moitruongplus Quá trình đổ thải, xử lý chất thải tại dự án có mức đầu tư gần 9 tỷ đồng do UBND xã Đông Tân (huyện Đông Hưng, Thái Bình) làm chủ đầu tư, đang gây ra những hệ luỵ rất xấu về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Theo tìm hiểu, dự án Cải tạo, sửa chữa đường trục xã đoạn qua khu trung tâm UBND xã Đông Tân, huyện Đông Hưng; hạng mục: nền mặt đường và các công trình trên tuyến (sau đây viết tắt là dự án) có tổng mức đầu tư là 8.774.214.000 đồng. Dự án do UBND xã Đông Tân làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Đông Hưng (sau đây viết tắt là Công ty Đông Hưng, có địa chỉ tại thửa đất số 36, Cụm công nghiệp Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) do ông Mai Văn Thắng là người đại diện pháp luật.
Toàn cảnh dự án đường trục qua UBND xã Đông Tân trị giá gần 9 tỷ đồng
Hiện nay, quá trình đổ thải, xử lý chất thải tại dự án đang phát sinh nhiều "vấn đề”, có dấu hiệu không đảm bảo các quy định về bảo vệ cảnh quan môi trường. Bởi lẽ, theo ghi nhận của PV, tại mặt bằng sân bóng rộng hàng nghìn m2 nằm ngay đối diện trụ sở UBND xã Đông Tân đã bị đơn vị thi công biến thành điểm đổ đất, bùn thải của dự án. Tại đây nhiều đống đất thải được tập kết chất cao đến gần chục mét, trông rất nhếch nhác, gây ô nhiễm bụi bẩn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.
Cả một sân bóng rộng hàng nghìn m2 đang bị đơn vị thi công biến thành nơi tập kết đất dư thừa, đất thải, gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo ghi nhận của PV, trong khu vực sân bóng luôn có một máy xúc túc trực thường xuyên để san gạt mỗi khi xe tải chở chất thải vào, việc này khiến người dân cảm thấy lo lắng sân bóng sẽ bị phá huỷ và hiện nay người dân không còn sân bóng để tổ chức các hoạt động thể dục thể thao.
Theo ông H.N.G, người dân sống ngay cạnh sân bóng, việc đổ thải này đã diễn ra từ khá lâu rồi. Với khối lượng chất thải nhiều như thế thì chả mấy mà sân bóng giành cho cộng đồng này sẽ biến thành bãi thải. Không chỉ có nguyên đất của dự án làm đường trục qua UBND xã đổ vào đây, mà còn cả đất thải của dự án xây dựng trường THCS Đông Tân nữa. Theo tôi biết, cả 2 dự án này cùng một đơn vị thi công.
Dù thi công ngay trước trụ sở UBND xã Đông Tân, sát khu dân cư nhưng đơn vị thi công không lắp đặt biển báo, chăng dây cảnh báo phân luồng giao thông theo quy định.
Còn theo bà M.H.K, từ ngày dự án triển khai thì người dân phải hứng chịu đủ ô nhiễm bụi bẩn, tiếng ồn. Cuối ngày họ cũng không có biện pháp nào để khắc phục, dọn dẹp đường sá, mà cứ mặc kệ lớp đất cát dày bám trên bề mặt đường, khiến những hôm trời mưa thì mặt đường không khác gì ruộng bừa, trời nắng thì bụi bay mù mịt. Máy móc họ cũng để tràn hết cả lối đi, khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Để làm rõ thông tin phản ánh, PV đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Văn Long - Chủ tịch UBND xã Đông Tân và được vị này cho biết, lượng đất dư thừa của dự án đường này khi vét từ rãnh lên, đơn vị thi công cho đổ vào sân bóng trước trụ sở UBND xã.
Máy móc để tràn hết ra toàn bộ phần đường khiến cho việc di chuyển của người dân gặp rất nhiều khó khan, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Lý giải về việc cho đổ thải vào sân bóng, ông Long nói, do cuối năm xã sẽ về đích nông thôn mới nâng cao nên việc nâng cấp sân bóng là nằm trong kế hoạch của xã. Vì vậy, việc đổ đất vào sân bóng sẽ giúp xã tiết kiệm được 700 triệu đồng kinh phí.
Ông Long cho biết thêm, sau khi có thông tin báo chí phản ánh tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra và sẽ cử cán bộ thông tin lại cho PV về văn bản chấp thuận của xã cho phép đổ thải của dự án vào sân bóng.
Tuy nhiên, đến nay đã nhiều ngày trôi qua, ông Long vẫn không có bất kỳ thông tin hồi âm nào mặc dù PV đã chủ động liên hệ nhiều lần qua điện thoại, nhắn tin vào số điện thoại của ông Long.
Dự án xây dựng ngổn ngang, bừa bộn, bụi bẩn trải dài khắp mặt bằng dự án, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống người dân địa phương.
Tiếp tục tìm hiểu thông tin về tính pháp lý của việc đổ thải tại dự án, PV đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng. Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Trường hứa sẽ cho cán bộ kiểm tra và phản hồi kết quả lại PV. Tuy nhiên, sau đó một tuần, PV chủ động liên lạc lại với ông Trường để tìm hiểu kết quả kiểm tra sự việc, chúng tôi cũng không nhận được phản hồi từ vị này.
Về phía đơn vị thi công, khi PV liên lạc với ông Mai Văn Thắng - Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Đông Hưng, ông này cũng khẳng định xã đã chấp thuận cho Công ty đổ đất thải vào khu vực sân bóng. Còn về văn bản thì PV cứ liên lạc với UBND xã Đông Tân?!
Ngoài ra, quá trình ghi nhận hoạt động thi công tại dự án, PV ghi nhận sự ngổn ngang, bừa bộn, bụi bẩn trải dài khắp mặt bằng thi công dự án. Mặc dù thời điểm này là buổi trưa, máy móc đang tạm dừng hoạt động nhưng đơn vị thi công không di chuyển gọn vào lề đường để người dân đi lại, mà để bừa bãi chặn gần như hết lối đi. Nguy hiểm hơn nữa, trên toàn bộ dự án gần như không có bất kỳ biển báo, căng dây cảnh báo phân luồng giao thông, khiến nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiên lưu thông qua đây là rất lớn, đặc biệt là những đoạn cống 2 bên đường trông vô cùng phản cảm và nguy hiểm.
Rõ ràng, những phản ánh của người dân về những bất cập trong quá trình thi công dự án, đặc biệt là vấn để xử lý chất thải gây ảnh hưởng đến môi trường là có cơ sở. Thêm vào đó, việc cả lãnh đạo UBND huyện Đông Hưng, chính quyền xã Đông Tân có dấu hiệu cố tình ‘né’ cung cấp thông tin cho báo chí về hồ sơ quản lý, xử lý chất thải của dự án, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về việc "mập mờ” tồn tại văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng huyện Đông Hưng cho phép đổ thải vào sân bóng trên. Rất mong cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, chính quyền huyện Đông Hưng tiến hành kiểm tra, làm rõ sự việc, sớm trả lại môi trường sống trong lành cho người dân địa phương.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.