Thái Bình: Cần kiểm tra chất lượng thi công dự án chỉnh trang đô thị
Thứ ba, 26/3/2024 | 4:00:23 Chiều
moitruongplusQuá trình thi công dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên đường Trần Hưng Đạo, đường Kỳ Đồng (TP Thái Bình) bị phản ánh dấu hiệu thi công chưa đúng quy trình và biện pháp thi công, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, gây ô nhiễm môi trường
Dự án cải tạo, chỉnh trang vỉa hè tuyến phố Trần Hưng Đạo và đường Kỳ Đồng (TP Thái Bình), do Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng TP Thái Bình làm đại diện chủ đầu tư. Tổng giá trị đầu tư dự án hơn 36 tỷ đồng; nhà thầu thi công là Công ty THHH môi trường xanh Long Hưng (địa chỉ tại số 2, phố Bùi Thị Xuân, phường Quang Trung, TP Thái Bình).
Toàn cảnh quá trình thi công lắp đặt cống thoát nước tại dự án bị ‘tố’ không đảm bảo quy trình, kỹ thuật thi công gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Mục đích của dự án nhằm cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị cho tuyến phố Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Kỳ Đồng đến phố Lý Thường Kiệt) và đường Kỳ Đồng (đoạn từ đường Quang Trung đến phố Trần Hưng Đạo).
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, quá trình thi công dự án, nhà thầu có biểu hiện không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, khiến người dân lo lắng. Đặc biệt, nhà thầu có dấu hiệu thi công chưa đúng quy trình, gây nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Để tìm hiểu thông tin, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại tuyến phố Trần Hưng Đạo và đường Kỳ Đồng, TP Thái Bình để ghi nhận thực tế quá trình thi công dự án.
Vật liệu thi công được bày ngổn ngang ven đường và cả dưới lòng đường, gây mất an toàn giao thông.
Theo ghi nhận tại hai tuyến phố này, nhà thầu không lắp đặt biển bảng thông tin về dự án theo quy định, không đặt cọc tiêu, dây phản quang để cảnh báo an toàn giao thông. Đáng chú ý, khi thi công lắp đặt các cấu kiện cống bê tông đúc sẵn không ăn khớp nhau, đường cống xô lệch không thẳng hàng đã khiến các mối nối hở ra một khoảng rất lớn, phía trong lòng ống cống chứa đầy nước nhưng nhóm thợ vẫn thi công trát vữa xi măng vào các mối nối này. Chứng kiến sự việc nhiều người dân rất lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình khi đưa vào sử dụng.
Cũng theo ghi nhận, quá trình thi công phần đế móng, sau khi máy múc chỉ nạo vét một phần đất đã tồn tại một lượng lớn nước nhưng không được xử lý mà cứ thế đổ xuống một lớp đá pase rất mỏng, và không hề được lu, lèn trước khi hạ cống xuống lắp đặt.
Lượng lớn bùn, đất thải tập kết lên mặt đường khiến nước thải chảy lênh láng gây nhếch nhác, ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với PV về quy trình thi công cống thoát nước trên, một chuyên gia về lĩnh vực này phân tích: Về biện pháp đào hố móng cống bê tông, sau khi máy xúc đào hố, vận chuyển đất, đá thải ra ngoài. Nếu hố có nước thì dùng máy bơm hút sạch đảm bảo hố khô ráo. Sau đó tiếp tục đào hố với độ cao được quy định. Khi thi công cống thoát nước, kỹ sư phải dùng máy toàn đạc và thủy bình để kiểm tra vị trí, độ cao thiết kế. Nếu nền đất yếu thì phải tìm cách gia cố vững chắc.
Cũng theo vị chuyên gia, thi công phần đế cống phải được xây dựng chắc chắn, đảm bảo chiều dày thiết kế trước khi đặt cống thoát nước xuống. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình, quyết định đến sự bền bỉ của cống.
Đối với thi công mối nối, vị này phân tích: Mối nối rất quan trọng, nếu thi công không tốt thì nước mưa hoặc nước thải sẽ thấm từ trong cống ra ngoài, phá hủy kết cấu nền đường. Kỹ sư có thể chọn mối nối cứng (trát xi măng, đổ bê tông), mối nối mềm (nhựa đường, bao tải tấm nhựa đường, gỗ thông tẩm dầu,…) để hàn tất cả các mối nối ở xung quanh cho chắc chắn.
Nhiều hố ga không được cảnh báo bằng cọc tiêu và dây phản quang, gây nguy hiểm cho người dân
Từ hình ảnh thực tế PV ghi nhận và đối chiếu với quy trình thi công theo ý kiến chuyên gia nêu trên, thì dường như nhà thầu có biểu hiện không tuân thủ các quy định về thi công cống thoát nước tại dự án, do đó việc người dân lo lắng về chất lượng công trình không đảm bảo là hoàn toàn có cơ sở.
Ngoài ra, tại dự án đã và đang tồn tại một số bất cập như nhiều hố gas bị đào sâu nhưng không được che đậy, rãnh thoát nước thi công xong không đậy nắp mà không được dựng cọc tiêu, chăng dây phản quang cảnh báo nguy hiểm cho người dân sinh sống dọc hai bên tuyến phố và người tham gia giao thông. Hàng loạt tấm bê tông, hộp cống, đá xẻ, để ngổn ngang trên vỉa hè, hành lang đường, thậm chí chiếm cả lòng đường, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Ông N.V.H – người dân sống tại mặt đường Trần Hưng Đạo bức xúc, tuyến đường này là nơi hoạt động kinh doanh sầm uất nhất của TP Thái Bình nên lúc nào cũng đông đúc người đi lại nhưng đơn vị thi công quá chủ quan, khi để vật liệu xây dựng ngổn ngang, gây khó khăn cho người tham gia giao thông, còn người dân sống hai bên đường phải vất vả tìm lối vào nhà.
Trong lòng ống cống chứa đầy nước nhưng công nhân vẫn vô tư trát vữa xi măng vào các mối nối, có dấu hiệu không đảm bảo quy trình, kỹ thuật thi công
Để làm rõ nội dung phản ánh, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Lương Việt Cường - Giám đốc Công ty TNHH môi trường xanh Long Hưng. Lý giải về nội dung công ty bị ‘tố’ thi công ẩu, không đúng hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công đã được phê duyệt, ông Cường cho biết, công trình này có tiền đóng góp của các hộ dân nhà mặt phố, tiền đầu tư công và tiền ngân sách. Vì vậy, tất cả quy trình thi công đều được công khai rộng rãi, và đơn vị thực hiện chuẩn theo hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, công trình này vừa khai thác vừa sử dụng nên còn gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến nội dung phản ánh việc thi công lắp đặt hệ thống cống thoát nước không đảm bảo quy trình, kỹ thuật, ông Cường khẳng định, chúng tôi chỉ làm đúng theo hồ sơ thiết kế công trình!
Khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công dự án, ông Cường ‘đá bóng’ trách nhiệm: Cần tìm hiểu vấn đề gì thì PV có thể làm việc trực tiếp với Ban QLDA xây dựng cơ sở hạ tầng TP Thái Bình, bởi hồ sơ nằm đầy đủ ở đó hoặc tìm hiểu trên cổng thông tin điện tử Thành phố?!
PV tiếp tục liên hệ với ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Ban QLDA xây dựng cơ sở hạ tầng TP Thái Bình, để phản ánh thực trạng thi công tại dự án. Sau khi tiếp nhận thông, ông Quỳnh nói sẽ cho kiểm tra và thông tin kết quả lại PV. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều ngày trôi qua PV vẫn chưa nhận được kết quả kiểm tra từ đại diện chủ đầu tư, và khi liên hệ với ông Quỳnh thì không nhận được phản hồi.
Để xử lý kịp thời những bất cập trong quá trình thi công dự án, đồng thời đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đảm bảo chất lượng công trình ngay trong quá trình thi công, thiết nghĩ UBND TP Thái Bình cần chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhà thầu thực hiện đúng biện pháp, kỹ thuật thi công công trình dự án đã được phê duyệt, qua đó giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường chung của Thành phố.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.