Thái Bình: Cần kiểm tra trạm trộn bê tông Cầu Hải có dấu hiệu không phép, ô nhiễm môi trường
Thứ năm, 19/10/2023 | 3:12:21 Chiều
moitruongplusMặc dù chưa được cấp phép nhưng trạm trộn bê tông Cầu Hải ở xã An Dục (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm nay, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước tưới tiêu của người dân.
Thời gian qua người dân xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình bức xúc phản ánh về trạm trộn bê tông Cầu Hải của Công ty TNHH & TM tổng hợp Thái Dương (địa chỉ tại thôn An Mỹ, xã An Dục), đóng trên địa bàn hoạt động khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, xả thải trực tiếp ra môi trường làm ảnh hưởng đến nguồn nước nuôi trồng, tưới tiêu ruộng vườn. Đáng nói, đoàn xe tải, xe bồn hoạt động rầm rộ suốt ngày làm hư hại đường sá, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn.
Nước thải màu trắng đục ngàu từ khu vực sản xuất của trạm trộn bê tông Cầu Hải được xả thẳng xuống dòng sông mà không qua xử lý, khiến nguồn nước của dòng sông cũng nhuốm màu ‘lạ’, nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông T.V.T – người dân xã An Dục bức xúc, bãi tập kết vật liệu và trạm trộn bê tông Cầu Hải hoạt động trên địa bàn nhiều năm nay, hàng ngày gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi. Trong khuôn viên trạm này được tập kết đá, cát cao như núi nhưng không được phủ bạt che chắn nên mỗi khi gió to, cát bay mù mịt ra đường giao thông, bay cả vào nhà dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của chúng tôi.
Cũng theo ông T, tuyến đường của xã có cắm biển tải trọng cho phép 8 tấn, nhưng các xe tải chở vật liệu, xe bồn chở bê tông có tải trọng lên đến 20-30 tấn vẫn ngang nhiên hoạt động mà không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng địa phương như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý.
Trạm trộn bê tông Cầu Hải bị ‘tố’ hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường
Theo ghi nhận của PV, trạm bê tông Cầu Hải được xây dựng, lắp đặt trên diện tích rộng hàng nghìn m2, bên trong khu vực trạm trộn chứa những đống cát, đá cao như núi nhưng không được che phủ bạt. Qua ghi nhận thực tế của PV cho thấy một lượng lớn nước thải màu trắng đục ngàu từ khu vực trạm trộn được xả thẳng xuống dòng sông bên cạnh mà không qua xử lý, khiến nguồn nước của dòng sông bị nhuốm màu ‘lạ’, nguy cơ ô nhiễm rất lớn.
Bên trong khu vực trạm trộn được tập kết những đống cát, đá cao như núi không được che phủ bạt theo quy định, khiến bụi bẩn thường xuyên bay vào khu dân cư
Bên cạnh đó, hiện nay tuyến đường mà đoàn xe bồn, xe tải ra vào phục vụ sản xuất kinh doanh của trạm trộn là trục đường giao thông huyết mạch của xã, hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị nứt toác và xuất hiện nhiều ổ gà lớn, nguyên nhân chính được người dân địa phương phản ánh là do đoàn xe của trạm trộn này gây ra.
Ngoài ra, một lượng lớn bùn đất đã bị cuốn ra đường do các đoàn xe của trạm trộn không được vệ sinh trước khi ra ngoài khiến cho mặt đường bị bám đầy bụi bẩn, gây ô nhiễm nặng nề.
Hoạt động của đoàn xe bồn, xe tải phục vụ sản xuất của trạm trộn bê tông Cầu Hải đã ‘cày nát’ tuyến đường giao thông huyết mạch của xã An Dục
Liên quan đến nội dung phản ánh trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng & TM Tổng hợp Thái Dương và được vị này cho biết, mọi thủ tục đều đầy đủ thì mới làm được. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ liên quan đến trạm trộn thì ông Dương nói, đơn vị tôi không vi phạm và không làm gì sai nên không phải cung cấp?!
Về nguồn gốc khu đất làm trạm trộn, ông Dương cho hay trước đây diện tích đất này là đất sản xuất gạch không nung, đến nay thì xây dựng trạm trộn, và chúng tôi chỉ sử dụng sai mục đích thôi, ở đây đều là sản xuất. Hiện công ty đang làm thủ tục chuyển đổi từ sản xuất gạch không nung sang trạm trộn bê tông, có quyết định, giấy phép xây dựng rồi còn về giấy phép môi trường thì có giấy của cơ sở sản xuất gạch thôi và cũng đang làm thủ tục chuyển đổi.
Ở một diễn biến khác, để có thông tin chính xác về hồ sơ pháp lý hoạt động của trạm trộn Cầu Hải, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ. Tại buổi làm việc, ông Hòa Mạnh Cường - Chủ tịch UBND xã khẳng định, thủ tục xây dựng và môi trường của trạm trộn này chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.
Cũng theo ông Cường, về thủ tục đất đai thì công ty này được cấp là đất thương mại dịch vụ và được chia làm hai nơi, một nơi là sản xuất gạch không nung, một nơi là đất thương mại dịch vụ. Công ty này chưa được cấp phép để xây dựng trạm trộn bê tông.
Mặc dù tuyến đường được cắm biển tải trọng cho phép 8 tấn, nhưng những chiếc xe bồn, xe tải có dấu hiệu hoạt động quá tải đã gây ảnh hưởng rất xấu đến hạ tầng giao thông trong khu vực.
Trả lời PV về việc chính quyền có kiểm tra, xử lý trạm trộn bê tông Cầu Hải hoạt động khi chưa được cấp phép, ông Cường cho hay, xã có lập hội đồng kiểm tra, có lập biên bản nhưng cho có thủ tục, vì biết là giấy tờ không có.
Về hoạt động của đoàn xe tải, xe bồn chở bê tông của trạm trộn hoạt động có dấu hiệu quá tải, gây ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, gây ô nhiễm môi trường, người đứng đầu chính quyền xã An Dục thừa nhận, xe to đi lại như thế không cần cân cũng biết là quá tải?!
Tuyến đường huyết mạch của xã, hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị nứt toác và xuất hiện nhiều ổ gà lớn, nguyên nhân chính được người dân địa phương phản ánh là do đoàn xe của trạm trộn này gây ra.
Trước việc trạm trộn bê tông Cầu Hải ngang nhiên hoạt động khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, không có giấy phép xả thải, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn, chúng tôi kính đề nghị UBND huyện Quỳnh Phụ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan của tỉnh Thái Bình cần kiểm tra, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm tại trạm trộn bê tông này (nếu có).
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.