moitruongplus Hàng vạn khối đất thải từ Dự án Đường vành đai 2 vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc không được nhà thầu chở đến điểm đổ thải theo quy định.
Được biết, Dự án Đường vành đai 2 vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc, giai đoạn 1 – đoạn từ ĐT.305 đi ĐT.306 (sau đây viết tắt là Dự án) với số vốn đầu tư 240.806.509.000 đồng. Chủ đầu tư là UBND huyện Lập Thạch, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lập Thạch là đại diện Chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Linh Nam (có địa chỉ tại SN 112 đường Nguyễn Công Trứ, phường Liên Bão, TP Vĩnh Yên) và Công ty TNHH thương mại và xây dựng Hải Hưng (có địa chỉ tại khu Thị Tứ, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch).
Theo thông tin từ người dân xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, trong quá trình thi công dự án, nhà thầu đã không vận chuyển chất thải dự án đến điểm đổ thải theo quy định, mà ngang nhiên chở đi bán cho người dân thôn Hạ Ích, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch để thu lợi bất hợp pháp.
Hàng vạn m3 đất thải tập kết tại khu đất của hộ ông Trần Văn Dũng ở xóm Rừng Giang, thôn Hạ Ích, xã Đồng.
Ông N.V.T – người dân sống gần dự án lo lắng về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động xử lý chất thải dự án: Tôi được biết, dự án phải có điểm đổ thải cụ thể theo quy định, nhưng không hiểu sao đơn vị thi công lại được phép chở rất nhiều xe đất thải đem bán mà không bị xử lý ? Tôi được biết, lượng đất thải dự án đã chở đến tập kết tại thôn Hạ Ích, xã Đồng Ích để bán cho một hộ dân. Như vậy, có phải họ (nhà thầu thi công – PV) vừa thu được tiền bán đất cho người dân, lại không mất chi phí vận chuyển đến điểm đổ thải, mà vẫn được thanh quyết toán khối lượng chất thải này.
Cũng theo ông N.V.T, nếu không kiểm soát được việc xử lý chất thải sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, thất thu nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư vào dự án.
Để có thông tin khách quan, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại thôn Hạ Ích, xã Đồng Ích để ghi nhận sự việc, và nhận thấy nội dung người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Theo đó, tại mặt bằng đất rất rộng của một hộ dân thôn Hạ Ích, có hàng vạn m3 đất thải đã được tập kết tại đây, mà theo tìm hiểu thì lượng đất này là của dự án trên.
Sau khi ghi nhận, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với ông Ngô Tuấn Hạnh – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lập Thạch để cung cấp thông tin sự việc, tuy nhiên, vị này cho biết đã điện kiểm tra lại nhà thầu và khẳng định không có việc chở đất thải dự án đi bán?!
Lãnh đạo xã Đồng Ích xác nhận đây là đất thải của Dự án Đường vành đai 2 vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc.
Để có thông tin chính xác, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND xã Đồng Ích. Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Đức – Chủ tịch UBND xã tỏ ra bất ngờ trước thông tin tại thôn Hạ Ích có điểm đổ đất thải với khối lượng lớn như vậy. Ngay sau đó, ông Đức đã cử Phó Chủ tịch xã Triệu Đức Cảnh và Công an xã cùng 2 cán bộ địa chính xuống hiện trường để kiểm tra.
Khi đến hiện trường là bãi đổ đất thải rộng lớn, ông Cảnh và các cán bộ đi cùng đã vô cùng bất ngờ khi có hàng vạn m3 đất thải màu đen được tập kết tại đây. Và khi hỏi một người phụ nữ được cho là chủ sở hữu khu đất, người này khẳng định khối lượng đất này là chồng mình mua về để trồng cây với giá khoảng 200 nghìn đồng/ 1 xe 4 khối, còn nguồn gốc mua ở đâu thì không nắm được.
Sau khi kiểm tra thực tế, ông Cảnh đã hứa sẽ làm việc lại với chủ nhà để làm rõ thông tin về nguồn gốc, khối lượng đất thải đổ trái phép trên địa bàn.
Phó Chủ tịch xã Đồng Ích Triệu Đức Cảnh cùng đoàn cán bộ của xã xuống hiện trường kiểm tra việc đổ thải trái phép trên diện tích đất của hộ ông Trần Văn Dũng.
Ngay hôm sau, PV đã liên lạc lại với ông Cảnh thì được biết, khu đất đổ thải là của hộ ông Trần Văn Dũng ở xóm Rừng Giang, thôn Hạ Ích, xã Đồng Ích. Về nguồn gốc đất thải có màu đen kia được ông Dũng mua của Dự án Đường vành đai 2 vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc về làm đất trồng cây.
Cũng theo ông Cảnh, chúng tôi đã gọi đơn vị đo đạc về đo xem đất bìa đỏ giao cho hộ dân bao nhiêu diện tích đất rừng, của UBND xã quản lý là bao nhiêu. Quan điểm của xã, việc đổ đất phải xin ý kiến của huyện, nếu huyện nhất trí thì để còn không thì trong vòng 10 ngày phải chuyển về địa điểm đổ thải của xã.
Ngoài ra, ông Cảnh cho biết thêm, việc này tôi đã báo cáo với Chủ tịch UBND xã rồi, còn về việc lập biên bản thì UBND xã đang tiến hành. Đồng thời vị này khẳng định nội dung phản ánh của người dân, báo chí là hoàn toàn có cơ sở.
Để đảo bảm việc đổ thải dự án đúng quy định, tránh gây những hệ luỵ tiêu cực về môi trường và đặc biệt tránh làm thất thu nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư vào dự án, chúng tôi kính đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chính quyền huyện Lập Thạch nhanh chóng kiểm tra, xử lý nghiêm sự việc./.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.