Vịnh Bái Tử Long nguy cơ bị ‘bức tử’ vì chủ trương dùng đất, đá thải mỏ làm vật liệu san lấp?
Thứ năm, 24/11/2022 | 8:28:35 Sáng
moitruongplusViệc cho phép sử dụng hàng triệu m3 đất, đá thải của các mỏ than để làm vật liệu san lấp (VLSL) mặt bằng các dự án theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh đang khiến Vịnh Bái Tử Long nguy cơ bị "bức tử”
Nội dung các bài viết thông tin về việc UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện chủ trương cho phép các doanh nghiệp khai thác, sử dụng đất, đá thải mỏ để làm VLSL mặt bằng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, xâm phạm cảnh quan môi trường Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.
Cụ thể, ngày 22/10/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 7530/UBND-CN để chỉ đạo thực hiện phương án thu hồi và sử dụng khoảng 3.5 triệu m3 đất, đá thải tại các bãi thải mỏ Tây Khe Sim và mỏ Tây Lộ Trí làm VLSL mặt bằng Dự án khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long II (sau đây viết tắt là Dự án) ở TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh do Tổng công ty Đông Bắc lập, bổ sung, hoàn thiện. Dự án do Tập đoàn TTP làm chủ đầu tư.
Quá trình triển khai thực hiện chủ trương trên, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan có dấu hiệu làm trái quy định khi tổ chức khai thác, thu hồi và vận chuyển than hoặc bã xít, khoáng sản khai thác không phải là đất, đá thải tại các bãi thải mỏ mà chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép.
Dấu hiệu vi phạm trên đã bị dư luận xã hội và người dân Quảng Ninh phản đối dữ dội, bởi lẽ, việc sử dụng xít thải mỏ làm VLSL mặt bằng dự án đã có hiện tượng nước từ bên trong dự án thải ra môi trường, tạo thành nguồn nước có màu đen kịt, bốc mùi hôi và ngấm xuống lòng đất. Hàng ngày, nguồn nước thải này được xả thẳng ra Vịnh Bái Tử Long mà không qua kiểm tra, xử lý đã gây nguy cơ "bức tử” môi trường và mặt nước biển Vịnh Bái Tử Long.
Trong những ngày qua, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại dự án để ghi nhận thực tế về tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước quanh khu vực này. Qua đó có thể hiểu tại sao dư luận và người dân địa phương lại lên án, phản đối chủ trương dùng đất, đá thải làm VLSL.
Nguồn nước đen sì, xuất hiện bọt trắng và bốc mùi hôi từ dự án của Tập đoàn TTP được xả thẳng ra Vịnh Bái Tử Long gây bức xúc dư luận
Trao đổi với PV, ông Trần Đình Th. – người dân sống ngay cạnh dự án trên bức xúc nói: Hàng ngày chúng tôi tận mắt chứng kiến dòng nước đen kịt từ dự án xả thẳng ra Vịnh Bái Tử Long, khiến mặt nước biển tại đây bỗng trở thành màu đen sì, bốc mùi hôi rất khó chịu.
"Tình trạng trên đã diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng không thấy bóng dáng cơ quan chức năng đến kiểm tra, lấy mẫu nguồn nước này đi kiểm định xem có đảm bảo an toàn, có độc hại hay không. Người dân chúng tôi lo ngại rằng, nếu cứ để tình trạng này diễn ra mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý (nếu sai phạm) thì cảnh quan môi trường Vịnh Bái Tử Long sẽ tiếp tục bị "bức tử”, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Lúc đó hậu quả xảy ra (nếu có) thì khó mà kiểm soát, khắc phục được” – ông Th. lo lắng cho biết.
Theo quan sát thực tế của PV, toàn bộ nguồn nước tại hệ thống thoát nước, hồ chứa nước của dự án nhuộm một màu đen kịt. Nguy cơ nguồn nước này bị thẩm thấu xuống lòng đất làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, và cả vùng biển Vịnh Bái Tử Long cũng chịu cảnh ô nhiễm nặng nề.
Cũng theo ghi nhận, tại khu vực một cống thoát nước lớn dẫn nguồn nước thải đen sì của dự án chảy ra Vịnh Bái Tử Long xuất hiện bọt trắng, và mùi hôi bốc lên rất khó chịu.
Để thêm góc nhìn khách quan sự việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã thực hiện một thí nghiệm nhỏ bằng cách sử dụng một bình nước lọc 20 lít đổ ra một cái chậu trắng, sau đó xúc đất, đá mỏ thải san lấp tại dự án vào chậu nước này. Kết quả cho thấy toàn bộ lượng nước trong chậu nhanh chóng biến thành màu đen kịt, lượng nước này bị đặc quánh bởi than cám bám ở xít thải tan ra. Đặc biệt, mặt nước trong chậu xuất hiện váng dầu bóng loáng.
Chậu nước tinh khiết đã nhanh chóng biến thành màu đen kịt, đặc quánh và nổi váng dầu khi cho đất, đá thải san lấp tại dự án vào.
Đến đây, có thể khẳng định việc người dân phản ánh lượng nước thải bốc mùi hôi, màu đen kịt của dự án xả ra Vịnh Bái Tử Long là hoàn toàn có cơ sở. Thế nhưng nguồn nước này có độc hại hay không, có ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và "uy hiếp” vùng biển này không thì rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng chuyên môn có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh và Trung ương kiểm tra mới có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, nếu nguồn nước này tiếp tục không được kiểm soát và ngày đêm xả thẳng ra Vịnh Bái Tử Long, thì chỉ trong thời gian ngắn tới đây vùng biển này sẽ bị nhuộm kín một màu đen, khi đó người dân và khách du lịch có đủ dũng cảm để tắm biển tại đây.
Cần thận trọng triển khai chủ trương cho phép sử dụng đất, đá thải mỏ làm VLSL của tỉnh Quảng Ninh
Ở một diễn biến khác, liên quan đến chủ trương trên thì tỉnh Quảng Ninh không chỉ cho phép riêng Tập đoàn TTP sử dụng đất, đá thải mỏ làm VLSL mặt bằng dự án. Theo tài liệu PV thu thập được cho thấy, tháng 3/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc uỷ quyền thực hiện Phương án khai thác, sử dụng đất, đá thải mỏ làm VLSL mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Nội dung văn bản thể hiện, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao các cơ quan chức năng của tỉnh làm việc với đơn vị ngành than (KTV, Công ty cổ phần than Núi Béo – Vinacomin) để triển khai thực hiện hoạt động khai thác đất, đá thải tại bãi thải của mỏ than Núi Béo làm VLSL mặt bằng Dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả.
Quá trình khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ để thi công san lấp mặt bằng dự án này cũng tạo dư luận hoài nghi về chất lượng công trình có đảm bảo khi sử dụng đất, đá thải mỏ làm VLSL, và đặc biệt có đảm bảo an toàn môi trường cho Vịnh Hạ Long hay không vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng từ chính quyền tỉnh Quảng Ninh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tỉnh Quảng Ninh cho thực hiện ồ ạt về chủ trương sử dụng đất, đá thải mỏ tại nhiều dự án cùng một lúc sẽ khó có thời gian để thẩm định, đánh giá được chất lượng công trình, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn môi trường, nguồn nước nói chung và cảnh quan môi trường Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long nói riêng.
Một chuyên gia đánh giá, đối với bất kỳ loại vật liệu mới nào để đưa vào sử dụng đều phải trải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá. Nếu tốt thì mới sử dụng còn hại thì kiên quyết không sử dụng, và tất cả nội dung này cần phải công khai để dư luận được biết.
Vịnh Bái Tử Long đang ngày đêm bị "bức tử” bởi nguồn thải đen sì từ dự án do Tập đoàn TTP làm chủ đầu tư.
Việc bảo vệ môi trường là việc sống còn, Chính phủ đã nhiều lần khẳng định không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, cho nên việc bảo vệ môi trường có vai trò rất quan trọng.
Hiện nay, Quốc hội cũng rất quan tâm về vấn đề bảo vệ môi trường. Các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đều phải vào cuộc, do đó nếu địa phương nào mà công tác bảo vệ môi trường lỏng lẻo gây ô nhiễm môi trường thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Vì thế, hơn ai hết chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần hiểu được điều này, nên việc các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cùng các bộ, ngành liên quan lúc này cần thận trọng xem xét, đánh giá thật kỹ chủ trương sử dụng đất, đá thải mỏ để làm VLSL.
Hàng loạt hạng mục kiên cố và bán kiên cố được công ty Vạn Công Thành xây dựng trái phép trên 1 ha đất trồng lúa tại phường Tân Vạn, TP Biên Hoà. Các sai phạm này đã được "mời lên làm việc” nhưng sau đó không bị xử lý mà tiếp tục đưa vào sử dụng.
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.
Tình trạng nước mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty 75.
Mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - huyện A Lưới) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An, hiện đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng dân cư vì khoảng cách khai thác không đủ an toàn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 17/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Quốc Trung (sinh năm 1978, cư trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đường vào Khu công nghiệp Long Đức (còn gọi là đường Lò Gạch - cầu Nước Trong, thuộc xã An Phước, huyện Long Thành) hiện còn một số bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.