moitruongplus Mới đây, người dân xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh phản ánh đến Môi trường và Đô thị Việt Nam về việc Công ty TNHH Bê tông Thăng Long Mê Kông xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Chị N.T.H người dân xã Kim Nỗ cho biết: "Tại đây, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tải, xe bồn, xe bơm bê tông (có dấu hiệu quá tải) ra vào trạm trộn bê tông Thăng Long. Điều đáng nói, con đường ra vào trạm trộn bê tông này khá nhỏ, giờ "cao điểm" con đường này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông”.
"Khu vực mương thoát nước (nằm giáp tường rào với trạm trộn bê tông Thăng Long), thường xuyên xuất hiện bã bê tông nằm rải rác (cả trên bờ và dưới nước), chúng tôi đã ý kiến nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn không thay đổi”, chị H bày tỏ thái độ bức xúc.
Trạm trộn bê tông Thăng Long nhưng hầu hết các xe đều mang tên bê tông Việt Ý.
Trước thông tin phản ánh của người dân, phóng viên (PV) Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại khu vực Công ty TNHH Bê tông Thăng Long Mê Kông. Ghi nhận hàng chục chiếc xe tải, xe bồn, xe bơm bê tông mang thương hiệu bê tông Chèm và bê tông Việt Ý, có kích thước lớn , di chuyển ra vào trạm trộn bê tông Thăng Long. Khiến quãng đường này trở nên khá "nhộn nhịp”.
Những chiếc xe tải, xe bồn liên tục ra vào trạm trộn bê tông Thăng Long.
Không những vậy, nước bê tông từ những trạm trộn này chảy lênh láng khắp nơi, bã bê tông thì được chất thành những đống cao khiến cho khung cảnh nơi đây trở nên khá bẩn thỉu và nhếch nhác.
Trong khuôn viên của Công ty TNHH Bê tông Thăng Long Mê Kông, nước bê tông chảy lênh láng khắp nơi khiến khu vực này trở nên nhếch nhác và bẩn thỉu.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về nội dung này, ông Nguyễn Mậu Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Nỗ cho biết: "Trạm trộn bê tông Thăng Long tồn tại ở đây khá lâu rồi, còn việc trạm trộn bê tông Việt Ý và bê tông Chèm cùng hoạt động trong khuôn viên của cơ sở sản xuất này có thể là họ liên kết với nhau, họ được phép liên kết như vậy”.
Ông Thịnh còn cho biết: "Ngay khi nhận được thông tin phản ánh của PV chúng tôi đã cho người xuống kiểm tra và nhắc nhở Công ty TNHH Bê tông Thăng Long Mê Kông. Chúng tôi yêu cầu công ty phải thực hiện nghiêm những quy định về bảo vệ môi trường”.
Những chiếc xe bồn mang tên bê tông Việt Ý xếp hàng, đợi chở bê tông đi tiêu thụ.
Mặt khác, ngày 22/5/2023 PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có đến Công ty TNHH Bê tông Thăng Long Mê Kông để đặt lịch làm việc.
Tại đây, PV gặp ông Hùng (tự giới thiệu là Phó Giám đốc Công ty TNHH Bê tông Thăng Long Mê Kông) tiếp nhận giấy giới thiệu và nội dung làm việc của PV.
Ông Hùng cũng khẳng định, sẽ báo cáo với lãnh đạo công ty để có câu trả sớm nhất cho báo chí. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại PV cũng chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ phía Công ty TNHH Bê tông Thăng Long Mê Kông.
Được biết, tại quyết định số 397/QĐ-STNMT ban hành ngày 22/3/2018, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết đối với Công ty TNHH Bê tông Thăng Long Mê Kông có quy định: Toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trong quá trình hoạt động của Cơ sở phải được thu gom, xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2008/BTNMT (cột B); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt trước khi xả thải ra môi trường.
Nước thải sản xuất phải được thu gom, xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn QCTĐHN 02:2014/BTNMT (cột B); Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trước khi thải ra môi trường.
Ngoài ra, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong quá trình hoạt động của Cơ sở phải được thu gom và xử lý theo đúng quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành theo Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND ngày 03/6/2013 của UBND Thành phố Hà Nội.
Chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của Cơ sở phải được phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý và xử lý theo đúng quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý chất thải nguy hại.
Nước bê tông (chưa qua xử lý) chảy trực tiếp từ trạm trộn bê tông Thăng Long ra mương thoát nước, khiến bờ mương được bao phủ bởi lớp bột trắng xoá.
Chưa rõ, trạm trộn bê tông Chèm, trạm trộn bê tông Việt Ý hoạt động trong khuôn viên của Công ty TNHH Bê tông Thăng Long Mê Kông như vậy có đúng quy định? Có đầy đủ các giấy tờ cần thiết hay không?
Tuy nhiên, Công ty TNHH Bê tông Thăng Long Mê Kông để các trạm trộn bê tông (trong khuôn viên công ty) xả thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường đang khiến người dân nơi đây rất bức xúc. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng huyện Đông Anh cần kiểm tra để có hướng xử lý kịp thời đối với tình trạng này.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.