moitruongplus Nhiều hộ dân ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm kêu cứu vì đã nhiều năm phải sống trong cảnh "đi không được, ở không xong”!
Qua đơn phản ánh của người dân trong vùng dự án ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã cho thấy sự ảnh hưởng sinh hoạt và đời sống hiện nay của bà con nơi đây là khá nghiêm trọng.
Theo đó, từ năm 2014 đến nay, huyện Cam Lâm đã tiến hành đền bù, thu hồi hàng ngàn ha đất của nhiều hộ dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án. Tuy nhiên, nhà đầu tư gặp khó, nhiều dự án hiện vẫn đang bỏ hoang, gây lãng phí đất đai. Trong khi đó, người dân thì thiếu đất sản xuất, nhà cửa xuống cấp, hư hỏng, không sửa chữa được, đời sống bấp bênh, con cái thất học…
"Mặc dù người dân nơi đây đã có đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền và nêu ý kiến trực tiếp qua các đợt tiếp xúc cử tri tại địa phương, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đáng nói, nhiều hộ dân đã bị thu hết đất ở, đất sản xuất để làm dự án, nhưng đến nay vẫn chưa có đất tái định cư. Có gia đình nhà cửa hư hỏng đang sống nhờ nơi bà con. Hơn nữa, hàng chục ha đất vườn bị hoang hóa, bà con xin cải tạo để trồng cây ngắn ngày, cải thiện đời sống, nhưng chính quyền cũng không giải quyết…”, một số hộ dân ở thôn Thủy Triều bức xúc.
Theo UBND huyện Cam Lâm, hiện trên địa bàn xã Cam Hải Đông có các dự án do Công ty CP Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (nay đổi tên Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh) làm chủ đầu tư, gồm: Dự án khu đô thị Hưng Thịnh (Golden Bay) với diện tích 79 ha; Dự án khu dân cư và tái định cư N4, diện tích 31,7 ha; Dự án hoàn vốn BT thoát nước mưa, diện tích 141 ha; Dự án hoàn vốn BT tuyến đường nhánh, diện tích 226 ha. Đây là những dự án đang xây dựng dở dang, nhiều diện tích bỏ hoang lâu năm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và đang tạo "điểm nóng” tại địa phương…
Dự án BT hệ thống thoát nước mưa giai đoạn II đang dở dang, cỏ mọc tràn lan.
Một gia đình trong vùng dự án "treo” đang chờ đợi, lo lắng việc di dời nhà cửa.
"Cái thất thoát, lãng phí đất đai ở đây là huyện đã thực hiện thu hồi đất của dân để làm dự án với hàng ngàn ha, nhưng không công khai rõ ràng. Thực tế, diện tích huyện thu hồi làm dự án đã có nhiều sai sót và chênh lệch khoảng 100 ha so với Nghị quyết số 13, ngày 10/12/2014 của HĐND tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, hàng trăm ha đã bàn giao cho doanh nghiệp đầu tư khu dân cư, khu đô thị, nhưng thực tế có doanh nghiệp đã lợi dụng đầu tư dự án kết hợp khai thác cát trắng trái phép. Sau đó doanh nghiệp đã hợp thức hóa giấy tờ và biến thành những lô đất cá nhân…”,ông Đỗ Mạnh Tưởng (thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông) cho biết.
Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị điện tử, hiện trên địa bàn xã Cam Hải Đông đang "bội thực” dự án treo với hàng ngàn ha đất. Có dự án chỉ che tôn bao quanh và chiếm đất rồi bỏ hoang, cỏ mọc suốt nhiều năm qua rất phản cảm. Nhiều dự án doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng hệ thống điện, cấp nước và đường nội bộ làm dở dang… Ngay dự án BT hệ thống thoát nước mưa giai đoạn II và dự án BT hệ thống các tuyến đường nhánh khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh với diện tích hàng trăm ha cũng đang bị bỏ hoang. Nhiều hạng mục công trình của 2 dự án này đang xây dựng nham nhở, có nhiều hố sâu, khe rãnh, rất nguy hiểm cho phương tiện và người dân đi lại. Hiện tại, nhiều nhà dân nơi đây đã xuống cấp, mái tôn rỉ mục và vườn cây ăn trái chết khô. Chưa kể, mỗi khi trời mưa, nhiều nhà cửa, vườn cây ăn trái của bà con nơi đây thường xuyên bị ngập nước và gây thiệt hại kinh tế đáng kể…
Dự án của Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh đã bỏ hoang nhiều năm qua.
Như vậy, hiện khó khăn của bà con nơi đây là do đất bị quy hoạch "treo”, rồi đến dự án "treo” nhiều năm đã làm cho nhiều gia đình sản xuất không ổn định, dẫn đến cảnh nghèo khó, thiếu ăn. "Thật khổ cho các gia đình chúng tôi, sau khi bị huyện thu hồi đất giao cho công ty làm dự án, nhưng lại bỏ hoang, không đầu tư đúng tiến độ. Nhiều công trình xây dựng không đến nơi đến chốn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con. Dự án thì bỏ hoang, gây lãng phí hàng trăm ha "đất vàng”, trong khi hàng chục hộ dân đang thiếu đất sản xuất, thu nhập thấp, đời sống bấp bênh. Có gia đình nghèo phải mượn tiền đóng học phí cho con vào năm học mới…” – người dân ở xóm 2, thôn Thủy Triều, than thở.
Một trong những nhà dân bị thu hồi làm dự án, nhưng đến nay vẫn chưa có đất tái định cư.
Nhà dân trong vùng dự án treo hư hỏng, không được sửa chữa, ở rất nguy hiểm.
Từ những bức xúc của người dân, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm vụ việc, góp phần ổn định cuộc sống của bà con trong vùng dự án.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.