Bắc Giang: Nhiều vi phạm về giao thông - môi trường tại huyện Yên Dũng, trách nhiệm thuộc về ai
Thứ bảy, 3/12/2022 | 4:39:58 Chiều
moitruongplusHàng loạt vi phạm về giao thông - môi trường đã và đang diễn ra trên địa bàn huyện Yên Dũng đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm khiến dư luận bức xúc. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai?
Điểm nóng giao thông tiếp tục ‘nóng’!
Trước đó, ngày 27/11/2022, Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải bài viết "Bắc Giang: Ô nhiễm, nguy hiểm rình rập tại vị trí giao cắt trên đường tỉnh 293” - https://www.moitruongvadothi.vn/bac-giang-o-nhiem-nguy-hiem-rinh-rap-tai-vi-tri-giao-cat-tren-duong-tinh-293-a116197.html, nội dung phản ánh tại điểm giao cắt giữa đường tỉnh 293 (ĐT293) với đường nhánh dẫn vào khu vực hoạt động sản xuất của một Nhà máy sản xuất bê tông và cấu kiện bê tông đức sẵn, và các bến cảng, bãi tập kết VLXD nằm dưới khu vực chân đê tả sông Thương xuất hiện đoàn xe tải nối đuôi nhau "phóng” bạt mạng từ ĐT293 rồi rẽ vào khu vực trên (thuộc thôn Lạc Gián, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) để chở đất đá, cát, than, bê tông đi tiêu thụ, gây mất an toàn giao thông (ATGT), làm ô nhiễm môi trường.
Việc kiểm tra, xử lý đoàn xe này trước hết thuộc về Đội CSGT – Công an huyện Yên Dũng và Đội Thanh tra giao thông được giao nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường này.
Sau khi người dân, báo chí phản ánh thực trạng trên thì lực lượng chức năng địa phương có tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với đoàn xe trên và kết quả xử lý ra sao. Chiều ngày 2/12/2022, trả lời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về nội dung trên, đại diện Đội CSGT – Công an huyện Yên Dũng cho biết: Sau khi báo chí phản ánh chúng tôi đã cử lực lượng đến tuần tra kiểm soát, qua đó đã phát hiện một số phương tiện xe tải vi phạm và đã ra quyết định xử phạt.
Khi PV đề nghị vị này cung cấp số liệu cụ thể về bao nhiêu phương tiện đã bị xử lý, số tiền xử phạt là bao nhiêu và các phương tiện trên vi phạm những lỗi gì? Vị này nói sẽ cho tổng hợp và cung cấp sau.
Cũng theo vị này, các phương tiện trên chủ yếu vi phạm lỗi không che phủ bạt, chở quá chiều cao.
Bất chấp biển cấm hoạt động theo khung giờ, đoàn xe tải cỡ lớn chở đất đá, bê tông vẫn "đại náo” ĐT293 vào khung giờ cấm.
Rõ ràng, việc lực lượng chức năng đã vào cuộc tuần tra kiểm soát rất kịp thời nhưng không hiểu tại sao thực trạng trên vẫn tái diễn, thậm chí mức độ vi phạm còn nghiêm trọng hơn, cụ thể:
Ngay sau cuộc trao đổi với đại diện Đội CSGT – Công an huyện Yên Dũng, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã trở lại khu vực nút giao cắt trên để ghi nhận thực tế. Theo ghi nhận, mặc dù ĐT293 đã được cơ quan chức năng đặt biển cấm hoạt động theo khung giờ đối với các phương tiện là ô tô có tải trọng dưới 10T như sau: Sáng từ 6:00-7:30 và buổi chiều từ 17:30-19:30.
Thế nhưng, tại thời điểm bắt đầu ghi nhận của PV vào lúc 17h45 phút cho thấy, bất chấp biển cấm đoàn xe tải này vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ, nối đuôi nhau chở đất cát, bê tông chạy qua nút giao cắt trên mà không gặp bất cứ sự giám sát, kiểm tra của lực lượng chức năng.
Chứng kiến sự việc, ông Nguyễn Bảo L. bức xúc nói: Nút giao này được xác định là điểm nóng về giao thông, môi trường trong khu vực. Đặc biệt, tại đây vào những khung giờ tan tầm nên mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất cao, nhưng không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng tham gia điều tiết giao thông tại nút giao này, nên nguy cơ mất an toàn giao thông là rất lớn.
Biển cấm hoạt động theo khung giờ đối với các phương tiện ô tô có tải trọng dưới 10T trên ĐT293 như sau: Sáng từ 6:00-7:30 và buổi chiều từ 17:30-19:30.
Ai chịu trách nhiệm về hàng loạt vi phạm tại các bến bãi, bến cảng và trạm bê tông?
Điểm đến của đoàn xe tải trên là các bến bãi tập kết VLXD, các bến cảng và một Nhà mày sản xuất bê tông tươi và sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn.
Theo tài liệu thu thập được, tại khu vực hành lang bảo vệ đê tả sông Thương thuộc địa bàn xã Hương Gián, huyện Yên Dũng đang có 2 bến bãi và cảng hoạt động không phép, ngay phía trong hành lang đê có một Nhà máy sản xuất bê tông tươi và cấu kiện bê tông đúc sẵn của Công ty TNHH đầu tư EASTERN.
Trước thực trạng trên, người dân địa phương đã phản ánh đến các cấp chính quyền huyện Yên Dũng về hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực này đã gây hệ luỵ lớn về môi trường, xâm phạm trực tiếp đến kênh nước tưới tiêu nội đồng của người dân, cũng như hành lang bảo vệ an toàn đê Tả Thương.
Nhà máy sản xuất bê tông tươi và cấu kiện bê tông đúc sẵn của Công ty TNHH đầu tư EASTERN nằm phía trong hành lang đê Tả Thương hoạt động gây ô nhiễm môi trường; lấn chiếm, lấp cả một đoạn kênh mương dẫn nước tưới tiêu của người dân.
Sau khi tiến hành xác minh, kiểm tra nội dung phản ánh trên, Cảng vụ Bắc Giang và các cơ quan chức năng huyện Yên Dũng, chính quyền xã Hương Gián đã phát hiện lập biên bản, đồng thời ban hành các quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với chủ các bến bãi, bến cảng và đơn vị sản xuất bê tông.
Liên quan đến các bến cảng hoạt động không phép trên tuyến đê sông Thương thuộc địa bàn xã Hương Gián. Trao đổi qua điện thoại với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Quyết – Trưởng đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa Bắc Giang (Cảng vụ Bắc Giang) cho biết: Theo chức trách nhiệm vụ được phân công, Cảng vụ Bắc Giang quản lý các cảng bến trên các tuyến sông Trung ương tại địa bàn tỉnh Bắc Giang như sông Thương và sông Lục Nam. Qua kiểm tra chúng tôi phát hiện hộ ông Sỹ chưa được cấp phép hoạt động bến cảng trên tuyến đê sông Thương theo quy định. Đơn vị chúng tôi đã phối hợp với Đội CSGT đường thuỷ thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang xử phạt hộ ông Sỹ số tiền là 27,5 triệu đồng.
Điểm giao cắt giữa ĐT293 thuộc địa bàn xã Hương Gián, huyện Yên Dũng trở thành điểm nóng giao thông, nhưng vào giờ tan tầm không thấy bóng dáng lực lượng chức năng đến phân luồng, điều tiết giao thông.
Khi PV thắc mắc, nằm ngay sát cảng của hộ ông Sỹ là bãi tập kết VLXD và bến cảng của hộ ông Hồ Văn Cường cũng đã hết thời gian hoạt động của giấy phép. Vậy Cảng vụ Bắc Giang có kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hộ ông Cường?
Ông Quyết lý giải, hiện nay hộ ông Cường đang làm thủ tục xin cấp phép lại, do còn vướng một số thủ tục cũng như hồ sơ theo quy định mới nên Sở GTVT Bắc Giang chưa cấp giấy phép. Để xử lý được trường hợp này thì cần phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.
Mặc dù đã bị xử phạt, nhưng hiện nay các bến cảng này vẫn ngang nhiên hoạt động như thể họ không vi phạm. Dư luận đặt câu hỏi có hay không việc xử phạt cho tồn tại, và quyết định xử phạt của cơ quan chức năng chỉ mang tính hình thức?
Ông Quyết trả lời, do lực lượng mỏng và còn phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nên không phải lúc nào chúng tôi cũng đến kiểm tra được. Hơn nữa, việc này chính quyền điạ phương cũng phải phối hợp và có trách nhiệm xử lý cùng.
Trong một diễn biến liên quan, ngoài việc bị xử phạt về hành vi hoạt động bến cảng không phép nêu trên, mới đây chủ bến cảng này còn bị UBND huyện Yên Dũng ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Cụ thể, tại Quyết định số 4248/QĐ-XPHC ngày 20/10/2022 của UBND huyện Yên Dũng đã xử phạt chủ bến bãi, bến cảng trên với tổng số tiền phạt là 20.000.000 đồng. Do đã thực hiện hành vi lấn chiếm bãi sông, lòng sông, nối, kênh, rạch, bờ biển làm gia tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục. Các hành vi cụ thể: tự ý ép cọc bê tông (cột điện cũ) lấn chiếm lòng sông, cách mép bờ sông từ 3-5m tại vị trí K17+200 đê Tả Thương; số lượng 26 cọc, cao 7m, diện tích 20m2.
Sau kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng, các bến cảng không phép vẫn ngang nhiên hoạt động, ngày đêm "uy hiếp” sự an toàn hành lang bảo vệ đê Tả Thương, gây mất an toàn đường thuỷ trên dòng sông Thương.
Tương tự, đối với hoạt động của Nhà máy sản xuất bê tông tươi và cấu kiện bê tông đúc sẵn của Công ty TNHH đầu tư EASTERN nằm phía trong hành lang đê Tả Thương. Thời gian qua, nhà máy này bị phản ánh về hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường, nhiều xe tải cỡ lớn vận chuyển cát đá, bê tông ra vào nhà máy không được che bạt, có dấu hiệu chở hàng cao thành "ngọn” gây mất an toàn giao thông.
Sau phản ánh, vừa qua chính quyền xã Hướng Gián đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm đối với Công ty TNHH đầu tư EASTERN về hành vi lấn chiếm, lấp cả một đoạn dài kênh mương tưới tiêu của người dân. Đồng thời yêu cầu công ty này khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đoạn kênh mương trên cho người dân.
Để các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm hàng loạt các vấn đề về giao thông – môi trường trong suốt thời gian dài như đã nêu trên, thì trách nhiệm thuộc về ai và có hay không sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Để làm rõ nội dung này, chúng tôi kính đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang vào cuộc kiểm tra, xác minh và trả lời minh bạch trước công luận.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.