moitruongplus Cùng với ô nhiễm môi trường tại Khu chung cư xã hội Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu), những ngày qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục nhận phản ánh về việc Chung cư xã hội Phong Bắc (Q.Cẩm Lệ) thi công kém chất lượng, ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân.

Vừa đi thang máy vừa… lo

Phản ánh với phóng viên, anh Trịnh Hoài Quân thuê nhà tại tầng 9, Khu CT07, Chung cư Phong Bắc cho biết, gia đình chuyển về sống từ năm 2018. Quân thuê phòng có diện tích 52,5m2, mỗi tháng đóng tiền thuê gần 1 triệu đồng, trong đó có hơn 200.000 đồng là phí sử dụng thang máy.

Quá trình lưu trú tại đây, anh và hàng trăm hộ dân thuộc diện chính sách được thuê nhà ở của thành phố phải chung sống với rất nhiều sự bất tiện vì cơ sở vật chất xây dựng, nhất là chất lượng thang máy, phương tiện đi lại hằng ngày không đảm bảo.

Anh Quân kể: "Khu CT07 có 11 tầng, được bố trí 2 thang máy để di chuyển. Không hiểu sao kiểm định đạt chất lượng mà quá trình vận hành, thang máy rất hay gặp sự cố khiến người dân lo lắng, bất an. Các lỗi thường gặp là bị dừng giữa chừng, dăm bữa nửa tháng là không hoạt động, phải gọi đơn vị bảo trì đến sửa. Có hôm tôi đi mua đồ, thang máy dừng đột ngột, tối om, lại không mang theo điện thoại nên không gọi được người giúp, đành phải đứng im chờ. Khoảng 20 phút, rất may là  thang vận hành trở lại, chứ không thì chẳng biết sẽ như thế nào. Nguy hiểm nhất là mới đây, cửa thang máy bị bung ra, hư hỏng khi đang vận hành”.

Tìm hiểu về sự cố này được biết, khoảng 16 giờ 30 ngày 21/11, quá trình di chuyển lên tầng 6 để đón người, thang máy bên trái Tòa nhà CT07 bị bung cửa. Rất may là thời điểm này không có người và hàng hóa bên trong, nếu không chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Khi vụ việc xảy ra, đơn vị bảo trì kịp thời có mặt xử lý và đến chiều 22/11 đã khắc phục hoàn toàn, đưa thang máy vào vận hành trở lại.


Thang máy tại Tòa nhà CT07 bị sự cố bung cửa trong chiều 21/11.

Để tìm hiểu thêm về chất lượng thang máy tại các Khu chung cư xã hội thuộc diện cho thuê, ngày 22/11, phóng viên thực tế dãy 3 Tòa nhà CT05, CT06 và CT04. Hầu hết các thang máy tại đây đã hết hạn bảo hành từ nhà sản xuất, hiện Trung tâm quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng đang ký hợp đồng với Cty Cổ phần năng lượng API bảo trì, vận hành hệ thống thang máy này.

Đáng chú ý là thời điểm 10 giờ cùng ngày, thang máy tại Tòa nhà CT04 đang gặp sự cố, một bên không hoạt động, bên còn lại lúc vận hành phát ra tiếng kêu keng két. Trao đổi với anh Lê Như Tình, nhà trưởng CT04 được biết, thang máy đang gặp sự cố kỹ thuật, chờ bảo trì đến xử lý.


Thang máy tại Tòa nhà CT07 bị hư hỏng, đóng cửa vào sáng  22/11. 

Bản thân anh Tình được tập huấn về nghiệp vụ xử lý tình huống mở cửa để đưa dân ra ngoài khi thang máy dừng đột ngột. "Thang máy ở đây thỉnh thoảng cũng hay gặp trục trặc, không hoạt động hoặc dừng đột ngột khi đang hoạt động nên nhà trưởng phải thường xuyên có mặt để xử lý tức thời và điện báo đơn vị bảo trì đến khắc phục”, anh Tình thông tin.

Không chỉ khu chung cư nhà ở xã hội 11 tầng bị sự cố về thang máy mà các khu 7 tầng cũng gặp tình trạng tương tự. Anh Lưu Hoàng Anh thuê nhà tại tầng 3, khu B1 Chung cư xã hội  Phong Bắc cho biết, trong 11 năm hoạt động, thang máy nơi này liên tục gặp sự cố, từ "nhốt” người trong cabin cho đến bung cửa ra ngoài…  Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng đã có thông báo về việc thay mới thang máy tại đây nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện.

Chị Trương Thị Thanh Tú thuê nhà ở tầng 7, Khu 2A Chung cư xã hội cũng trong tình trạng tương tự. Chị kể: "Trong 10 năm thuê nhà ở đây, tôi thường xuyên chứng kiến cảnh thang máy liên tục hư hỏng, khiến cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thang máy ở đây cứ 2 đến 3 ngày là bị sự cố "nhốt” người trong ca bin. Mỗi lần như vậy là phải dừng hoạt động, gọi đơn vị bảo trì đến sửa. Vì sự cố liên tục nên trẻ con không dám đi thang máy, còn người lớn thì luôn thủ sẵn điện thoại trong túi để khi bị "nhốt” thì gọi cho nhà trưởng mở cửa, còn không thì tự tìm cách cạy cửa chui ra”.

Bất ổn trong xây dựng chung cư xã hội

Quá trình thực tế tác nghiệp tại các dãy nhà 11 tầng Chung cư xã hội Phong Bắc, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam phát hiện tại Khu nhà CT06 có nhiều mảng tường ở tầng cao có mặt tiền quay về hướng đường Nguyễn Hữu Tiến, bị bong tróc rơi xuống đất.

Trao đổi với ông Đoàn Anh, nhà trưởng khu nhà CT06 được biết, sau các đợt mưa bão tháng 10/2022, nhiều mảng tường ở khu chung cư bắt đầu bong tróc. Điều đáng lo là các mảng vôi vữa không có độ kết dính với gạch xây tường, bong tróc rơi xuống đất từ tầng cao gây nguy hiểm cho cư dân.


Một mảng tường lớn tại tòa nhà CT06 bị bong tróc vôi vữa, rơi xuống đất.

Rõ nhất là trung tuần tháng 11/2022, lúc đó tầm 9 giờ, một mảng tường lớn bong tróc, bất ngờ rơi từ trên cao xuống. Rất may là thời điểm này không có người ở khu vực này chứ không thì hậu quả chẳng biết đâu mà lần. Ông Đoàn Anh đã có đơn trình báo sự việc gửi về Trung tâm quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Theo quan sát của phóng viên, không chỉ ngoài trời mà các mảng tường xây dựng bên trong tòa nhà CT06 cũng xuất hiện các vết bong tróc thành mảng lớn. Tại tầng 11 (đoạn trước phòng 1102), phóng viên phát hiện một mảng tường bong tróc lớn, thiếu độ kết dính giữa lớp hồ tô trát bên ngoài với gạch bên trong.


Tòa nhà TC06  xuất hiện nhiều mảng tường bong tróc bên ngoài lẫn trong.

Tại tòa CT07, cư dân phản ánh, khi nhận phòng từ năm 2018 đã phát hiện gạch men lát sàn bị bung, nước thấm từ khu vệ sinh tầng trên xuống tầng dưới. Và ở tầng hầm để xe, mặt cống thoát nước cao hơn nền nên cứ mưa xuống là nước lênh láng.

Tại khu nhà 7 tầng 2A, nhiều cư dân ở tầng 7 phản ánh là bị thấm dột, nước chảy vào phòng. Cư dân đã có đơn kiến nghị gửi đến Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng yêu cầu khắc phục. Và hầu như năm nào cũng có đội thợ đến sửa chữa nhưng sự cố này không thể khắc phục được, bà con đành phải xô chậu hứng nước mỗi khi có mưa to. 


Mặt cống thoát nước tại tầng hầm để xe tòa nhà CT07 cao hơn nền. 

Mang những điều bất an, lo lắng của các cư dân sinh sống tại Chung cư xã hội Phong Bắc trao đổi với ông Lê Doãn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng được biết, về chức năng, đơn vị đang quản lý, vận hành và khai thác các chung cư xã hội có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn thành phố.

Hầu hết các khu ở chung cư xã hội Phong Bắc đã được xây dựng lâu năm, hết thời hạn bảo hành sửa chữa. Có nhiều chung cư đã có tuổi đời trên 10 năm, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Một số chung cư xây dựng giai đoạn đầu phục vụ cho việc bố trí giải tỏa của thành phố có chất lượng chưa tốt.


Một mảng tường tại tầng 11 tòa nhà CT06 bị bong tróc.

Về vấn đề thang máy, hằng năm Trung tâm ký hợp đồng với các đơn vị bảo trì để vận hành, phục vụ nhân dân. Với những thang máy nào không đảm bảo chất lượng, trung tâm đề xuất thành phố thay mới. Còn chuyện thấm, dột và các sự cố khác tại Chung cư Phong Bắc, trung tâm thường xuyên tiếp nhận thông tin và sẽ có hướng xử lý theo cách khắc phục, sửa chữa. Với những lỗi quá nặng, cần kinh phí lớn thì trung tâm đề xuất UBND TP Đà Nẵng bố trí để thực hiện.

Việc UBND TP Đà Nẵng đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các khu chung cư nhà ở xã hội bố trí cho các đối tượng chính sách thuê, góp phần thực hiện mục tiêu có nhà ở là chủ trương hết sức nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với đời sống người dân. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa chủ trương này còn bộc lộ những bất cập, nhất là chất lượng công trình.

Thiết nghĩ, với các Khu chung cư nhà ở xã hội Phong Bắc mới đưa vào khai thác, sử dụng hơn 5 năm đã bộc lộ những bất ổn, gây tâm lý bất an cho người dân là điều cần phải được các cấp chính quyền TP Đà Nẵng sớm vào cuộc giải quyết. Trong đó, cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công, giám sát, cung ứng thiết bị và bảo hành, bảo trì trong quá trình xây dựng, vận hành những công trình này.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

trhrr
fasfds
htry
fggr

Đồng Nai: Hơn 1 ha đất trồng lúa “biến thành” trạm vận tải của Chi nhánh Cty Vạn Công Thành?

Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.

Ứng Hòa: Trạm trộn bê tông hoạt động không phép gây ảnh hưởng đến môi trường tại xã Phương Tú

Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.

Gia Lai: Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các điểm thu gom mủ cao su Công ty 75

Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.

Thừa Thiên Huế: Cần kiểm tra tình trạng khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm của mỏ đá Sơn Thủy

Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Phạt hơn 5 tỷ đồng một giám đốc doanh nghiệp Thừa Thiên Huế vì hành vi khai thác đá trái phép

Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng trên đường vào Khu công nghiệp Long Đức

Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.