Thái Bình: Trạm bê tông Bình Phương ở huyện Tiền Hải bị phản ánh nhiều vi phạm
Thứ hai, 25/9/2023 | 12:27:25 Chiều
moitruongplusDự án Đầu tư xây dựng trạm sản xuất bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần VLXD Thịnh Vượng tại Cụm công nghiệp Trà Lý (huyện Tiền Hải, Thái Bình) bị ‘tố’ nhiều vi phạm về đất đai, xây dựng và môi trường
Theo tìm hiểu, ngày 12/4/2019, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 988/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng trạm sản xuất bê tông thương phẩm (sau đây viết tắt là Dự án) tại Cụm công nghiệp Trà Lý, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, cho Công ty Cổ phần VLXD Thịnh Vượng (Công ty Thịnh Vượng có địa chỉ tại thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải).
Xẻ tải trọng lớn, xe bồn chở bê tông ngày đêm gây bụi bẩn, cày nát mặt đê Trà Lý thuộc xã Tây Lương, huyện Tiền Hải.
Để thực hiện dự án, ngày 01/03/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình ký Hợp đồng thuê đất số 33/HĐ-TĐ cho Công ty Thịnh Vượng thuê 17.000m2 đất tại Cụm công nghiệp (CCN) Trà Lý, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải. Thời gian thuê đất từ 21/02/2022 đến hết ngày 12/4/2049. Mục đích sử dụng đất, xây dựng trạm sản xuất bê tông thương phẩm.
Ngoài ra, theo Quyết định số 988/QĐ-UBND nêu trên của UBND tỉnh Thái Bình, Công ty Thịnh Vượng phải cam kết xây dựng tuyến đường kết nối từ địa điểm thực hiện Dự án đến đường Quốc lộ 37 (Bản cam kết số 01/BCK-TV ngày 12/03/2019) theo đúng vị trí quy hoạch, không đòi hỏi bất kỳ ràng buộc nào với cơ quan quản lý nhà nước.
Liên quan đến dự án trên, hiện nay người dân địa phương liên tục ‘tố’ hoàng loạt dấu hiệu vi phạm của chủ đầu tư. Theo phản ánh, chủ đầu tư đã xây dựng một số hạng mục công trình ngoài chỉ giới đất được giao, và quá trình hoạt động sản xuất, vận chuyển vật liệu, bê tông đi tiêu thụ, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn tuyến đê Trà Lý thuộc địa bàn xã Tây Lương.
Trên diện tích đất dự án của Công ty Thịnh Vượng lại ‘mọc’ lên trạm trộn bê tông Bình Phương, được cho là của Công ty TNHH Thương mại Bình Phương ở TP Thái Bình.
Để làm rõ thông tin, trong những ngày cuối tháng 9/2023, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã ghi nhận thực tế quá trình hoạt động tại trạm trộn trên. Theo ghi nhận, trạm sản xuất này được gắn thương hiệu bê tông Bình Phương, hàng ngày có cả trăm lượt xe tải chở vật liệu, xe bồn chở bê tông ra vào trạm, quá trình di chuyển của những chiếc xe này đã gây ô nhiễm bụi bẩn, nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đặc biệt, mặc dù tuyến đê đã được cơ quan chức năng đặt biển hạn chế tải trọng là 12 tấn, tuy nhiên, với những chiếc xe này hoạt động thì việc quá tải trọng cho phép là điều hiển nhiên. Bởi lẽ, chỉ tính riêng tải trọng ‘xác’ của 01 chiếc xe bồn (chưa chở hàng hoá là khối lượng bê tông) đã nặng ít nhất 15 tấn. Tuỳ thuộc vào đơn hàng, trung bình mỗi xe bồn chở từ 5-10 khối bê tông (mỗi khối khoảng 1,8 tấn), thì tỉ lệ vượt tải trọng cho phép là rất lớn.
Đáng nói, mặc dù đoàn xe này hoạt động liên tục từ sáng sớm đến đêm muộn, với quãng đường di chuyển trên khắp các tuyến đường từ huyện này sang huyện khác của tỉnh Thái Bình, nhưng không thấy bất cứ bóng dáng lực lượng chức năng địa phương như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý.
Ngoài ra, lợi dụng đêm khuya, có xe bồn còn ngang nhiên xả thải thẳng ra môi trường. Cụ thể, trong một đêm muộn khi PV bám theo chiếc xe bồn BKS: 17C-087.19 gắn thương hiệu bê tông Bình Phương, chiếc xe này đã xả thẳng một lượng lớn chất thải là bê tông (do còn sót lại trong bồn – PV) trên cả đoạn đường dài vài km, gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Xe bồn mang BKS: 17C-087.19 gắn thương hiệu bê tông Bình Phương, đã xả thẳng khối lượng lớn chất thải là bê tông trên cả đoạn đường dài vài km, gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Phát hiện sự việc trên, mặc dù đã đêm khuya nhưng nhiều người dân sống ven đường đã phải ra đường dọn dẹp khối lượng bê tông bị xả thẳng trước cửa nhà, vì nếu để sáng dọn thì lượng bê tông sẽ đông cứng rất khó xử lý.
Sau nhiều ngày ghi nhận sự việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ làm việc với UBND huyện Tiền Hải, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp (Trung tâm PTQĐ-CCN) huyện Tiền Hải.
Liên quan đến vi phạm về hoạt động xây dựng tại dự án, lãnh đạo Trung tâm PTQĐ-CCN huyện Tiền Hải, cho biết: Công ty Thịnh Vượng đã thực hiện hành vi xây dựng lấn sang đường quy hoạch số 1, hiện chúng tôi đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu đơn vị này tháo dỡ. Tuy nhiên họ đang khất, chưa thực hiện.
Trả lời PV, đến nay Công ty Thịnh Vượng đã thực hiện cam kết với tỉnh Thái Bình về việc xây dựng tuyến đường kết nối từ địa điểm thực hiện Dự án đến đường Quốc lộ 37 (Bản cam kết số 01/BCK-TV ngày 12/03/2019 của Công ty Thịnh Vượng). Đại diện Trung tâm PTQĐ-CCN huyện Tiền Hải, cho biết doanh nghiệp mới khảo sát chứ chưa thực hiện xây dựng, đồng thời vị này thừa nhận doanh nghiệp đang sử dụng tuyến đê Trà Lý trên địa bàn xã Tây Lương làm lối đi tạm?!
Công ty Thịnh Vượng không thực hiện cam kết với UBND tỉnh Thái Bình về việc xây dựng tuyến đường riêng phục vụ dự án, vì vậy, các xe bồn bê tông, xe tải chở vật liệu ngày đêm ‘cày nát’ tuyến đê Trà Lý.
Rõ ràng, đến nay Chủ đầu tư dự án vẫn chưa thực hiện đúng, đầy đủ cam kết theo yêu cầu của UBND tỉnh Thái Bình tại Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án mà đã ngang nhiên đi vào hoạt động. Việc này đã đặt ra một dấu hỏi lớn về trách nhiệm quản lý, giám sát thực hiện đầu tư xây dựng Dự án của các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh Thái Bình và chính quyền địa phương.
Ngoài ra, việc Công ty Thịnh Vượng cố tình không thực hiện xây dựng tuyến đường riêng mà sử dụng đường đê sông Trà Lý (bị hạn chế tải trọng) để đoàn xe trên ngày đêm hoạt động cày nát mặt đê, ‘uy hiếp’ sự an toàn thân đê. Việc này đã khiến cho người dân địa phương rất lo lắng, và nếu không may có sự cố về đê điều xảy ra thì hậu quả thật khôn lường.
Đê Trà Lý được cắm biển giới hạn tải trọng cho phép là 12 tấn, nhưng xe bồn bê tông Bình Phương, xe tải trọng lớn chở vật liệu vẫn ngang nhiên hoạt động, gây bụi mù mịt, uy hiếp sự an toàn thân đê.
Trong một diễn biến khác, ngày 18/9, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam được ông Bùi Đức Thàn - Giám đốc Trung tâm PTQĐ-CCN huyện Tiền Hải liên hệ, mời tham gia cùng đoàn công tác của huyện đến làm việc với Công ty Thịnh Vượng về các nội dung phản ánh trên.
Mặc dù đã thống nhất lịch làm việc với đoàn công tác của huyện Tiền Hải trước đó, nhưng tại buổi làm việc này, phía Công ty Thịnh Vượng chỉ cử một cán bộ phụ trách sản xuất bê tông Bình Phương ra làm việc, mà không có lãnh đạo nào của công ty tham gia.
Liên quan đến nội dung làm việc, vị cán bộ này cho biết, đây là Công ty của ông Toán (ông Nguyễn Văn Toán, Giám đốc Công ty Thịnh Vượng – PV) cho bê tông Bình Phương thuê lại (bê tông Bình Phương được cho là của Công ty TNHH Thương mại Bình Phương, địa chỉ tại Cụm công nghiệp Trần Lãm, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình).
Từ thông tin trên, đối chiếu với quy định tại Hợp đồng thuê đất của tỉnh Thái Bình để thực hiện Dự án, nếu Công ty Thịnh Vượng cho công ty khác thuê lại đất của dự án để hoạt động sản xuất kinh doanh là có dấu hiệu vi phạm quy định của hợp đồng này (không được chuyển giao quyền sử dụng đất dự án cho bên thứ ba). Do đó, việc này rất cần các cơ quan chức năng huyện Tiền Hải kiểm tra làm rõ.
Xe bồn bê tông Bình Phương xả một lượng lớn bê tông ra cả một tuyến đường dài hàng 5-6km, gây ảnh hưởng đến môi trường, mất an toàn giao thông.
Trước sự thiếu thiện chí, có dấu hiệu coi thường cơ quan quản lý Nhà nước đến làm việc theo lịch đã hẹn của lãnh đạo Công ty Thịnh Vượng, ông Bùi Đức Thàn, cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo huyện và sẽ thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra đơn vị này.
Để bảo vệ an toàn tuyến đê sông Trà Lý, bảo đảm môi trường sống trong lành cho người dân địa phương, đồng thời buộc Công ty Thịnh Vượng phải nghiêm túc thực hiện cam kết cũng như yêu cầu của UBND tỉnh Thái Bình, khi triển khai thực hiện dự án đúng theo quy định của pháp luật, thiết nghĩ các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh Thái Bình, chính quyền huyện Tiền Hải cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của chủ đầu tư Dự án (nếu có).
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.