù hợp, nhưng phù hợp ở đâu không thấy, chỉ thấy ngày càng "biến tướng” có dấu hiệu xuất hiện thêm nhà hàng sắp sửa khai trương.
Với việc xây dựng quán cà phê trá hình trên đất ở, bản vẽ thiết kế chỉ là cho đúng thủ tục để lách luật xin được giấy phép xây dựng. Sau khi có giấy phép rồi thì ngang nhiên thay đổi theo ý mình, xây dựng thành quán cà phê, nhà hàng, cho thấy sự xem thường pháp luật của chủ sử dụng đất.
Cách trả lời xem như là "chuyện bình thường”, có thể "thông cảm” của UBND TX Cửa Lò, khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu có việc xử lý "ưu ái” cho công trình xây dựng sai phép này? Chẳng lẽ cứ ở Cửa Lò là đất ở đều sẽ thành nơi kinh doanh được? Đã và sẽ còn có bao nhiêu trường hợp như thế này?
Trước những phản ánh nêu trên, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra tại công trình nói trên thuộc địa bàn phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò.
Tại khoản 4, khoản 6, điểm c khoản 15 và khoản 16 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trật tự xây dựng, xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới như sau:
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
+ Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+ Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm, nếu công trình đã hoàn thành;
+ Nếu công trình đang thi công xây dựng thì ngoài việc bị phạt tiền theo quy định còn phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Trong 2 tháng qua, hàng nghìn người dân ở xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn luôn bị "tra tấn” bởi mùi hôi thối phát tán từ trại nuôi lợn của Công ty Cổ phần chăn nuôi Rutech.