moitruongplus Mặc dù đã huy động cả bộ máy chính quyền từ huyện Gia Lộc đến UBND tỉnh Hải Dương vào cuộc kiểm tra, nhưng đến nay đã hơn 01 năm trôi qua vẫn không thể di dời cơ sở tập kết phế liệu trái phép gây ô nhiễm, mất an toàn cháy nổ tại xã Đồng Quang
Cơ sở tập kết phế liệu trái phép đang thách thức pháp luật…
Ngày 20/9, Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải bài viết "Gia Lộc – Hải Dương: Cần khẩn trương di dời cơ sở tập kết phế liệu gây ô nhiễm môi trường - https://www.moitruongvadothi.vn/gia-loc-hai-duong-can-khan-truong-di-doi-co-so-tap-ket-phe-lieu-gay-o-nhiem-moi-truong-a142727.html”.
Nội dung bài viết phản ánh, ven quốc lộ 38B (QL38B) thuộc địa phận xã bỗng mọc lên một cơ sở tập kết phế liệu, chất thải công nghiệp. Tại đây tập kết đủ các loại rác thải công nghiệp như da, vải vụn…, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn phòng cháy, chữa cháy, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe đời sống của người dân, gây bức xúc dư luận.
Cơ sở tập kết rác thải công nghiệp tồn tại như thể thách thức pháp luật, thách thức chính quyền và dư luận xã hội
Đáng nói, khu đất mà cơ sở này sử dụng tập kết phế liệu, chất thải có diện tích hơn 6.000 m2 thuộc Dự án cơ sở sản xuất gạch không nung và kinh doanh vật liệu xây dựng Quang Anh, được UBND huyện Gia Lộc thông báo chấp thuận đầu tư ngày 8/6/2014. Dự án thuộc sở hữu của bà Phạm Thị Nhung (người địa phương đại diện).
Liên quan đến dấu hiệu vi phạm trong quản lý, sử dụng đất dự án trên để làm bãi tập kết phế liệu, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương, UBND huyện Gia Lộc đã phát hiện và xử lý vi phạm đối với bà Phạm Thị Nhung. Điều đáng nói, mặc dù đã bị xử lý và yêu cầu đình chỉ hoạt động hơn 01 năm nay nhưng hiện tại cơ sở này vẫn ngang nhiên tồn tại, hoạt động rầm rộ ngày đêm như không hề có ‘lệnh cấm’ nào của chính quyền.
Và dấu hiệu ‘bất lực’ của chính quyền trong việc di dời cơ sở tập kết phế liệu này
Theo tài liệu mà PV thu thập được thể hiện, ngày 28/7/2022, Công an huyện Gia Lộc đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phạm Thị Nhung số tiền 15 triệu đồng về hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khi không thu gom, lưu trữ chất thải theo quy định.
Ngày 16/8/2022, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 2190/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 57,5 triệu đồng do bà Nhung đưa các hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC, không xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ,.... đồng thời, yêu cầu hộ kinh doanh phải có biện pháp khắc phục hậu quả, thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.
Hơn 01 năm vào cuộc kiểm tra nhưng đến nay cả bộ máy chính quyền huyện Gia Lộc đến UBND tỉnh Hải Dương vẫn không thể xử lý triệt để những tồn tại, vi phạm của cơ sở tập kết rác thải công nghiệp này.
Tiếp đến, ngày 1/9/2022, xét thấy vi phạm không được khắc phục có nguy cơ cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng khi đưa cơ sở vào hoạt động, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Công an có thẩm quyền. Thượng tá Trần Anh Ngọc - Trưởng Công an huyện Gia Lộc đã ký Quyết định số 891/QĐĐC-CAH về việc đình chỉ hoạt động đối với cơ sở của hộ bà Phạm Thị Nhung.
Mặc dù liên tiếp bị xử phạt vi phạm hành chính về môi trường, PCCC, và đặc biệt đã bị đình chỉ hoạt động, nhưng đến nay cơ sở này không chấp hành mà vẫn ngang nhiên hoạt động.
Trả lời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về hướng xử lý triệt để bãi tập kết phế liệu trên của chính quyền địa phương, ông Lê Đình Dũng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lộc, cho biết: Hôm thứ 7 vừa rồi (ngày 16/9), huyện đã xuống làm việc và họ đã bắt đầu di dời. Hôm nay (18/9), chúng tôi tiếp tục xuống làm việc và yêu cầu chủ cơ sở này phải di dời hết phế liệu, chất thải trong tuần này (tức là đến ngày 24/9, tính cả thứ 7 và chủ nhật).
Mặc dù vậy, chiều 7/10, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục có mặt ghi nhận tại cơ sở trên, thì mọi hoạt động thu gom, tập kết, xử lý chất thải tại đây vẫn diễn ra rầm rộ, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy việc di dời những đống phế liệu, chất thải khổng lồ tại đây theo chỉ đạo của cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương, chính quyền huyện Gia Lộc.
Trụ sở UBND xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc nằm cách cơ sở tập kết chất thải, rác thải của bà Phạm Thị Nhung chừng 2km có dấu hiệu buông lỏng quản lý, giám sát hoạt động đối với cơ sở này.
Ngay sau khi ghi nhận, PV đã liên hệ với ông Vũ Văn Cấp – Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc để cung cấp thông tin và muốn nghe ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc từ lãnh đạo huyện này, nhưng ông Cấp báo bận do đang tham gia một lớp học.
Chiều cùng ngày, PV tiếp tục liên hệ với ông Lê Đình Dũng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lộc để trao đổi về nội dung trên, và được vị này thông tin ngắn gọn rằng, hiện nay huyện đang tập trung xử lý. Đáng nói, ông Lê Đình Dũng không phản hồi câu hỏi của PV về việc UBND huyện Gia Lộc có giải pháp nào quyết liệt để xử ý triệt để vụ việc, và trường hợp chủ cơ sở trên cương quyết ‘chống đối’ không tự di dời thì chính quyền có phương án tổ chức cưỡng chế hay không?
Tiếp tục tìm hiểu thông tin, PV đã trực tiếp đến liên hệ làm việc với Đảng uỷ, UBND xã Đồng Quang nhưng không gặp được ông Lã Văn Chiến – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, tuy nhiên khi PV gọi điện, nhắn tin vào số điện thoại được cho là của ông Chiến nhưng cũng không nhận được phản hồi.
Việc cả bộ máy chính quyền từ huyện Gia Lộc đến UBND tỉnh Hải Dương đồng loạt vào cuộc kiểm tra, xử lý nhưng sự việc vẫn ngang nhiên tồn tại hơn 01 năm qua (kể từ ngày các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Hải Dương ra văn bản chỉ đạo, xử lý - PV) mà vẫn không thể di dời hoạt động đối với cơ sở tập kết phế liệu trái phép trên. Điều này đã khiến dư luận hoang mang đặt câu hỏi, phải có thế lực nào đó ‘bật đèn xanh’ cho chủ cơ sở này nên mới có thể tồn tại như thể thách thức pháp luật, thách thức chính quyền như vậy?
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.