moitruongplus Dự án Calyx Residence được phê duyệt đầu tư xây dựng nhà ở liền kề, chung cư cao tầng. Tuy nhiên, hiện nay hàng nghìn m2 đất thuộc dự án này đang bị ‘xẻ thịt’, có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích để xây dựng hàng loạt công trình nhà xưởng kiên cố
Được biết, Dự án Calyx Residence (sau đây viết tắt là Dự án) toạ lạc trên mặt đường Cổ Loa giao với đường Cao Lỗ, thuộc địa bàn xã Uy Nỗ, thị trấn Đông Anh, Hà Nội. Dự án có quy mô diện tích 85.747m2, gồm 244 căn nhà liền kề shophouse, 2 tòa chung cư xã hội cao 9 tầng và 2 tòa chung cư thương mại cao 7 tầng. Dự án do Tổng Công ty 319 làm chủ đầu tư.
Toàn cảnh Dự án Calyx Residence
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân sống tại khu vực dự án, hiện nay chủ đầu tư có dấu hiệu ‘xẻ thịt’ một phần đất của Dự án để xây dựng nhà xưởng và cho một số đơn vị, cá nhân thuê lại để kinh doanh thu lợi nhuận, gây mất mỹ quan đô thị.
Điều đáng nói, những dãy nhà xưởng, ki - ốt ngang nhiên ‘mọc’ lên này được cư dân ở đây cho biết, họ chưa bao giờ thấy có trong bản đồ thiết kế, quy hoạch của dự án?
Để làm rõ nội dung phản ánh, PV đã có mặt tại Dự án để ghi nhận thực tế. Theo quan sát, ngay cạnh khu nhà liền kề là một dãy nhà dựng khung nhôm sắt kiên cố và được chia thành 12 ô, nằm ngay sát mặt đường Cổ Loa. Hiện nay cũng đã có đơn vị thuê lại để làm gara sửa chữa ô tô. Còn phần đất phía trong Dự án có quy mô lớn hơn đã xây dựng một dãy nhà xưởng với diện tích hàng nghìn m2. Tại đây cũng đã có một vài đơn vị thuê làm xưởng sản xuất thực phẩm, làm kho gạch…
Đã có đơn vị thuê và đang dọn về sửa sang cửa hàng để đưa vào hoạt động
Qua số điện thoại treo trên tấm biển của dãy nhà 12 ô, trong vai người thuê kho xưởng để làm đồ nội thất, PV được một người phụ nữ cho biết: Hiện giờ các ô ki - ốt ở bên ngoài đã cho thuê hết rồi, chỉ còn xưởng phía sau rộng khoảng 1.280m2, và giá thuê là 45.000đ/m2 (chưa bao gồm thuế VAT). Tính ra khoảng 57 triệu đồng/tháng. Hợp đồng thanh toán 03 năm/lần, bắt đầu từ năm thứ 3 trở đi thì sẽ đóng 6 tháng/lần. Thời hạn thuê là 5 năm.
Dừng lại tại dãy nhà 12 ô được cho là nằm ở vị trí đắc địa của dự án, PV được một vị khách vừa mới thuê ở đây cho biết: Hiện nay giá thuê mỗi ki - ốt ở đây là 7 triệu đồng/tháng, mặt tiền mỗi căn ki - ốt này là 5m2, chiều dài là 20m2. Tổng diện tích là 100m2. Hợp đồng thanh toán là 1 năm/lần. Thời hạn thuê là 5 năm.
Dãy nhà được chia 12 ô xây dựng kiên cố
Để có thông tin chính xác, khách quan, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc cùng với UBND xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh và đại diện chủ đầu tư dự án. Tại buổi làm việc, cán bộ địa chính xã Uy Nỗ thông tin: Dự án nhà ở này do Công ty 319 làm chủ đầu tư. Các hạng mục khu nhà tương tự họ cũng xây xong rồi. Còn khu nhà cao tầng gồm 6 toà nhà là họ chưa xây. Và dự kiến là quý 1 năm 2024 sẽ khởi công toà nhà cao tầng đầu tiên.
Khi được hỏi về việc chính quyền địa phương có nắm được hoạt động xây dựng những nhà xưởng trên mặt bằng của Dự án để cho thuê, vị cán bộ địa chính cho biết: Vừa rồi Công ty có làm hồ sơ xây dựng các công trình tạm để phục vụ các công trình chính, sau này dự án đi vào hoàn thiện thì công trình tạm sẽ được tháo dỡ. Các công trình tạm họ không cần xin cấp phép xây dựng mà chỉ thông báo cho chính quyền địa phương thôi, họ cam kết sử dụng đúng mục đích và thời gian tháo dỡ. Công trình này bắt đầu xây dựng từ khoảng đầu tháng 8/2023.
Cũng theo cán bộ địa chính xã Uy Nỗ, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí thì xã cũng đã đi kiểm tra, nhưng họ mới chỉ dựng tạm nhà lên như thế và chưa có hoạt động gì cả. Nếu sau này có phát sinh gì thêm xã sẽ tiếp tục đi kiểm tra và có những văn bản trả lời báo chí cho cụ thể hơn.
Dãy nhà phía trong dự án rộng hàng nghìn m2 có dấu hiệu xây dựng kho xưởng để cho thuê
Còn ông Ngô Quang Minh - Trưởng ban điều hành Dự án, lý giải: Dãy nhà đó được dựng lên là để cho ban điều hành, cho các nhà thầu ở đó làm việc để phục vụ dự án. Khi phê duyệt dự án có giá chốt rồi, mà năm vừa rồi biến động giá nên bên tôi sẽ phải nhập vật liệu xây dựng, vật tư về để vào kho xưởng đó. Bên ngoài mọi người nhìn vào đã chia từng ô là để sau này cho mỗi bộ phận ngồi một gian, ví dụ như: bộ phận chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát… Và theo luật thì xây dựng lán trại tạm trong khuôn viên đất dự án nên không cần xin phép, chỉ thông báo thôi.
Trả lời PV về việc đã có một số nhà xưởng phía bên trong dự án đang có đơn vị thuê và có đặt biển quảng cáo như "Kho gạch nhập khẩu Ấn Độ”, ông Minh cho hay, đó là kho gạch để phục vụ dự án!?
Nhưng theo tìm hiểu thực tế của PV, đây không phải là kho gạch phục vụ dự án mà là kho gạch của một doanh nghiệp thuê mặt bằng nhà xưởng để kinh doanh.
Trong một diễn biến khác, trước đó, trong vai người có nhu cầu đi thuê cửa hàng, nhà xưởng trong khu vực Dự án, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại nhà điều hành của dự án để liên hệ về việc thuê ki - ốt, kho xưởng. Tại đây, người tiếp PV cũng chính là Ngô Quang Minh - Trưởng ban điều hành Dự án. Khi đó ông Minh nói rằng có cho thuê, và nếu cần sẽ cho số điện thoại để chủ động liên hệ hỏi thuê.
Khi nhắc đến buổi gặp mặt trước đó, ông Minh bất ngờ không thừa nhận việc mình nói là có cho thuê kho xưởng và liên tiếp khẳng định, ở đây không diễn ra hoạt động cho thuê kho xưởng nào hết. Những lời mời chào mà PV được giới thiệu từ những đội kinh doanh bất động sản là vì đợt này muốn bán hàng, thu hàng nên họ cũng muốn tạo sóng gây hiệu ứng để bán hàng có hiệu quả. Chứ hoàn toàn không có hoạt động cho thuê xưởng như PV cung cấp thông tin?!
Trước sự việc trên, dư luận không khỏi hoang mang khi các công trình được cho là nhà xưởng ngang nhiên "mọc” trên mặt bằng một Dự án được ví như đài hoa tráng lệ của Thành Cổ Loa này sẽ sớm muộn cũng bị "băm nát”. Khi đó, dự án khu đô thị, nhà ở lại biến thành cụm công nghiệp?
Điều đáng nói, những công trình bị phản ánh là nhà xưởng này đã được cho thuê và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thì có đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy, và trường hợp nếu không may xảy ra hoả hoạn thì cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Đặc biệt, nếu có nguồn thu rất lớn từ việc cho thuê nhà xưởng thì nguồn tiền lớn này chảy vào túi ai, cơ quan nào sẽ quản lý và thu thuế về ngân sách nhà nước (nếu có)?
Từ diễn biến sự việc trên có thể nhận thấy năng lực giám sát, quản lý nhà nước của địa phương còn có dấu hiệu buông lỏng, chưa chặt chẽ. Chúng tôi kính đề nghị UBND TP Hà Nội, chính quyền huyện Đông Anh, cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan của TP Hà Nội cần tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại Dự án Calyx Residence.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.