moitruongplus Trước thực trạng giao thông xuống cấp, không đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn, tỉnh Quảng Ngãi đã lên phương án đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất.
Khẩn trương nâng cấp hạ tầng giao thông
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi (Ban Quản lý KKT Dung Quất), hiện nay hạ tầng giao thông ở đây chỉ đáp ứng khoảng từ 60-70% nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Chưa kể các dự án đang xây dựng: Dự án mở rộng NM lọc dầu Dung Quất, Hòa Phát 2, các khu công nghiệp nhẹ…, thì hạ tầng chỉ đáp ứng khoảng 50-60%. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và công tác đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông cũng như đời sống của người dân nơi đây.
Nhiều tuyến đường KKT Dung Quất xuống cấp, bụi bay mù mịt.
Đáng nói, UBND huyện Bình Sơn – nơi có nhiều hộ dân trong KKT Dung Quất bị ảnh hưởng về giao thông xuống cấp – cũng đã đề nghị Trung ương, tỉnh quan tâm bố trí nguồn kinh phí tương xứng với nguồn thu trên địa bàn để đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường KKT Dung Quất, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để năm 2025, huyện được công nhận là thị xã phía Bắc của tỉnh.
Trong khi đó, Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã kiến nghị TW, tỉnh khẩn cấp đầu tư phát triển hạ tầng trong KKT Dung Quất. Trong đó, trọng tâm các tuyến giao thông xung quanh nhà máy, các khu tái định cư, kè chắn cát giai đoạn 3; cầu cảng cá neo đậu tàu thuyền; mở rộng kênh thoát nước dọc tuyến Võ Văn Kiệt; đầu tư hệ thống thoát nước chung trong KKT Dung Quất…
Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất, "Thực tế nguồn thu trên địa bàn là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn NSNN hỗ trợ đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất còn rất khiêm tốn. Hiện đơn vị đã đề xuất Trung ương có cơ chế hỗ trợ hàng năm cho KKT Dung Quất, tương ứng khoảng 10-15% số tiền ngân sách thu về cho Trung ương trên địa bàn, để đầu tư cho hạ tầng giao thông ở đây, giai đoạn đến năm 2030”.
"Hiện nay, việc cải tạo, nâng cấp và đầu tư hoàn thiện các tuyến đường giao thông trên địa bàn KKT Dung Quất là thật sự cần thiết và cấp bách. Vì đây là bước đi nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng các tuyến đường giao thông trục chính theo quy hoạch, đảm bảo kết nối KKT Dung Quất và các khu vực xung quanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo an toàn để lưu thông” – Ban Quản lý KKT Dung Quất cho biết thêm.
Tuyến đường chính sát NM thép Hòa Phát – Dung Quất thường xuyên có nhiều xe tải qua lại.
Trước tình trạng nêu trên, Tỉnh ủy Quảng Ngãi vừa ban hành Nghị quyết về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó giao UBND tỉnh chỉ đạo đầu tư tập trung một số dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Dung Quất. Và UBND tỉnh cũng đã có Tờ trình HĐND tỉnh về Quyết định chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông trên địa bàn KKT Dung Quất. UBND tỉnh hiện đang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung ưu tiên các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông KKT Dung Quất…
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị điện tử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho rằng: "Thực tế hiện nay hạ tầng giao thông KKT Dung Quất xuống cấp, hư hỏng đáng báo động. Giao thông trên địa bàn đang bị chắp vá, quá tải, không đáp ứng nhu cầu cho người và phương tiện tham gia giao thông. Nhiều đoạn đường gần NM thép Hòa Phát, NM dăm Hào Hưng và tuyến đường nối ra cảng Dung Quất… đang hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao và ảnh hưởng sinh hoạt, đời sống của bà con nơi đây”.
Người dân và xe tải lưu thông đoạn đường hư hỏng rất nguy hiểm.
"Do đó, việc nâng cấp một số tuyến đường giao thông trọng điểm bị hư hỏng, xuống cấp trên KKT Dung Quất là hết sức cần thiết, khẩn trương. UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý KKT Dung Quất chủ trì, phối hợp với BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi và các sở, ngành có liên quan tập trung xây dựng danh mục đầu tư công trung hạn, bổ sung vốn trong giai đoạn 2021-2025 và bắt đầu thực hiện từ năm 2023”, ông Hiền nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chỉ đạo lập đề án nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông KKT Dung Quất.
Cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả
Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất: "Trước đây, đơn vị đã nhiều lần triển khai khắc phục các tuyến đường xuống cấp, hư hỏng, nhưng chỉ chắp vá, thiếu tính đồng bộ, hiệu quả thấp. Vì vậy, đơn vị đã xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn Đề án "Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng khung Khu kinh tế Dung Quất giai đoạn 2025-2030” trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đề án có mục tiêu, giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhằm tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn KKT Dung Quất”.
"Giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để đầu tư mới 07 tuyến đường giao thông trục chính với chiều dài khoảng 60 km; đầu tư nâng cấp, mở rộng 6 tuyến đường trục trong KKT với chiều dài khoảng 45 km. Ước tính tổng kinh phí để đầu tư nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới các tuyến đường trục chính từ nay đến 2030 khoảng 8.000 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến đầu tư khoảng 500 tỷ đồng cho các tuyến đường huyết mạch đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cũng như nhu cầu vận chuyển hàng hóa để phục vụ cho sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất” – Ông Nguyễn Hải Trường – cán bộ của Ban Quản lý KKT Dung Quất nhấn mạnh.
Quy hoạch hạ tầng giao thông trong phân khu KKT Dung Quất.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả đề án trên, Ban Quản lý KKT Dung Quất đã đề xuất UBND tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực từ ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm và xin cơ chế ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu hàng năm cho Khu Kinh tế Dung Quất tương ứng mức 10-15% số thu trên địa bàn nộp về ngân sách Trung ương để tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng.
Theo đó, Ban Quản lý KKT Dung Quất đã trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án "Nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất, dự kiến khởi công vào cuối năm 2024”. Trước mắt, Ban tập trung nâng cấp, mở rộng tuyến đường Trì Bình – vòng xoay Thiên Đàng (dài khoảng 3,4 km); Tuyến vòng xoay Thiên Đàng -Chu Lai (dài khoảng 1,8 km) và kết nối thông suốt với đường Hoàng Sa -Dốc Sỏi đang được thi công; Tuyến đường nối QL1A – Tịnh Phong – Bình Tân, giai đoạn 1 (dài khoảng 1,5 km); Tuyến đường Lâm Viên – Vạn Tường (dài khoảng 03 km)…
Công ty thép Hòa Phát xây dựng hạ tầng giao thông và cầu cảng tại Dung Quất.
Hoàn thành sớm dự án nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông KKT Dung Quất là yếu tố quan trọng, sẽ góp phần tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu trên địa bàn, làm cơ sở để tỉnh và Trung ương có nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế – xã hội địa phương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.